Bàn về bản sắc Việt trong thiết kế nội thất

Bản sắc là tính chất đặc biệt vốn có để tạo nên phẩm cách riêng, không cần phải đi tìm hay giữ gìn vì nó sẽ không bao giờ mất đi. Bản sắc được sinh ra từ gốc rễ, từ cội nguồn, ngự trị trong mỗi con người và vẫn đang tồn tại, biến đổi và phát triển theo dòng chảy của thời đại.

Bản sắc Việt được thể hiện trong thiết kế nội thất

Bản sắc Việt được thể hiện trong thiết kế nội thất

Năm 2020, Việt Nam được cả thế giới ca ngợi bởi sự đoàn kết bền chặt và những nỗ lực “đậm chất Việt” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid 19. Nhưng có lẽ, rất nhiều người trên thế giới chưa biết đến một dân tộc Việt 54 dân tộc anh em trải dọc dải đất hình chữ S với nhiều món quà vô giá do thiên nhiên ban tặng và nền văn hóa đặc sắc lâu đời.

Trong đó, không thể không kể đến những dấu ấn về lịch sử sáng tạo nghệ thuật từ thuở xa xưa như họa tiết trống đồng Đông Sơn được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể hay những kho báu cất giấu bí mật về hoa văn trang trí đạt đến độ tinh xảo của người Việt cổ. Tất cả những giá trị đó là kho tàng vô giá, là điểm tựa vững vàng để người Việt bật cao hơn, tiến xa hơn trên đấu trường quốc tế.

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hoàng Mạnh, người từng đạt rất nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng trong lĩnh vực kiến trúc - nội thất đã từng chia sẻ trong tọa đàm Bản sắc Việt trong thiết kế nội thất: “Hướng tiếp cận trong đa phần các thiết kế của tôi là nương tựa vào yếu tố bản địa mà phát triển những ý tưởng. Đó có thể là một trong những yếu tố để các công trình này được hội đồng quốc tế đánh giá cao”.

Với sự đa dạng về cả địa hình tự nhiên, văn hóa, phong tục tập quán và chất liệu nghệ thuật qua các thời kỳ, bản sắc Việt đang tiếp tục lớn mạnh và trở thành nguồn tải sản quý báu để mỗi nhà thiết kế nội thất có thể tự hào và phát huy.

Kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất Nguyễn Hoàng Mạnh

Kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất Nguyễn Hoàng Mạnh

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, các nhà thiết kế nội thất Việt có nhiều công cụ hơn nhưng cũng sẽ là thách thức tiềm tàng nếu thiếu đi nền tảng vững vàng.

Sự du nhập các trào lưu và xu hướng từ các nền thiết kế nội thất lớn trên thế giới như một con dao hai lưỡi tác động đến tư duy thiết kế của nhiều người trẻ.

Việc học hỏi thiếu chọn lọc và bỏ quên ý thức về một nền nội thất của người Việt tiếp tục diễn ra sẽ có thể làm chậm lại quá trình định vị “một tính cách" của nền nội thất Việt cũng như khó có thể tạo nên một dấn ấn đặc sắc trong các công trình thiết kế.

Bản sắc không bao giờ mất đi

Nhiều quan điểm vẫn cho rằng sự du nhập của thiết kế nội thất thế giới đã phần nào gây ra sự khủng hoảng về giá trị Việt. Cái truyền thống bị mất đi trong khi cái mới lại chưa đủ mạnh. Tuy nhiên, KTS Lê Trương cho rằng để định hình và tạo dấu ấn riêng thì chưa phải lo lắng như vậy.

Quay ngược lại dòng thời gian tìm về lịch sử nghề mộc, ông Trương cho biết nghề mộc ra đời khoảng thế kỷ 10 dưới thời nhà Đinh. Vị tổ xưa nhất của nghề mộc Việt Nam là Ninh Hữu Hưng ở làng nghề La Xuyên (Nam Định) thời đó đã được vua giao cho xây các kinh thành, cung điện và sau đó trở thành quan trong triều.

Sang thời tiền Lê, ông Hưng đã cùng con cháu sang Ý Yên (Nam Định) lập nghiệp, trở thành ông tổ của nghề chạm khắc gỗ, khảm trai. Nghề gỗ bắt đầu ra đời ở nhiều vùng đất khác của Việt Nam như Hà Nội, Huế, Quảng Nam...

Từ thế kỷ 13-15, nghề chạm khắc đã được phát triển. Các tượng phật bằng gỗ đã thay thế các tượng bằng đất trước đó. Cùng với đó là sự xuất hiện của các đồ dùng bằng gỗ như rương, tủ đựng đồ… Đến thế kỷ 17-18, nghề mộc Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của các sản phẩm bằng gỗ được chạm khắc cầu kỳ.

Sang thế kỷ 19, người ta thấy được một sự tinh hoa và khoa học hơn trong chế tạo đồ, đặc biệt là sự xuất hiện của các đường nét cầu kỳ trong nghề khảm trai.

Đầu thế kỷ 20, nội thất Việt Nam có sự du nhập của các kiểu dáng khác nhau từ các nước phương Đông lẫn phương Tây thể hiện qua các tràng kỷ, tủ đựng đồ, bàn ghế. Dáng dấp các sản phẩm gỗ thời Minh đã xuất hiện ở Việt Nam vào thời điểm đó. Tất cả tạo nên một sự pha trộn làm nên phong cách Đông Dương, trở thành một trào lưu tại các gia đình khá giả ở Việt Nam thời bấy giờ.

Cùng với những tiến bộ của thời đại, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào nghề mộc đã giúp tạo ra nhiều sản phẩm đẹp hơn với tốc độ sản xuất nhanh hơn và độ bền cao. Đó cũng là lúc nghề chế biến gỗ hình thành giữa thế kỷ 20.

Ông Trịnh Hữu Ngọc (quê Bắc Giang) là nhân vật tiên phong cho việc định hình ngành thiết kế nội thất Việt Nam. Trước đây, ông theo học ở mỹ thuật Đông Dương và chịu ảnh hưởng bởi trào lưu hội họa ấn tượng. Sau đó, ông Ngọc nhập máy móc, thiết bị từ Pháp và tuyển gần hai chục thợ giỏi về mở xưởng tên Memo chuyên sản xuất bàn ghế kiểu mới.

Tinh thần của Memo mang đặc trưng của người việt như: ít công; ít gỗ; đáp ứng nhu cầu sử dụng, không thừa, không thiếu; bền chắc, duyên dáng; đảm bảo sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ; phù hợp với lối sống trung lưu ở đô thị.

Memo ra đời thể hiện nếp sống mới của người tử tế. Trong quan điểm của nhà sáng lập, làm người tử tế hẳn phải sống theo quan điểm của người lao động. Tiêu dùng trước hết phải nghĩ đến công khó nhọc của người làm.

“Trải qua 1.000 năm, đồ dùng bằng gỗ ra đời với sự góp mặt của các ông tổ làng nghề, các làng nghề truyền thống trên khắp Việt Nam. Sang thế kỷ 20 là sự xuất hiện của các nhân tố tiên phong và đặt nền tảng cho sự hình thành và phát triển của ngành thiết kế và chế tác nội thất ở Việt Nam”, KTS Lê Trương nhìn lại.

Kiến trúc sư Lê Trương

Kiến trúc sư Lê Trương

Còn với riêng KTS Lê Trương và thương hiệu TT-As do ông sáng lập, ông Trương cho biết cách đây 5 năm đã vượt qua một rào cản để bước vào thị trường thiết kế nội thất quốc tế mà trước đó, những thương hiệu như Accor chưa từng chấp nhận một công ty Việt Nam thiết kế nội thất cho khách sạn 5 sao.

Nhiều công trình nội thất khách sạn ấn tượng được KTS Lê Trương thiết kế đựa trên concept lấy cảm hứng từ các ngôi làng cổ và sản phẩm làng nghề thủ công như Grand Mercure, khách sạn Sapa, TG House…

Theo ông Trương, bản chất các thương hiệu của Accor khi vào Việt Nam luôn có các quy chuẩn, tiêu chuẩn, nguyên lý mà những người làm thiết kế phải tuân theo.

“Khi thiết kế cho Accor, chúng tôi đã phải nghiên cứu nhiều quy chuẩn, tài liệu của họ để hiểu thế nào là Grand Mercure, tinh thần của nó ở Việt Nam cũng như yêu cầu phải thỏa mãn tính địa phương và lưu giữ di sản. Grand Mercure là hơi thở của thời đại kết hợp giữa Đông và Tây để tạo nên danh tính đặc trưng cho khách sạn”, KTS Lê Trương nói.

Vị kiến trúc sư này cũng cho biết đó là cơ hội để ông tiếp cận với sự khéo léo, tinh hoa của những người thợ thủ công, các làng nghề thủ công Việt Nam đã dành nhiều tâm huyết để chế tác đồ cho khách sạn.

Nhìn lại dòng chảy lịch sử của nghề mộc cũng như thiết kế nội thất ở Việt Nam, KTS Lê Trương một lần nữa khẳng định, bản sắc là tính chất đặc biệt vốn có để tạo nên phẩm cách riêng. Nó ngự trị trong mỗi con người. Bản sắc không cần phải giữ và cũng không bao giờ mất đi vì nó sinh ra từ gốc rễ, từ cội nguồn và vẫn đang tồn tại, biến đổi và phát triển theo dòng chảy của thời đại, không bao giờ mất đi.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ban-ve-ban-sac-viet-trong-thiet-ke-noi-that-1612005061539.htm