Báo động nạn câu like kiếm tiền bẩn trên mạng xã hội: Bài 4- Tin 'mì ăn liền' thao túng
Với ngôn từ bắt trend, 'thêm mắm dặm muối', tin giả, tin xấu độc trên mạng xã hội như món 'mì ăn liền' đang thao túng độc giả.
“Con dao hai lưỡi”
Dưới góc nhìn của một độc giả, bạn Tào Khánh Chung (Sinh viên năm 4, Khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, mạng xã hội bùng nổ như con dao hai lưỡi.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã kiếm tiền bẩn trên đó bằng cách phát triển hội, nhóm, trang từ những nội dung xấu độc, sai sự thật, thông tin kiểu “thêm mắm dặm muối”… để câu view, câu like. Những thông tin này rất thu hút độc giả trẻ bởi sự ngắn gọn, ngôn từ bắt trend, phù hợp với những người bận rộn, lười đọc.
“Thông qua Báo Công Thương, tôi hiểu hơn về những cách truyền thông lệch lạc của hàng loạt Fanpage như Thế Anh 28, Không sợ chó, BeatVN… rất được giới trẻ ưa chuộng. Họ lấy sự ra đi của đứa trẻ 15 tuổi làm chủ đề bàn tán bằng ngôn từ khiếm nhã. Họ tạo ra những nhân vật giả và truyền đi những thông tin chưa được kiểm chứng,...”, bạn Tào Khánh Chung chia sẻ.
Theo bạn Tào Khánh Chung, người viết hữu ý, người đọc vô tình. “Vô tình mắng chửi, vô tình phê phán, vô tình cảm thương. Nhưng đâu ngờ sau đó là cả một đội ngũ đang thao túng truyền thông, thao túng độc giả. Vô hình chung, từng lượt like, lượt bình luận, tương tác lại được “hô biến” thành bảng giá quảng cáo lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng”, bạn Tào Khánh Chung nói.
Chia sẻ với Báo Công Thương về thực trạng tin giả, tin xấu độc trên mạng xã hội, Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, các vi phạm này xuất hiện thường xuyên và tương đối dày đặc. Hiện tượng các trang cá nhân sử dụng một vài chi tiết trong một bài báo rồi sử dụng quan điểm của mình để bình luận, đánh giá nhằm hướng vấn đề đi theo một góc khác thì xuất hiện thường xuyên không thể thống kê hết được.
“Có thể kể ngay ra hàng loạt các Fanpage có lượng người theo dõi lớn và thường xuyên dẫn lại các nguồn tin từ báo chí như Không sợ chó, OFFB, Hóng hớt Showbiz hoặc một số trang gắn với từ "Cộng đồng…”, Tiến sĩ Phan Văn Kiền dẫn chứng, đồng thời cho biết một số trang, nhóm bất đồng quan điểm còn cắt cúp thông tin trên báo chí để thêm thắt, bóp méo thông tin nhằm mục đích định hướng dư luận theo chiều hướng không tốt.
Đối với việc các nền tảng mạng xã hội sử dụng nguồn tin từ báo chí không dẫn nguồn hoặc cố tình dẫn nguồn theo hướng đối phó, Tiến sĩ Phan Văn Kiền cho rằng, hiện tượng này khá phổ biến thời gian gần đây. “Tôi không muốn dùng từ ăn cắp thông tin, bởi khi thông tin đã công khai trên báo thì tức là công chúng, trong đó có cả những người quản trị các trang thông tin điện tử và mạng xã hội, có quyền tiếp nhận. Tuy nhiên, việc sử dụng lại mà không dẫn nguồn hoặc cố tình làm cho nguồn tin bị lu mờ đi là vi phạm pháp luật”, Tiến sĩ Phan Văn Kiền khẳng định.
Theo Tiến sĩ Phan Văn Kiền, việc các nền tảng mạng xã hội sử dụng nguồn tin từ báo chí không dẫn nguồn hoặc cố dình dẫn nguồn theo hướng đối phó ảnh hưởng tới cơ quan báo chí chính thống ở ít nhất 3 khía cạnh.
Thứ nhất, cơ quan báo chí bị vi phạm bản quyền, từ đó gián tiếp dẫn tới giảm lượng công chúng và giảm độ lan tỏa của thương hiệu thông tin và cuối cùng là giảm nguồn thu.
Thứ hai, trong trường hợp các nền tảng nói trên khi dẫn nguồn tin lại thêm, bớt thông tin khiến cho thông tin không chính xác thì cũng ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan báo chí có nguồn tin gốc.
Thứ ba, ảnh hưởng tới tâm lý của người quản lý cơ quan báo chí chính thống cũng như đội ngũ nhà báo chân chính đang phải bỏ công sức để khai thác được nguồn thông tin gốc.
Đề nghị thu phí bản quyền các “ông lớn” mạng xã hội
Tiến sĩ Phan Văn Kiền cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên. Nguyên nhân khách quan là do sự thay đổi quá nhanh chóng của thực tiễn truyền thông khiến các văn bản quy phạm pháp luật nhanh chóng bị lạc hậu. Trong khi quy trình để đưa một văn bản quy phạm pháp luật vào thực tiễn ở ta tương đối phức tạp và mất thời gian.
Dẫn chứng Luật Báo chí năm 2016, Tiến sĩ Phan Văn Kiền cho biết luật này ra đời và đi vào thực tiễn 7 năm nay, rất nhiều vấn đề trong luật đã trở nên lạc hậu trước bối cảnh truyền thông biến đổi hàng ngày, hàng giờ. Nhưng để cập nhật, chỉnh sửa một bộ luật như Luật Báo chí cũng không phải là việc một sớm một chiều có thể thực hiện ngay được.
Về nguyên nhân chủ quan, theo Tiến sĩ Phan Văn Kiền, chúng ta thiếu một triết lý rõ ràng để quản lý hoạt động báo chí truyền thông. Vì vậy, các văn bản quy phạm pháp luật ra đời nhiều khi phải chạy theo thực tiễn theo kiểu ứng phó nhằm kiểm soát tình hình. Vì chạy theo ứng phó nên khi thực tiễn nhanh chóng thay đổi thì các văn bản này cũng lại nhanh chóng bị… lạc hậu!
Để dẹp nạn câu like kiếm tiền bẩn trên mạng xã hội,Tiến sĩ Phan Văn Kiền cho rằng có 5 vấn đề cần được nhìn nhận cả bình diện lâu dài và trước mắt. Trước hết, các cơ quan quản lý thông tin cần xác định được một triết lý rõ ràng để quản lý hoạt động thông tin, đặc biệt là thông tin trên nền tảng internet.
Thứ hai, cần giáo dục, bồi dưỡng để nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin cho công chúng. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi công chúng chính là nguồn thu, cũng là động lực để các nền tảng phi báo chí vi phạm pháp luật. Năng lực tiếp nhận thông tin của công chúng thấp dẫn tới sự tò mò, cảm tính lấn át lý trí, khiến khả năng suy xét, phân tích thông tin trước và sau khi tiếp nhận thấp. Và hệ lụy không chỉ đối với báo chí chính thống.
Thứ ba, trước mắt, cần xây dựng ngay một bộ quy chuẩn quy định việc nhận diện thông tin trên trang thông tin điện tử, trang, nhóm mạng xã hội bên cạnh các tiêu chí nhận diện "báo hóa" tạp chí vừa ban hành. Khi có bộ quy chuẩn này thì mới có căn cứ rõ ràng để xử lý các nền tảng vi phạm.
Thứ tư, bản thân báo chí chính thống cũng phải tăng cường sự hiện diện trên các nền tảng Internet để giành lấy chủ quyền trên không gian này. Sự hiện diện hiệu quả hiển nhiên phải đi liền với đổi mới định dạng, phong cách, nội dung… thông tin để thu hút được công chúng.
Về lâu dài, theo Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Nhà nước cần tính tới một số thỏa thuận về thu phí bản quyền với các "ông lớn" mạng xã hội như Australia, Canada đã làm với Meta (Facebook) gần đây.