Bài dự thi Giải báo chí về phong trào công nhân và hoạt động công đoàn lần thứ II, năm 2023 - 2024: Để có nguồn nhân lực chất lượng (Kỳ 1)

'Đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực' luôn được Lâm Đồng xác định là 'nhiệm vụ thường xuyên và có tính chiến lược, lâu dài; là một trong bốn đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, trách nhiệm toàn xã hội'. Chính vì vậy, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã bàn hành Nghị quyết số 09 – NQ/TU, ngày 18/4/2017 về 'đào tạo, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025'. Và để cập nhật, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp nhằm có được nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng những yêu cầu trong tình hình mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 20 – NQ/TU, ngày 25/7/2022 về 'đào tạo, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sau nhiều năm triển khai, thực hiện các nghị quyết nêu trên, Lâm Đồng đã 'từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm…'. Bên cạnh đó cũng đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao không nằm ngoài mục tiêu cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phục vụ 'tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế' giai đoạn tới của tỉnh.

Kỳ 1: Theo hướng chuyên nghiệp hóa

Từ quy hoạch, đào tạo đến chính sách bồi dưỡng cán bộ quản lý; cán bộ, công chức, viên chức (CNCCVC) được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng, phát triển của các ngành ở Lâm Đồng theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hóa. Đó là những kết quả bước đầu đạt được sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 – NQ/TU, ngày 18/4/2017 về “đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025 (gọi tắt là Nghị quyết 09), cũng như Nghị quyết số 20 – NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy về “đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Nghị quyết số 20).

Lãnh đạo tỉnh lắng nghe các ý kiến đại biểu dự gặp mặt cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó sở, ban, ngành; trưởng phòng các sở, ban, ngành, đoàn thể - Ảnh Chính Thành

Lãnh đạo tỉnh lắng nghe các ý kiến đại biểu dự gặp mặt cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó sở, ban, ngành; trưởng phòng các sở, ban, ngành, đoàn thể - Ảnh Chính Thành

Theo dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 09 trình Tỉnh ủy cho thấy, trong giai đoạn đầu thực hiện nghị quyết về “đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” của tỉnh, ở lĩnh vực đào tạo, toàn tỉnh đã đào tạo chuyên môn cho 29 học viên đạt trình độ tiến sĩ, chiếm tỷ lệ 1,15%; trình độ thạc sĩ 558 học viên, chiếm tỷ lệ 22,21%; trình độ đại học 1.578 học viên, chiếm tỷ lệ 62,28%; trình độ cao đẳng 319 học viên, chiếm tỷ lệ 12,7% và trình độ trung cấp chuyên nghiệp 28 học viên, chiếm tỷ lệ 1,11%. Phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh mở 5 lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho 345 học viên, chiếm tỷ lệ 5,34%; giao Trường Chính trị tỉnh mở 71 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho 4.764 học viên, chiếm tỷ lệ 73,52% và mở các lớp sơ cấp, bồi dưỡng lý luận chính trị cho 1.364 học viên, chiếm 21,13%.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố đã phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Nội vụ cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh và Trường Chính trị tỉnh tổ chức 48 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho 3.926 học viên. Trong đó bao gồm: 1 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp cho 49 học viên, chiếm tỷ lệ 1,25%; mở 14 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính cho 846 học viên, chiếm tỷ lệ 24,1% và 33 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên cho 2.931 học viên, chiếm tỷ lệ 74,66%. Riêng đào tạo ngoại ngữ và tin học đã có 655 học viên được đào tạo ngoại ngữ và 676 học viên các cấp được đào tạo tin học.

Tỉnh cũng cho phép các cơ quan, địa phương, đơn vị phối hợp với các trường, các học viện và các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh có đủ điều kiện, năng lực đào tạo, bồi dưỡng cho 1.127 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện tham gia bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Cụ thể, bồi dưỡng cho 400 cán bộ công chức quản lý cấp phòng, chiếm tỷ lệ 35,49%; quản lý cấp sở và cấp huyện 383 cán bộ công chức, chiếm tỷ lệ 33,98%; bồi dưỡng cho 344 cán bộ công chức cấp xã, chiếm tỷ lệ 30,52%. Tương tự, 304 viên chức là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tham gia bồi dưỡng chức vụ quản lý trước khi được bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý gồm 47 viên chức quản lý cấp phòng, chiếm tỷ lệ 15,46% và 257 viên chức quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, chiếm tỷ lệ 84,54%.

Đại biểu dự gặp mặt cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó sở, ban, ngành; trưởng phòng các sở, ban, ngành, đoàn thể do Tỉnh ủy tổ chức phát biểu ý kiến - ảnh Chính Thành

Đại biểu dự gặp mặt cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó sở, ban, ngành; trưởng phòng các sở, ban, ngành, đoàn thể do Tỉnh ủy tổ chức phát biểu ý kiến - ảnh Chính Thành

Ngoài ra, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho 9.879 viên chức đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, huyện. Trong đó có 53 viên chức Hạng I, chiếm tỷ lệ 0,54%; 7.683 viên chức Hạng II, chiếm tỷ lệ 77,77%; viên chức Hạng III có 2.006 người được bồi dưỡng, chiếm tỷ lệ 20,31% và 137 viên chức Hạng IV, chiếm tỷ lệ 1,39% viên chức được bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cũng như vị trí việc làm cho 15.735 học viên các cấp và 2.217 học viên được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh. Song song đó, các cơ quan đơn vị cũng có cơ chế phù hợp, khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn công việc được giao. Mặt khác, tổng số CBCCVC được đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh là 45.019 lượt người; trong đó bao gồm 2.599 CBCCVC là người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 5,77% và 23.176 CBCCVC là nữ, chiếm tỷ lệ 51,48%.

Đại biểu dự gặp mặt cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó sở, ban, ngành; trưởng phòng các sở, ban, ngành, đoàn thể do Tỉnh ủy tổ chức phát biểu ý kiến - ảnh Chính Thành

Đại biểu dự gặp mặt cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó sở, ban, ngành; trưởng phòng các sở, ban, ngành, đoàn thể do Tỉnh ủy tổ chức phát biểu ý kiến - ảnh Chính Thành

Đáng chú ý, theo dự thảo báo cáo sơ kết Nghị quyết số 20 mới đây cũng cho thấy việc triển khai thực hiện nghị quyết đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đó là: CBCCVC có trình độ sau đại học cấp tỉnh đạt 35,15% và vượt mục chỉ tiêu nghị quyết 7,15%; cấp huyện đạt 23,12% và vượt 8,12%; riêng cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học đạt 86,76% và vượt 11,76% so với mục tiêu mà nghị quyết đề ra đến cuối năm 2025.

Qua đánh giá, việc thực hiện các nghị quyết về “đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” của Tỉnh ủy và các kế hoạch của UBND tỉnh; các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện tại cơ quan, đơn vị và tập trung triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBCCVC. Qua đó, đội ngũ CBCCVC được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đảm bảo chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực được điều chỉnh để phù hợp với từng ngành, từng địa phương và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng theo hướng chuyên nghiệp hóa từ công tác “quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, CBCCVC” trong tỉnh .

(CÒN NỮA)

XUÂN TRUNG - TUẤN LINH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202410/bai-du-thi-giai-bao-chi-ve-phong-chao-cong-nhan-va-hoat-dong-cong-doan-lan-thu-ii-nam-2023-2024-de-co-nguon-nhan-luc-chat-luong-ky-1-2a02cc1/