Bảo đảm mục tiêu tăng trưởng
Dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng với các giải pháp điều hành linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả, tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn trong quý II ước đạt 8%; giá trị sản xuất (GO) đạt 13.232 tỷ đồng để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo kịch bản đã đề ra, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Trong quý I, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định. Ước tính giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.777 tỷ đồng. Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra khá sôi động, trong 3 tháng đầu năm, tỉnh ước đón 848.000 lượt du khách; trong đó 83.000 lượt khách quốc tế, tăng 20,1 % so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I ước đạt 4.683 tỷ đồng, tăng 19,64% so với cùng kỳ; đạt 92,9% so với kế hoạch tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên nhìn vào thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong quý I ước đạt 6%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng khoảng 4,1%; dịch vụ tăng 11%; thuế sản phẩm tăng 3,1% nhưng công nghiệp, xây dựng giảm 2,6%. Điều đó cho thấy, khó khăn, thách thức đặt ra đó là mức tăng trưởng không đạt kế hoạch đề ra theo kịch bản tăng trưởng kinh tế.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Lương Văn Đoàn cho rằng: Nguyên nhân do chịu ảnh hưởng bởi sự phục hồi chậm của nền kinh tế thế giới và trong nước; thời điểm tháng 1 và tháng 2 diễn ra kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Đặc biệt, hiện đang vào mùa khô, lưu lượng nước về lòng hồ giảm, các nhà máy thủy điện cắt giảm công suất nên sản lượng điện sản xuất giảm; một số doanh nghiệp mới bước vào kế hoạch sản xuất năm 2024, các hợp đồng mới chưa được triển khai; một số doanh nghiệp chưa khôi phục hoạt động sản xuất... nên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư một số dự án trọng điểm còn thiếu quyết liệt và chưa có giải pháp hiệu quả sát với thực tế. Giá cả nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất vẫn biến động tăng, sản lượng hàng tồn kho nhiều, nhiều lao động đi làm việc ở doanh nghiệp trong nước không có việc làm…
Vững vàng mục tiêu tăng trưởng
Quyết tâm hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng 7,5% theo kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024, tỉnh đang tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực. Trong đó, tháo gỡ khó khăn ngành công nghiệp, tỉnh chủ động nắm bắt, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; đôn đốc các chủ đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, khắc phục sự cố; đưa vào vận hành khai thác các dự án khai thác quặng tại các địa phương. Đẩy nhanh tiến độ đối với công trình thủy điện để sớm hoàn thành đưa 6 nhà máy thủy điện với tổng công suất 71,8 MW đi vào hoạt động, góp phần làm tăng chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp toàn ngành. Triển khai tốt chính sách khuyến công, áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất; khuyến khích các cơ sở sản xuất chế biến nông lâm sản cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như: Chè, ván ép, đá xây dựng, bê tông tươi và và sản phẩm bê tông đúc sẵn...
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư và UBND các huyện, thành phố quyết tâm, quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm; nêu cao trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các dự án trọng điểm, nhất là dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1); dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển KT – XH. Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo lộ trình giải ngân chung toàn tỉnh theo kế hoạch. Chủ động tháo gỡ các khó khăn, làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án có tổng mức đầu tư lớn. Lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện mục tiêu xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn từng xã; kịp thời giải quyết vướng mắc trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nỗ lực đưa vào hoạt động các dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được triển khai thực hiện.
Duy trì đà tăng trưởng, tỉnh tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, xúc tiến, quảng bá, trao đổi, mua bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Tập trung nguồn lực thực hiện tăng trưởng tín dụng năm 2024 đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển KT – XH của địa phương; kết nối, đối thoại nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu ngân sách nhà nước; tập trung khai thác, phát triển các nguồn thu tiềm năng trên các lĩnh vực, địa bàn, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, du lịch.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202403/bao-dam-muc-tieu-tang-truong-be85178/