TS. Ngô Đức Lâm: Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi

Trao đổi với PetroTimes, TS. Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, để đảm bảo mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện 8, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, ban hành cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư thí điểm.

Thách thức phát triển điện gió ngoài khơi

Phát triển ngành điện là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng bền vững cho hiện tại và tương lai. Trong những năm gần đây, phát triển kinh tế - xã hội đã yêu cầu tăng trưởng công suất điện lên từ 10-12% mỗi năm. Do vậy, việc đầu tư từ sớm, từ xa để bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển trong tương lai, nhất là các nguồn điện nền, điện năng lượng tái tạo, điện sạch (như điện gió ngoài khơi, điện khí) để hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 là hết sức cấp thiết.

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi (Ảnh minh họa)

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi (Ảnh minh họa)

Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi với công suất lên đến 600.000 MW và mục tiêu công suất đạt 6.000 MW vào năm 2030. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có dự án cụ thể nào được xác định trong kế hoạch này và chỉ mới phân bổ công suất theo từng vùng.

Bên cạnh đó, để phát triển các dự án này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan như: văn bản pháp lý; quản lý Nhà nước chuyên ngành; kỹ thuật...

Về văn bản pháp lý, cho đến nay, chưa có quy định cụ thể nào cho điện gió ngoài khơi, ngoại trừ việc đề cập trong Quy hoạch điện VIII ban hành năm 2023. Theo Điều 45, khoản 2 của Luật Biển Việt Nam 2012, việc giao một số khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên cần tuân thủ quy định của Chính phủ, nhưng chưa có hướng dẫn rõ ràng về việc cho thuê mặt nước biển cho ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 chỉ xác định trình tự cấp phép nghiên cứu khoa học cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trên biển Việt Nam mà không đề cập đến khảo sát hay xây dựng dự án phát triển kinh tế biển tư nhân hoặc điện gió ngoài khơi.

Trong lĩnh vực cấp giấy phép môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nêu rõ yêu cầu về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án năng lượng tái tạo tại Điều 28, giấy phép môi trường tại Điều 39 và các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính tại Điều 91. Tuy nhiên, luật này chưa cụ thể hóa các dự án năng lượng tái tạo thuộc danh mục xanh nhằm giảm khí thải nhà kính và việc miễn giảm nội dung ĐTM cho các dự án điện gió ngoài khơi.

Vấn đề quản lý Nhà nước chuyên ngành đang gặp nhiều khó khăn do thiếu rõ ràng trong quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tự bỏ kinh phí khảo sát; Các dự án điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII chỉ có tổng công suất mà không rõ vị trí và nhà đầu tư; Việc lựa chọn nhà đầu tư vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể theo Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư; Chưa có quy định rõ ràng về thẩm quyền giao khu vực biển cho phép hoạt động khảo sát phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi; Việc xác định các khu vực khảo sát đôi khi bị chồng lấn với khu quốc phòng làm gia tăng độ phức tạp. Ngoài ra, chưa có tiêu chuẩn quốc gia độc lập về giám sát an ninh quốc phòng trên biển.

Bên cạnh đó, chưa có quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện đo gió, khảo sát địa chất trên vùng biển Việt Nam; Chưa rõ yêu cầu hồ sơ, quy trình, thủ tục cấp văn bản chấp thuận hoạt động khảo sát gió, địa chất, địa hình; Không có quy định chính xác về khoảng cách an toàn sinh thái giữa dự án điện gió ngoài khơi với các khu bảo tồn biển hay di sản thiên nhiên.

Về kỹ thuật, chưa có quy định về diện tích khu vực biển dành cho đo gió và khảo sát địa chất, trong khi các yếu tố này sẽ khác nhau tùy theo điều kiện từng vùng biển; Chưa xác định công suất điện gió tối đa cho mỗi dự án nhằm thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư đồng thời đảm bảo cân đối hệ thống truyền tải; Thiếu quy định về công suất khảo sát trong từng giai đoạn quy hoạch để phù hợp với tổng công suất điện gió ngoài khơi đã được xác định trong Quy hoạch điện VIII.

Giải pháp nào cho điện gió ngoài khơi?

Trao đổi với phóng viên PetroTimes về các giải pháp để phát triển điện gió ngoài khơi đạt được mục tiêu theo Quy hoạch điện VIII, TS. Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian từ nay đến năm 2030 không còn nhiều, nếu cứ chờ các quy định về điện gió ngoài khơi thì chắc chắn mục tiêu 6.000 MW điện gió ngoài khơi sẽ không đạt được vào năm 2030. Vì vậy, cần sớm có những giải pháp mang tính đột phá, thử nghiệm để vừa làm vừa rút kinh nghiệm xây dựng cơ chế, hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi.

TS. Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương).

TS. Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương).

Theo TS. Ngô Đức Lâm, để đạt được mục tiêu trên, trước tiên phải có cam kết về giá mua điện và lộ trình tăng giá đảm bảo cho doanh thu của nhà đầu tư, dù việc này có thể dẫn tới tăng giá điện bán lẻ chút ít. Cho phép đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện theo các cam kết này làm cơ sở cho việc huy động vốn vay của dự án.

Thứ hai, chọn chủ đầu tư trong nước hoặc liên doanh với nhà đầu tư quốc tế, dựa trên năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật, kinh nghiệm xây dựng, vận hành các dự án điện gió; sở hữu công nghệ điện gió ngoài khơi đã được xác nhận và công nhận rộng rãi. Sau đó cùng nhà đầu tư thử nghiệm cơ chế thí điểm cho dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Việt Nam. Song song với việc triển khai dự án thí điểm là tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách cho việc đấu thầu sau này.

Thứ ba, nhà đầu tư được chọn phải được giao khu vực biển để khảo sát và độc quyền phát triển điện gió tại đó (với quy mô ban đầu không dưới 1.000 MW) và không gian để tiếp tục mở rộng quy mô công suất (theo kinh nghiệm quốc tế, quy mô dự án điện gió ngoài khơi phải từ 1.000 MW trở lên mới có thể có giá điện cạnh tranh). Mặt khác, cần quy định rõ cấp có thẩm quyền được giao khu vực biển, cho phép khảo sát và hướng dẫn đánh giá tác động môi trường, xã hội...

Thứ tư, mở rộng các quy định cho các công ty Việt Nam tham gia cùng đối tác quốc tế trong chuỗi giá trị điện gió để xuất khẩu ra nước ngoài. Trong đó, chú trọng ưu tiên 3 yếu tố: Chuỗi cung ứng, vận tải và hậu cần logistic, thuế ưu đãi.

Thứ năm, Chính phủ nên xem xét việc thiết lập các cơ chế hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như quỹ bảo lãnh tín dụng hoặc các khoản vay ưu đãi, để giúp các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp và điều kiện trả nợ dễ dàng hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đầu tư vào điện gió ngoài khơi đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian thu hồi vốn dài.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi về thuế và phí để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư. Chẳng hạn, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định hoặc miễn thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ cho dự án.

Ngoài ra, cũng không thể thiếu các cơ chế, chính sách ổn định và dài hạn, đảm bảo rằng các quy định không thay đổi đột ngột và gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình triển khai dự án. Sự ổn định này tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, giúp họ yên tâm hơn khi bỏ vốn vào lĩnh vực mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này.

“Trong thời gian còn thiếu nhiều quy định pháp luật, cấp thẩm quyền nên xem xét sớm hoàn thiện khung pháp lý và các cơ chế đặc thù, thí điểm để thực hiện ngay dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên, làm cơ sở cho triển khai các dự án tiếp theo”, TS. Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.

Huy Tùng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ts-ngo-duc-lam-can-som-hoan-thien-khung-phap-ly-cho-dien-gio-ngoai-khoi-719501.html