Bài 1: Công cụ 'then chốt' trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia, là công cụ 'then chốt' trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST), thúc đẩy thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Đóng góp thiết thực phát triển kinh tế - xã hội

Nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST đến năm 2030 đã làm rõ nội hàm về ĐMST, theo đó khẳng định ĐMST là quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành kết quả cụ thể. ĐMST không tách rời KHCN và là sự nối dài, bước tiếp của hoạt động KHCN để đi vào thị trường, mang lại giá trị gia tăng cho kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, là đối tượng chính để thực hiện ĐMST, viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Chiến lược chỉ rõ bên cạnh việc theo đuổi phát triển công nghệ mới và mở rộng đường biên công nghệ, cần tập trung thúc đẩy áp dụng, lan tỏa nhanh các công nghệ hiện có, thúc đẩy năng lực ứng dụng, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp.

Nhờ thực hiện nhất quán đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng KHCN và ĐMST, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn: GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên trên 4.284 USD năm 2023. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch sang chiều sâu. Đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP đạt khoảng 40 - 41%.

Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 19% năm 2010 lên 48,8%) năm 2023. KHCN và ĐMST từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong hầu hết các lĩnh vực lớn của nền kinh tế, KHCN và ĐMST đã ghi dấu ấn quan trọng, tiêu biểu như các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, xây dựng...

Chỉ số ĐMST quốc gia duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp và là một là một trong ba quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp. Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới công bố Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là: Chỉ số nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Đây là lần đầu tiên chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới. Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã sử dụng Chỉ số đổi mới sáng tạo GII như một công cụ quản lý điều hành quan trọng, đồng thời đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng bộ Chỉ số ĐMST cấp địa phương và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023.

Với chủ trương lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương đánh giá trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp với một số ngành chủ lực, mũi nhọn; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đặc biệt thông qua Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; xác định nhu cầu tìm kiếm chuyển giao công nghệ nước ngoài từ các địa phương, từ đó hỗ trợ tìm kiếm, giới thiệu, kết nối với nguồn cung công nghệ nước ngoài.

Thúc đẩy phát triển cung - cầu công nghệ và đổi mới sáng tạo

Năm 2011, sự kiện Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ lần đầu tiên được tổ chức và từ năm 2020 được triển khai với tên gọi “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo” (Techconnect and Innovation). Theo thống kê, đã có khoảng 3.500 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của trên 1.000 viện, trường, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức KHCN, nhà sáng chế không chuyên giới thiệu, trình diễn tại sự kiện. Gần 200 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác và chuyển giao công nghệ được các tổ chức, doanh nghiệp ký kết. Từ năm 2015 đã thực hiện tư vấn kỹ thuật và tư vấn chuyên sâu cho khoảng 500 doanh nghiệp. Việc vận hành, khai thác 13 Điểm kết nối cung cầu công nghệ phân bố trên 5 vùng, tại 12 tỉnh/thành phố trên cả nước đã giúp triển khai hiệu quả hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, ứng dụng tiến bộ KHCN vào thực tiễn.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong top 40 về Chỉ số ĐMST toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, chúng ta cần tiếp tục chú trọng các yếu tố đầu vào của ĐMST, trong đó lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số hiện còn chưa tốt. Đặc biệt, cần có các đột phá trong cơ chế, chính sách, tạo động lực cho phát triển KHCN và ĐMST; ứng dụng kết quả KHCN và ĐMST vào sản xuất để phát triển KHCN và ĐMST thực sự là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ HUỲNH THÀNH ĐẠT

Năm 2024, sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam” tiếp tục được tổ chức với nhiều hoạt động chuyên sâu về công nghệ. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, KHCN và ĐMST đã và đang đóng góp lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội. KHCN và ĐMST không chỉ là động lực chính giúp nâng cao năng suất, tăng trưởng bền vững, mà còn giúp tạo ra những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia trên trường quốc tế.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier chia sẻ, sự kiện là nền tảng cho sự hợp tác, thu hẹp khoảng cách cung - cầu công nghệ. EU và các nước thành viên cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng dụng các công nghệ mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo môi trường bền vững và công bằng xã hội.

Còn theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Youngsam, sự kiện có ý nghĩa to lớn, là dịp để chia sẻ những thành tựu nổi bật của Việt Nam về KHCN và ĐMST và thúc đẩy hợp tác đầu tư. Các công ty như Samsung và LG sẽ tăng cường hợp tác công nghệ với các công ty Việt Nam và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa sản xuất - nghiên cứu với các trường đại học, viện nghiên cứu.

Việt Nam đang triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó KHCN và ĐMST được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh “Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển”. Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm kết nối, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và ĐMST, gắn kết hoạt động KHCN và ĐMST với sản xuất, kinh doanh; lồng ghép các hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong hỗ trợ các doanh nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta từ dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn carbon thấp, tăng trưởng dựa trên KHCN và ĐMST, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-cong-cu-then-chot-trong-thuc-hien-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-post392434.html