Bắc Kạn: Tăng cường giám sát hoạt động khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản
Hoạt động khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh có những đóng góp tích cực cho nguồn thu ngân sách, an sinh xã hội, tạo việc làm, phát triển công nghiệp chế biến.
Tính đến 30/7/2024, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 14 giấy phép khai thác khoáng sản chì, kẽm, 04 giấy phép khai thác khoáng sản sắt còn hiệu lực. Hiện có 07 xưởng tuyển nổi để tuyển làm giàu quặng chì, kẽm giấy phép còn hiệu lực.
Từ thực tế cho thấy, việc quản lý hoạt động khai thác lĩnh vực khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn. Để công khai, minh bạch lĩnh vực khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản tạo điều kiện cho tất cả doanh nghiệp đến đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch giám sát điểm hoạt động khai thác, chế biến tại một số mỏ khoáng sản kim loại thuộc địa bàn huyện Ngân Sơn và Chợ Đồn.
Trong đó tập trung giám sát về sản lượng khoáng sản khai thác, chế biến, tiêu thụ thực tế tại cơ sở; chi phí tiêu hao nguyên, nhiên liệu phục vụ khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản…
Tăng cường giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Qua đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất, tham mưu xây dựng quy định về quản lý, khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Ông Phan Văn Tố, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: Huyện đã thành lập Tổ giám sát gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Trung Hòa, Đội QLTT số 4, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài chính – Kế hoạch, thôn Phiêng Sảng, xã Trung Hòa, Công an thị trấn Vân Tùng, Nà Phặc, Chi cục thuế khu vực Ba Bể, Pác Nặm, Ngân Sơn. Nhiệm vụ của tổ là thực hiện giám sát, thống kê đầy đủ khối lượng khoáng sản vận chuyển của doanh nghiệp từ nơi khai thác (mỏ) về nơi chế biến và từ nơi chế biến đi tiêu thụ (trạm cân/khu vực ra khỏi mỏ khoáng sản, trạm cân vào/ra nhà máy chế biến tiêu thụ sản phẩm). Phạm vi giám sát tại Mỏ quặng sắt Bản Phắng 1 (thuộc xã Trung Hòa, huyện Ngân Sơn) của Công ty Cổ phần Vương Anh theo quy định. Nhiệm vụ cụ thể của Tổ giám sát do UBND huyện phân công. Thời gian giám sát được thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Hiện nay, UBND tỉnh đã thành lập Tổ giám sát điểm; các đơn vị thành lập các Tổ giám sát theo lĩnh vực, địa bàn quản lý và được triển khai từ cuối tháng 9/2024, thời gian giám sát đến hết năm 2024 và tổng kết báo cáo vào quý I/2025. Trên cơ sở kết quả giám sát thực tế mới xem xét việc triển khai ở tất cả các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện giám sát tại các mỏ khoáng sản đều có các Tổ giám sát cụ thể khối lượng khoáng sản vận chuyển ra khỏi mỏ, sau công tác chế biến và được lập biên bản, lập sổ theo dõi thực tế hằng ngày
Ông Hà Sỹ Thắng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và địa phương thực hiện giám sát điểm hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại một số mỏ khoáng sản kim loại trên địa bàn huyện Ngân Sơn (mỏ sắt Bản Phắng 1) và huyện Chợ Đồn (mỏ chì kẽm Lũng Váng của Công ty TNHH Việt Trung; mỏ chì kẽm Nà Bốp – Pù Sáp, mỏ Nà Duồng và khu tuyển khoáng sản Bằng Lãng của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn). Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch giám sát và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, đơn vị theo quy định, nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động khai thác và tránh thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản.
Việc giám sát đảm bảo khách quan, trung thực, tuân thủ theo quy định và không làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp. Nội dung giám sát bám sát các quy định pháp luật về khai thác, chế biến khoáng sản, các quy định pháp luật liên quan. Hình thức giám sát phù hợp, khoa học, chặt chẽ và bảo đảm chất lượng, hiệu quả./.