Bác Hồ và những bài học vô giá về 'không xa xỉ, không hoang phí'

Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, công tác phòng, chống lãng phí, như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra trong bài viết mới đây, đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Nói về việc chống lãng phí, không thể không nhớ tới những bài học và tấm gương mẫu mực từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lúc sinh thời đã chỉ mặt đặt tên 'Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ 'giặc ở trong lòng' và luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về lối sống giản dị và thực hành tiết kiệm.

Lãng phí là một căn bệnh, gây ra rất nhiều tác hại trước mắt và hậu quả lâu dài

Tiết kiệm là một trong những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Theo tư tưởng của Người, tiết kiệm (hay kiệm) được định nghĩa ngắn gọn “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” và cần, kiệm phải là đức tính đầu tiên của người cách mạng, đối lập với nó là lãng phí. Phần mở đầu của cuốn Đường Kách mệnh (1927), Người nhấn mạnh tư cách của người cách mệnh: “Tự mình phải cần, kiệm”.

Người đặc biệt nhấn mạnh: Lãng phí là một căn bệnh, là tội lỗi với Đảng, với Nhà nước và Nhân dân. Sự lãng phí gây ra rất nhiều tác hại trước mắt và hậu quả lâu dài.

Năm 1949, trong bài viết: “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Người đã chỉ ra một cách cụ thể: Tiết kiệm là gì? Vì sao phải tiết kiệm? Tiết kiệm những gì? Và ai cần phải tiết kiệm? Người khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.

Cũng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nội hàm chữ “kiệm” rất rộng, bao gồm tiết kiệm của cải vật chất, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm sức dân, tiết kiệm nhân tài... Và theo Người: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước nhất là các cơ quan, các bộ đội, các xí nghiệp”, bởi “nếu ta khéo tiết kiệm sức người, sức của và thời giờ, thì với sức lao động, tiền tài của nước ta hiện nay, ta có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng của ta về mọi mặt cùng tăng gấp bội. Đó là một sự thực chắc chắn, chứ không phải lý luận cao xa. Kinh nghiệm của các nước bạn đã tỏ rõ như vậy”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý: tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bữa bãi”. “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu; Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm là sử dụng hợp lý và có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động, tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhằm nâng cao mức sống của nhân dân.

“Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân…” - Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Người cũng chỉ rõ: “Chúng ta phải chặt chẽ hơn nữa trong việc dùng tiền dành dụm của chúng ta, để tiến nhanh tới cuộc sống no ấm, đầy đủ cho mọi người”. “Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to”, “Chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi nước mắt dân nghèo mà ra”- Bác lưu ý.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nông dân tỉnh Bắc Kạn đang thu hoạch lúa mùa năm 1950. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nông dân tỉnh Bắc Kạn đang thu hoạch lúa mùa năm 1950. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 nội dung cơ bản của việc tiết kiệm, đó là: Tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ và tiết kiệm tiền của. Theo Người, thời gian chính là tiền bạc, thậm chí thời gian còn quý hơn tiền bạc. Vì thế, Người luôn nhắc nhở: “Từ Chủ tịch, Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.

Tiết kiệm trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn là tiết kiệm sức dân, sức lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong xã hội vốn quý nhất là con người. Do đó, “Phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta”. Tiết kiệm sức dân có nghĩa là phân công lao động hợp lý, tổ chức dây chuyền sản xuất khoa học để mang lại năng suất cao nhất. Tiết kiệm sức dân còn là tiết kiệm xương máu của bộ đội, chiến sỹ và nhân dân.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc cả tới việc tiết kiệm nhân tài, theo đó, tiết kiệm thông qua việc phân công công việc đúng sở trường của từng người và vận động mọi nhân tài ra gánh việc nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn vạch ra nguồn gốc, nguyên nhân của việc gây ra bệnh lãng phí, đó là bệnh quan liêu, “hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo”, “hoặc tính toán không cẩn thận”, “hoặc vì bệnh hình thức xa xỉ, phô trương”, “hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công”.

Về sau này, ngay trong những lời cuối cùng - bản Di chúc, trong danh sách những việc cần làm ngay, làm thường xuyên và phải đạt hiệu quả trong từng công việc, Bác cũng nhấn mạnh đến việc thực hành chống tiết kiệm và lãng phí.

Tấm gương sáng mẫu mực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Không chỉ nêu lên tư tưởng toàn diện về tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tấm gương ngời sáng về thực hành tiết kiệm, luôn thể hiện tinh thần gương mẫu về thực hành tiết kiệm.

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.

Ở Việt Bắc, có một lần Bác đi công tác về muộn, về qua văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ của Bác nói với bà Nguyễn Thị Liên- người giúp việc ở văn phòng Bác: – Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo. Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền bảo bà Liên: – Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa.

Là Chủ tịch nước, Bác được ưu tiên cấp điện trong sinh hoạt hàng ngày. Nhân lúc Bác đi công tác, anh em phục vụ đã lắp máy điều hòa cho Bác. Vừa về đến nhà, Bác bảo: “Các chú hãy mang chiếc máy điều hòa này cho anh em thương binh ở Hàng Bột. Hôm Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần”. Thế là ngay chiều hôm ấy anh em phục vụ phải chuyển chiếc máy điều hòa cho anh em thương binh theo yêu cầu của Bác…

Ai đi viếng Hồ Chủ tịch cũng thấy trước linh cữu của Người có một hộp kính nhỏ, bên trong để đôi dép cao su đen. Đôi dép ấy đã theo Bác đến… 11 năm. Bác đi đôi dép ấy từ hồi kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1947. Đôi dép được “chế tạo” từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc. Theo hồi ký của những người lính cảnh vệ của Bác, mười một năm rồi vẫn đôi dép ấy... Các đồng chí cảnh vệ cũng đã đôi ba lần “xin” Bác cho đổi dép nhưng Bác bảo “vẫn còn đi được” cho dù gót đôi dép đã mòn vẹt, phía mũi dép còn giữ nguyên vết lõm do dấu ngón chân của Bác hằn xuống, quai đã nát phải đóng đinh vào để cho chắc, phần cao su ở dưới chỉ còn một lớp mỏng dính sát lớp sợi vải.

Năm 1957, Bác về thăm Nghệ Tĩnh, khi ăn cơm chung với đồng chí Nguyễn Sĩ Quế, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Diệm, Bác đã để bớt ra ngoài mâm mấy món ăn, rồi nói: “Ăn hết lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, đừng để người ta ăn thừa của mình”.

Sang năm 1969, sức khỏe Bác yếu và mắt giảm thị lực, Thông tấn xã lại gửi bản tin in một mặt để Bác đọc cho tiện. Khi xem xong, những tin cần thiết Bác giữ lại, còn Người chuyển bản tin cho Văn phòng Phủ Chủ tịch cắt làm phong bì tiết kiệm hoặc dùng làm giấy viết. Ngày 10/5/1969, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ra ngày 3/5/1969. Cũng năm 1969, Bộ Chính trị họp bàn chuẩn bị tổ chức 4 ngày lễ lớn năm sau. Bác đang mệt nặng nên vắng mặt. Sau đó trên giường bệnh, nghe báo cáo lại cuộc họp, Người nói: “Các chú nên bàn bạc cho kỹ, còn ý kiến của Bác, Bác chỉ đồng ý 3/4 Nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19/5 (ngày sinh của Bác) là ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970. Hiện nay, các cháu học sinh sắp vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng tuyên truyền về ngày sinh của Bác thì các chú nên để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu khỏi lãng phí...”.

Đó chỉ là một số trong vô vàn những mẩu chuyện được những người đã có vinh dự ở bên Bác kể lại. Là minh chứng rõ nét cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người đã làm đúng như những điều Người từng nói: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã”. Tấm gương mẫu mực của Người chắc chắn sẽ lan tỏa mạnh mẽ tới mỗi người dân Việt, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, trở thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bac-ho-va-nhung-bai-hoc-vo-gia-ve-khong-xa-xi-khong-hoang-phi-post319244.html