Bài 3: Khó sản xuất nông nghiệp

Chủ đầu tư một dự án điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp cho rằng, Nhà nước nên có cơ chế thông thoáng hơn đối với việc khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp.

Một dự án trồng nấm dưới hệ thống điện mặt trời.

Một dự án trồng nấm dưới hệ thống điện mặt trời.

Về lý thuyết, có thể hiểu “việc sử dụng mái nhà trang trại để lắp đặt điện mặt trời mái nhà” là yếu tố phụ, yếu tố “đi kèm”. Yếu tố chính là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo một nhà đầu tư thừa nhận, “điện mặt trời” mới là yếu tố chính. Sản xuất nông nghiệp là yếu tố “bị bắt buộc” phải thực hiện để dự án điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp được triển khai và tồn tại.

Việc đầu tư trang trại nông nghiệp, chăn nuôi kết hợp sử dụng mái nhà lắp đặt điện mặt trời phải thực hiện như thế nào để bảo đảm đúng theo quy định của kinh tế trang trại, quy định về sử dụng đất đai và đem lại hiệu quả tốt nhất? Đây là vấn đề cốt lõi cần được quản lý, định hướng và hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Đầu tư điện mặt trời: lợi ích lớn

Chủ đầu tư một dự án điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp cho rằng, Nhà nước nên có cơ chế thông thoáng hơn đối với việc khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp. Người này thừa nhận, việc trồng cây bên dưới hệ thống điện mặt trời không đơn giản, tính khả thi thấp, kén cây trồng và hiệu quả không cao.

Đối với chăn nuôi có tính khả thi cao hơn, nhất là nuôi gà. Tuy nhiên, chi phí đầu tư nuôi gà rất lớn và phải đáp ứng các quy định về quy hoạch, xây dựng, môi trường… Nếu chăn nuôi bò thì cần có đất trồng cỏ để giảm chi phí thức ăn. Việc chăn nuôi heo cũng không đơn giản, phải bảo đảm các yêu cầu quy định về môi trường; trong khi đó, vốn đầu tư nuôi heo cao, chi phí thức ăn tăng liên tục nhưng giá heo hơi không ổn định.

“Nói thật tình là chúng tôi chủ yếu thực hiện dự án điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp để bán điện, chứ chả mấy người làm dự án nông nghiệp. Đối với diện tích đất nông nghiệp sản xuất không hiệu quả, Nhà nước có thể tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo hướng phù hợp, có lợi ích hơn về kinh tế - xã hội.

Bình quân 1 ha đất nông nghiệp nếu sản xuất hiệu quả sẽ cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm, nhưng nếu đầu tư điện mặt trời có thể thu tiền tỷ. Bên cạnh đó, điện mặt trời còn là nguồn năng lượng sạch.

Đầu tư điện mặt trời góp phần cung ứng điện cho đất nước, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; hạn chế sự tác động tiêu cực của con người đến môi trường, góp phần bảo vệ môi trường”- người này cho biết.

Cần thực hiện đúng quy định

Việc triển khai dự án điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp nhưng không kết hợp với trang trại nông nghiệp có vi phạm pháp luật hay không? Theo một văn bản của Sở Công Thương, khoản 5, Điều 3 Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 6.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định, hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của bên mua điện.

Việc tận dụng mái nhà của các công trình xây dựng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời là mục đích khác của công trình xây dựng, không phải mục đích chính. Do đó, việc triển khai dự án điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp nhưng không kết hợp với trang trại nông nghiệp là chưa đúng quy định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về loại đất để thực hiện dự án trang trại trồng trọt hoặc chăn nuôi để kết hợp lắp đặt điện mặt trời mái nhà thuộc nhóm đất nông nghiệp được quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 quy định chi tiết về phân loại đất nông nghiệp như sau: “Đất nông nghiệp khác đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh”.

Đối tượng áp dụng tiêu chí kinh tế trang trại nông nghiệp có kết hợp với việc sử dụng mái nhà trang trại để lắp đặt điện mặt trời mái nhà đối với các dự án trang trại nông nghiệp phải đáp ứng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT: “2. Đối tượng áp dụng: a) Cá nhân, chủ hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp) đáp ứng các tiêu chí kinh tế trang trại theo quy định của Thông tư này; b) Cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan”.

Chi tiết quy định tiêu chí kinh tế trang trại cho trồng trọt và chăn nuôi tại Điều 3 của Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT như sau: Đối với trang trại chuyên ngành trồng trọt phải bảo đảm giá trị sản xuất bình quân đạt từ 1 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1 ha trở lên.

Đối với trang trại chuyên ngành chăn nuôi phải bảo đảm giá trị sản xuất bình quân đạt từ 2 tỷ đồng/năm trở lên và đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định tại Điều 52 của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn. Đối với trang trại tổng hợp phải bảo đảm giá trị sản xuất bình quân đạt từ 2 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1 ha trở lên.

Bảo Tâm - Thế Nhân

Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định nếu trang trại bỏ hoang đất không sản xuất thì sẽ bị xử phạt như sau: Tại khoản 1 Điều 32 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, người sử dụng đất có hành vi không sử dụng đất trồng cây hằng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng quy định tại Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ thì sẽ bị xử phạt như sau: Dưới 0,5 ha bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng. Từ 0,5 đến dưới 3 ha, bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng. Từ 3 đến dưới 10 ha, bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Từ 10 ha trở lên, bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.

Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết, tính đến ngày 31.12.2020, Công ty đã ký hợp đồng mua điện với 4.263 hệ thống điện mặt trời mái nhà, có tổng công suất lắp đặt là 305.542,67 kWp. Trong đó, khách hàng đấu nối trung áp là 496 hệ thống với tổng công suất 233.364,45 kWp và khách hàng đấu nối hạ áp là 3.767 hệ thống với tổng công suất 72.178,217 kWp.

Sau thời điểm 31.12.2020 không phát sinh thêm hệ thống điện mặt trời mái nhà mới.

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-3-kho-san-xuat-nong-nghiep-a140187.html