Bài toán khó dự trữ quốc gia
Chưa thấy những giải pháp mới, đột phá trong nội dung giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội của hai bộ Công Thương, Tài chính vào sáng 28-2, về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Vấn đề đứt gãy nguồn cung đã diễn ra nhiều lần thời gian qua, gây không ít cơn khan hiếm nhiên liệu, làm đảo lộn sinh hoạt, đời sống của người dân và doanh nghiệp. Mạng lưới bán lẻ xăng dầu cũng kêu than suốt thời gian dài vì không có chiết khấu, càng bán càng lỗ, phải đóng cửa hàng loạt.
Rõ ràng là quy định pháp luật và cách điều hành có vấn đề. Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu. Đã có nhiều ý kiến hoài nghi rằng những quy định được trưng cầu ý kiến liệu sau sửa đổi có giúp cải thiện được tình hình hay không, bởi một số giải pháp khác, căn cơ hơn, lại chưa được quan tâm đúng mức.
Chẳng hạn việc quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đây là công cụ linh hoạt duy nhất để nhà nước có thể điều hành mức tăng/giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành giá. Bộ Công Thương cũng đưa ra 3 phương án cho quỹ bình ổn. Theo bộ này, nếu bỏ quỹ bình ổn giá sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu (!).
Nhưng thực tế thì sao? Khoản quỹ được trích lập là từ túi tiền của khách hàng. Những khi giá xăng dầu tăng mạnh, quỹ bình ổn mới phát huy tác dụng điều tiết. Còn khi giá thế giới giảm sâu, công cụ này chẳng có ích gì cho khách hàng cả, trong khi khoản quỹ dự phòng đó là tiền của họ. Nói rõ ra, quỹ bình ổn chỉ có lợi cho cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý, điều hành giá.
Bỏ quỹ bình ổn và tập trung đầu tư cho dự trữ quốc gia về xăng dầu mới là giải pháp chiến lược lâu dài. Hiện dự trữ xăng dầu của nước ta quá mỏng, chỉ đủ cho dưới 10 ngày, trong khi nhu cầu thực tế phải là 4-6 tháng mới có thể ứng phó với sự biến động khôn lường của giá thế giới, tránh đứt gãy nguồn cung. Nhà nước cũng cần đầu tư để xây dựng các kho dự trữ lớn, an toàn, cùng với đó là kỹ thuật bảo quản hiện đại, cơ chế vận hành thông suốt.
Vấn đề trở ngại lớn của chiến lược dự trữ xăng dầu quốc gia là kinh phí. Bộ Công Thương mới đây trình Chính phủ phương án từ năm 2023 đến 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày. Trong giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng. Để thực hiện, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỉ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ.
Nhưng Bộ Tài chính cho rằng mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách. Hiện ngân sách mới bố trí được khoảng 1.500 tỉ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ quốc gia!
Năm 2022, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường là 25,58 triệu m3/tấn (nhập khẩu 8,87 triệu m3/tấn, chiếm 34%; sản xuất trong nước 15,69 triệu m3/tấn, chiếm 61,3%). Năm nay, tổng nguồn xăng dầu ước 27,34 triệu m3/tấn, trong đó nhập khẩu vẫn chiếm tỉ lệ lớn, tức là sẽ còn chịu sự tác động không nhỏ từ bên ngoài, do vậy có thể thấy lời giải cho bài toán xăng dầu chắc hẳn vẫn còn xa.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/bai-toan-kho-du-tru-quoc-gia-20230228221307182.htm