'Bánh vẽ' sâm Ngọc Linh: Bài 1 - Biến đất rừng tự nhiên thành đất trống
Với 'bánh vẽ' sâm Ngọc Linh, thông qua Dự án Nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông, Công ty MHG đã huy động rất nhiều người đầu tư vào dự án trồng sâm Ngọc Linh trên giấy của công ty để trục lợi.
Với "bánh vẽ" sâm Ngọc Linh, thông qua Dự án Nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông, Công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh (Công ty MHG) có trụ sở ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã huy động rất nhiều người đầu tư vào dự án trồng sâm Ngọc Linh trên giấy của công ty để trục lợi.
Liên quan đến các dấu hiệu sai phạm của Công ty MHG, hiện Cơ quan điều tra đang làm rõ dấu hiệu lừa đảo góp vốn dưới hình thức mua cổ phần tại Công ty MHG.
Bài 1: Biến" đất rừng tự nhiên thành đất trống
Dự án Nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh (Công ty MHG) được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cấp chủ trương đầu tư năm 2016 (số 1626/QĐ-UBND). Đến năm 2018 tỉnh Kon Tum có quyết định điều chỉnh dự án. Dự án có quy mô 46 ha thực hiện tại 2 xã Măng Cành và Đăk Long huyện Kon Plông.
*Phá đất rừng làm dự án?
Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có quy mô 36 ha trồng cây dược liệu (Sâm Dây, Đương Quy) cùng các loại hoa, rau, cây cảnh, cây gia vị…. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, lực lượng chức năng khi điều tra, kiểm tra đã phát hiện có nhiều diện tích đất rừng tự nhiên bị xâm hại.
Cụ thể, khi thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật của nhà đầu tư trong thực hiện dự án, đoàn thanh tra tỉnh Kon Tum phát hiện tại các lô 2, 5 khoảnh 9, lô 15 khoảnh 5, lô 6 khoảnh 15 tiểu khu 474 xã Măng Cành có hơn 2,5 ha đất trống. Kết quả đối chiếu hiện trạng rừng đã cho thuê, diện tích đất trống trên là đất rừng tự nhiên TXB, TXN, TXK (kết luận số 3337/KL-UBND ngày 7/10/2022 do ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ký). Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên tỉnh Kon Tum cho biết: Hiện trạng đất rừng tự nhiên (TXB, TXN, TXK) là đất rừng thường xanh, rừng nghèo và khác. Đất rừng này có cây rừng tự nhiên. Còn đất trống không có cây rừng tự nhiên. "Nhà nước giao hoặc cho thuê diện tích rừng, công ty được phép thực hiện các hoạt động sản xuất theo luật. Đồng thời, công ty phải có nghĩa vụ bảo vệ, bảo vệ nguyên vẹn với diện tích rừng tự nhiên đang có" ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum khẳng định.
Thực tế, khi phóng viên vào hiện trường, tại khu vực trồng sâm dây, nhiều cây bị rừng ngã đỗ, một số cây rừng có đường kính lớn bị xẻ tại chỗ. Hiện trường quanh khu trồng sâm dây, có nhiều cây rừng tự nhiên bị ngã, quanh dự án nhiều cây rừng bị hạ, chỉ còn trơ gốc... Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một công ty trồng được liệu ở Kon Tum cho biết: Thực tế khi trồng được liệu như Sâm Dây, Đương Quy hay hoa, diện tích trồng phải sạch, không phải trồng dưới tán rừng vì các loại cây dược liệu trên ưa ánh sang không thể trồng dưới tán rừng. Ngoài ra, tại dự án, từ cổng vào còn có một hồ nước được đào khá rộng, chủ dự án còn dựng cả máy bơm, đường ống để hút nước phục vụ tưới tiêu.
Việc để hơn 2,5 ha đất rừng tự nhiên thành đất trống, theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư đã không quản lý, bảo vệ rừng chặt chẽ, dẫn đến thiệt hại một phần diện tích đất rừng tự nhiên, không giữ được hiện trạng được giao ban đầu. Chủ dự án tự ý phát luỗng thực bì dưới tán rừng vi phạm điểm a, Khoản 2, Điều 79 Luật Lâm nghiệp.
*Đợi… xử lý nghiêm
Mặc dù kết luận số 3337/KL-UBND do ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ký từ tháng 10/2022 nhưng đến nay việc xử lý trách nhiệm chủ đầu tư vẫn chưa được thực hiện.
Sau khi có kết luận thanh tra trên, lực lượng chức năng trong tỉnh Kon Tum đã tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế sai phạm của Hợp tác xã Tuyết Sơn Kon Plông.
Trao đổi với phóng viên về các sai phạm để "biến" đất rừng tự nhiên thành đất trống, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết: Quan điểm là lý nghiêm, sai đến đâu xử đến đó. Hiện nay lực lượng kiểm lâm nói riêng và các cơ quan được giao nhiệm vụ thụ lý, xử lý vụ việc đang gặp một số khó khăn trong việc thực hiện chức trách cũng như thẩm quyền. Cụ thể, dự án thay đổi chủ doanh nghiệp, thay đổi người đại diện pháp lý. Lực lượng chức năng nhiều lần làm việc, chủ dự án có cử, bố trí người làm việc nhưng không cung cấp được các hồ sơ, tài liệu liên quan đến tính pháp lý, tài liệu xác định chủ dự án.