Bàn giải pháp quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học

Sáng 22/9, Trường ĐH Mở Hà Nội tổ chức Hội thảo 'Sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học'.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm thông tin sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tham luận tại hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm thông tin sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tham luận tại hội thảo.

Hội thảo tập trung vào 3 vấn đề: Tổng quan về tài sản trí tuệ và xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong trường đại học; Bảo hộ quyền tác giả đối với tài sản trí tuệ của trường đại học; Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tài sản trí tuệ trường đại học.

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội – nhấn mạnh, việc xác lập, bảo vệ, khai thác các loại tài sản trí tuệ trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học là một trong những vấn đề tạo nên thương hiệu của mỗi trường đại học.

Để việc này hiệu quả, đúng quy định, cần có chiến lược quản trị và phát triển phù hợp. Trước hết, mỗi thầy, cô giáo, mỗi học viên, sinh viên phải nắm những nội dung cơ bản về bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ. Qua đó, để bảo vệ quyền lợi chính mình, nhà trường và các cá nhân, tổ chức khác.

Theo TS Nguyễn Minh Phương, nội dung trên đã được Trường ĐH Mở Hà Nội đưa vào quy định quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ của nhà trường. Mặc dù vậy, trong quá trình hoạt động, vẫn có vướng mắc.

Chẳng hạn, việc bảo vệ quyền sở hữu đối với các sản phẩm khoa học, xác lập tài sản trí tuệ như thế nào? Quản lý, quản trị ra sao? Việc khai thác, sử dụng các tác phẩm vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học như thế nào để đảm bảo các quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ?.

Việc nhà trường tổ chức hội thảo nhằm tạo diễn đàn chia sẻ tới các giảng viên, học viên, sinh viên về những kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ, quyền đối với kết quả sáng tạo.

Mặt khác, làm rõ các vấn đề về sở hữu trí tuệ phát sinh từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyên môn ngoại khóa, hợp tác với đối tác. Đồng thời, chia sẻ về việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ như: đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, quyền tác giả và các quyền liên quan.

TS Nguyễn Minh Phương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo

TS Nguyễn Minh Phương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo

TS Nguyễn Minh Phương cho hay, thời gian qua, từ các hoạt động khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp, Trường ĐH Mở Hà Nội đã thực hiện tốt việc công bố thông qua các bài báo, báo cáo khoa học, các tác phẩm nghệ thuật, sách và giáo trình.

Tuy nhiên, chúng ta chưa quan tâm nhiều đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ và bảo hộ tài sản trí tuệ. “Trong khuôn khổ Hội thảo này, chúng ta không kỳ vọng vào sự tăng vọt về số lượng bằng sáng chế, giải pháp hữu ích hay nhãn hiệu độc quyền được bảo hộ. Nhưng từ Hội thảo này, chúng ta nắm rõ được các quy định đảm bảo quyền tác giả, quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ. Trên cơ sở đó, thực thi các quy định về bản quyền; củng cố được ý thức đăng ký sở hữu trí tuệ” - TS Nguyễn Minh Phương trao đổi.

Cũng theo lãnh đạo Trường ĐH Mở Hà Nội, nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa cho các thầy, cô, các bạn học viên, sinh viên để bảo vệ quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ phát sinh trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và sáng tạo. Tới đây, nhà trường sẽ có các buổi tập huấn, giúp các thầy, cô, học viên, sinh viên nắm được thủ tục, kỹ năng, cách thức đăng ký sở hữu trí tuệ.

Tham luận tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm thông tin sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ về cách nhận dạng một số vi phạm bản quyền trong các trường được đại học.

Cụ thể: Trích dẫn tác phẩm của người khác mà không dẫn nguồn

Mạo danh tác giả hoặc đồng tác giả những công trình mà mình không có đóng góp hoặc phần đóng góp không được thừa nhận là đồng tác giả

Công bố kết quả nghiên cứu của người khác mà không được chủ sở hữu, quyền tác giả cho phép

Sao chép tác phẩm của người khác, nhất là các thông tin có được trong quá trình phản biện các công trình khoa học

Làm tác phẩm phái sinh: dịch, biên soạn... mà không được phép của chủ hữu, quyền tác giả tác phẩm gốc

Truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu, quyền tác giả.

Vi phạm liên quan đến biện pháp công nghệ, thông tin quản lý quyền ...

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ban-giai-phap-quan-tri-tai-san-tri-tue-trong-truong-dai-hoc-post608973.html