Bà Trương Mỹ Lan lại xin 1 biệt thự, 2 du thuyền và loạt nhà ở phố Nguyễn Huệ
Khẳng định không kêu oan, bị cáo Trương Mỹ Lan xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt và mong nhận lại được các tài sản gồm tòa biệt thự cổ, 2 du thuyền và nhiều căn nhà trên phố Nguyễn Huệ.
Chiều 4/11, phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi.
Bị cáo Trương Mỹ Lan muốn chịu tội cùng "anh em"
Trả lời trước tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định mình không kêu oan, chỉ mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.
Lan khai, bản thân, gia đình và bạn bè đã cho Ngân hàng SCB mượn nhiều tài sản để tái cơ cấu như tòa nhà An Đông, Times Square...
Trước lời khai này của bị cáo Lan, chủ tọa đặt câu hỏi: Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và TMCP Đệ Nhất, tài sản của bị cáo gồm những gì?
Trả lời câu hỏi, bị cáo Lan trình bày mình có tòa nhà An Đông, tòa nhà Sherwood và nhiều tài sản tích cóp của gia đình. Tiếp đó, bị cáo Lan cũng nói đã mang hết tài sản để khắc phục hậu quả của vụ án.
"Bị cáo cho Ngân hàng SCB mượn tài sản thì tại sao phải tự nguyện khắc phục hậu quả vụ án?" - vị chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi.
“Nếu không nhận khắc phục thì bị cáo đổ tội cho anh em cấp dưới, anh em ở SCB hay sao? Bị cáo nhìn thấy anh em như thế này nên muốn cùng nhận tội để chia sẻ” - bà Lan trình bày.
Bị cáo Lan cũng bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét cho nhận lại căn nhà 24 Lê Lợi, tòa biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần cho con gái quản lý, tòa nhà từ số 19-25 Nguyễn Huệ, tòa nhà 78 Nguyễn Huệ, 2 du thuyền phục vụ cho khách du lịch tại tòa nhà Times Square. Đồng thời, bị cáo mong HĐXX xem xét cho Trương Huệ Vân nhận lại tòa nhà 21 Trần Cao Vân.
Thuộc cấp khai về sức ảnh hưởng của bà Trương Mỹ Lan tại SCB
Giữ nguyên kháng cáo, Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Trước đó, bị cáo Hoàng bị TAND TPHCM tuyên phạt 18 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.
Với câu hỏi của chủ tọa "nhận thức như thế nào về vai trò của bị cáo Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB?", bị cáo Hoàng khai khi mới vào làm việc được bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) cho biết bà Lan là người “đỡ đầu” của SCB. Do đó, bị cáo Hoàng nghĩ bà Lan là người có sức ảnh hưởng lớn đối với Ngân hàng SCB.
Về lý do xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Hoàng trình bày ở thời điểm Ngân hàng SCB hết sức khó khăn, có những khoản vay “nếu không làm thì chỉ có phá sản”. Vì vậy, bị cáo đã ký đồng ý cho 270 khách hàng vay 386 khoản tại Ngân hàng SCB.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) thì xin giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra và tại phiên sơ thẩm. Ở phiên sơ thẩm, bị cáo Văn bị TAND TPHCM tuyên phạt chung thân về các tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Tại tòa, bị cáo Văn cho rằng bản án sơ thẩm có một số chi tiết chưa thể hiện hết nội dung làm việc tại phiên tòa sơ thẩm; bị cáo không chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ tín dụng theo như chỉ đạo của bị cáo Lan.
Liên quan các “thùng trái cây” chứa 5,2 triệu USD mà Văn đã gửi cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng 2), bị cáo Văn thừa nhận có 3 lần cùng tài xế mang thùng trái cây đến nhà đưa cho bà Nhàn, và biết bên trong là tiền.
Còn bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) khai vào năm 2020 đang có dịch Covid-19 nên chủ yếu hoạt động chống dịch, vì thế vai trò và sai phạm trong vụ án là rất nhỏ.
Trương Huệ Vân mong HĐXX xem xét đúng bản chất, hành vi của bị cáo. Đồng thời, bị cáo Vân đã khắc phục hậu quả được 2,5 tỷ đồng - thêm tình tiết giảm nhẹ chưa được xem xét tại phiên sơ thẩm.
Liên quan tới căn nhà tại 21 Trần Cao Vân, bị cáo Vân cho biết đây là tài sản được bà nội cho, không liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo bị cáo, đây là tài sản còn lại duy nhất của gia đình nên xin HĐXX xem xét trả lại để ổn định chỗ ở. Ngoài ra, bị cáo xin lại một số tư trang đã bị cơ quan điều tra thu giữ.
Theo Bản án sơ thẩm, từ ngày 1/1/2012-31/12/2017, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau. Đến ngày 17/10/2022, dư nợ là 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 64.621 tỷ đồng.
Từ ngày 9/2/2018-7/10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.096 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 129.372 tỷ đồng.