Bài 4: Tiết kiệm và lãng phí: Từ điểm nhìn phương Đông và phương Tây
Ở phương Tây, nhiều quốc gia coi tiết kiệm là quốc sách, thể chế hóa nhiệm vụ chống lãng phí thành văn bản pháp luật, từ đó hình thành lối sống tiết kiệm trong đời sống xã hội, qua đó tích lũy nhiều nguồn lực, tạo nền tảng cho nhiều thành công.
Từ xa xưa các học giả phương Đông đã đề cao tinh thần tiết kiệm, lên án thói xa hoa, lãng phí. Văn hóa người Việt cũng thấm sâu tinh thần này. Ở phương Tây, nhiều quốc gia coi tiết kiệm là quốc sách, thể chế hóa nhiệm vụ chống lãng phí thành văn bản pháp luật, từ đó hình thành lối sống tiết kiệm trong đời sống xã hội, qua đó tích lũy nhiều nguồn lực, tạo nền tảng cho nhiều thành công.
Sử sách Trung Hoa, Nhật Bản - những nước đồng văn, ghi lại không ít những câu chuyện về tiết kiệm. Tiết kiệm không dừng lại ở những thói quen trong lối sống, hay một nét văn hóa, mà cao hơn là một mỹ đức trong mỗi con người. Giới học giả Trung Hoa từ hàng trăm năm trước đã đưa tiết kiệm thành một đạo trị quốc.
Về đức tính tiết kiệm, học giả nổi tiếng thời Bắc Tống của Trung Quốc cho rằng: “Người có phẩm đức đều do tiết kiệm mà có, bởi vì người tiết kiệm ít dục vọng. Quân tử ít dục vọng sẽ không bị ngoại vật chi phối, vậy nên trong làm người, làm việc có thể giữ được sự chính trực và đạo đức. Người bình thường có ít dục vọng thì có thể tiết chế chi tiêu, làm cho gia đình giàu có, có thể hành sự cẩn thận, tránh xa tội ác”. Như vậy, có thể nhận định rằng, trong khoảng thời gian dài của thời kỳ phong kiến Trung Hoa, tiết kiệm là một trong những nền tảng đạo đức xã hội.
Cùng với việc đề cao tinh thần tiết kiệm như một nét đẹp trong đời sống, người Trung Hoa xưa coi lối sống lãng phí, xa hoa là thói xấu và hơn thế là một tội ác. Sách xưa ghi lại: “Xa xỉ ắt là nhiều dục vọng. Người có học mà nhiều dục vọng thì sẽ ham phú quý, rồi vi phạm đạo đức, chuốc lấy tai họa. Người bình thường có nhiều dục vọng thì sẽ tham lam, lãng phí, dẫn đến gia đình suy bại, tính mệnh tiêu vong. Người xa xỉ, nếu làm quan trong triều nhất định sẽ nhận hối lộ, nếu mưu sinh trong dân gian tất sẽ thành đạo tặc”.
Không chỉ dừng lại ở đó, các học giả Trung Quốc đã coi tiến kiệm là để định kế an bang, xây nền thịnh trị. “Bậc minh quân, nếu biết lấy tiết kiệm để trị quốc thì xã hội có tôn ti trật tự, cốt nhục có ân tình, tranh tụng chấm dứt. Lấy tiết kiệm trị quốc, dù là nhân dân hay quan viên thì đều biết khắc chế bản thân, ăn mặc chi phí tiết kiệm, tiền tài tiêu pha vừa đủ, không tham ô, không nhận hối lộ, còn dư giả thì giúp đỡ người khác, nhờ vậy, giữa người với người có sự thương mến, quan tâm, hòa thuận, phân tranh giảm thiểu, xã hội an định”. Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy, không phải vương triều Trung Hoa nào cũng làm được như vậy.
Là nước đồng văn với Trung Quốc nhưng Nhật Bản nghèo tài nguyên và có môi trường sống khắc nghiệt nên tiết kiệm đã “ăn vào máu” người dân quốc đảo này. Vượt qua thói quen, tiết kiệm đã trở thành một phong cách sống, một nét văn hóa của người dân, kể cả khi Nhật Bản đã trở thành một cường quốc kinh tế của thế giới.
Những năm gần đây, tại quốc đảo “Mặt trời mọc” đã hình thành một trào lưu tiết kiệm mới. Khác với lối tiết kiệm trước đây của người Nhật Bản, phong cách tiết kiệm này chú trọng đến việc ứng xử hài hòa với thiên nhiên, gần gũi với tự nhiên, từ bỏ lối sống xa hoa. Những người theo trào lưu này đeo đuổi triết lý sống an tâm và hạnh phúc. Họ đơn giản hóa lối sống, giảm chi phí sinh hoạt, hạn chế mua sắm và không tạo gánh nặng cho môi trường bằng cách hạn chế tiêu thụ điện nước và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý. Những người trẻ chuộng cách sống đơn giản và tinh tế, an bình trong cảm xúc chân thật của chính mình và thiên nhiên. Ngày càng có nhiều người đánh giá cao phong cách sống giản dị và tin rằng sống như vậy sẽ loại trừ được “chủ nghĩa vật chất” và góp phần vào sự phát triển bền vững, nhưng cũng có không ít người đặt câu hỏi: Phong cách tiến kiệm mới này có thật sự làm thay đổi cuộc sống? Song, có một thực tế, nhiều cộng đồng dân cư đã thúc đẩy và truyền bá lối sống này. Chính phủ Nhật Bản có nhiều chuyển động và nhiều doanh nghiệp đã khuyến kích người dân sống hài hòa với thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Với người Việt Nam, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, cần kiệm là một nét văn hóa. Từ tư duy như vậy, có thể nhận định rằng, đối mặt với những thách thức, khó khăn bởi điều kiện sản xuất, thiên tai, địch họa, người Việt Nam đã sớm hình thành phẩm chất cần cù, tiết kiệm. Trong kho tàng văn hóa của người Việt, có rất nhiều câu chuyện cổ vũ tinh thần tiết kiệm, bài trừ tệ xa hoa, lãng phí. Các cụ ta dạy, “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”, ở những điểm nhìn khác nhau sẽ có cách lý giải khác nhau về câu thành ngữ này nhưng tựu trung, đây là một câu nói mang ý nghĩa sâu sắc về việc đề cao tinh thần tiết kiệm trong cuộc sống. Người xưa lấy câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” để nhắc hậu thế về cách sống, cách ứng xử sao cho khôn khéo, phù hợp với hoàn cảnh của chính mình. Để ngày mai vẫn có thể ăn no mặc ấm thì phải làn quen với lối sống tiết kiệm từ hôm nay.
Với người dân các quốc gia đồng văn như Trung Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam, tiết kiệm không phải là keo kiệt, bủn xỉn mà là một đức hạnh. Người biết tiết kiệm thường quý trọng thiên nhiên, trân quý con người… Từ thực tế lịch sử, có thể khẳng định rằng, từ xa xưa, người phương Đông đã đề cao mỹ đức tiết kiệm.
Với những người từng đặt chân tới nhiều quốc gia châu Âu, có thể dễ dàng nhận thấy người Đức vô cùng giản dị. Nước Đức đã bị chiến tranh tàn phá và dù đã trở thành cường quốc kinh tế số một của lục địa già, người Đức vẫn giữ cho mình một phong cách riêng, đó là tinh thần kỷ luật cao và lối sống tiết kiệm.
Những người có thu nhập tầm tầm và có cả những người giàu thường chọn mua hoặc đổi đồ cũ ở các cửa hàng hay những trang mạng xã hội, bởi một lý do đơn giản: Thay vì đồ mới, mua những thứ đã qua sử dụng không chỉ tiết kiệm tiền, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Họ không mua sắm bừa bãi, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Theo anh Marko Gunther, làm việc ở D+N Dresden, thói quen tiết kiệm có trong cuộc sống hằng ngày của người Đức. Người Đức luôn dừng ở mức sử dụng vừa đủ, không lãng phí nước, năng lượng, hàng hóa tiêu dùng, nhất là không lãng phí thực phẩm.
Chính phủ Đức luôn ưu tiên các giải pháp tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng. Nhà công sở hay căn hộ gia đình đều được thiết kế với mức độ tối ưu về ánh sáng tự nhiên, lưu thông không khí và giữ nhiệt. Các tòa nhà kể cả nhà riêng phải có bản chứng nhận tiêu thụ năng lượng. Đây là một quy định bắt buộc của chính quyền đối với chủ sở hữu khi giao dịch bán mua, chuyển nhượng.
Ngay cả những thiết bị tiêu thụ điện cũng phải trải qua quá trình kiểm định kỹ lưỡng, dán nhãn tiêu thụ năng lượng và người mua cũng lấy tiêu chí tiết kiệm năng lượng để quyết định lựa chọn sản phẩm. Là một quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu châu Âu, nước Đức luôn chú trọng việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh trong các lĩnh vực, từ năng lượng tái tạo đến xử lý, tái chế rác thải. Lãng phí không có trong khái niệm của nước Đức.
Những năm gần đây, văn hóa tiết kiệm đã lan rộng khắp châu Âu. Nhiều thành phố của nước Anh đã xuất hiện phong trào “khâu vá trên phố” với thông điệp gửi đến cộng đồng “hãy giữ nó càng lâu càng tốt”. Nhiều nhà nghiên cứu thời trang ở London đã lên tiếng về sự lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng quần áo: “Người ta cứ mua rồi lại vứt đi, thật sự rất hoang phí”.
Còn ở Bỉ, sửa chữa quần áo được xem là hành động cần thiết để hình thành một nền công nghiệp thời trang bền vững trong tương lai. Chiến dịch Thermostat ở Italia đưa ra hàng loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng, bao gồm cả việc dừng hoạt động của các vòi phun nước công cộng. Cùng với quy định nhiệt độ đặt tại các tòa nhà công cộng không cao hơn 19 độ C, các nhà chức trách Tây Ban Nha yêu cầu các cửa hàng phải tắt đèn trưng bày từ 10 giờ tối để tiết kiệm năng lượng…
Để hạn chế vấn nạn lãng phí thực phẩm gây lãng phí tiền bạc, năng lượng và nước sử dụng trong sản xuất, Ủy ban châu Âu hướng tới một đạo luật ràng buộc các quốc gia trong liên minh cắt giảm 30% chất thải thực phẩm trong các nhà hàng và hộ gia đình. Trước đó, với chiến lược Farm to Fork (từ nông trại đến bàn ăn), Ủy ban châu Âu đã đề xuất các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý để đẩy lùi tình trạng lãng phí thực phẩm trong các nước thuộc liên minh.
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, khác với nhiều quốc gia phương Đông tập trung đề cao đức hạnh tiết kiệm để tẩy trừ thói xa hoa lãng phí và các hệ lụy trong lòng xã hội, các nước phương Tây “thực tế” hơn rất nhiều khi dựa vào các phong trào cộng đồng và sử dụng các hành lang pháp lý để buộc người dân, doanh nghiệp không lãng phí và không thể lãng phí. Việt Nam có thể tham khảo những vấn đề nêu trên trong tiến trình xây dựng chiến lược chống lãng phí.
XEM TIẾP
Bài cuối: Lấy xây để chống, lấy chống để xây