Báo động tật khúc xạ học đường

Những năm gần đây, tình trạng trẻ em trong độ tuổi đến trường bị tật khúc xạ (cận, loạn, viễn thị…) có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và sinh hoạt của các em.

Năm học 2022 – 2023, Trường Tiểu học Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) có 515 học sinh. Để hoạt động dạy và học đạt kết quả cao, ngay khi vào năm học mới, ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm khảo sát tình trạng học sinh bị tật khúc xạ để có phương án bố trí chỗ ngồi phù hợp cho các em cũng như cải thiện điều kiện về ánh sáng trong phòng học… Khi nhận kết quả tổng hợp tại buổi họp giao ban đầu tuần, cô giáo Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng nhà trường rất bất ngờ khi tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ (phần lớn là cận thị) đang đeo kính tăng đột biến. Sau gần 2 năm học trực tuyến vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, các em học sinh tiếp xúc với máy tính, điện thoại liên tục trong thời gian dài nên thị lực bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu như năm học 2019 – 2020, cả trường có chưa đến 10 em bị cận thị, thì năm học này, kết quả khảo sát ban đầu đã có tới 20% trong tổng số học sinh của toàn trường bị tật khúc xạ. Khả năng con số này sẽ tăng khi nhà trường phối hợp với cơ sở y tế khám sàng lọc tật khúc xạ và các bệnh về mắt cho học sinh trong thời gian tới.

Theo kết quả chương trình khám và phát hiện tật khúc xạ học đường do Bệnh viện Mắt Hưng Yên phối hợp thực hiện tại một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố Hưng Yên trong 2 năm 2019 và 2020 cho thấy: Trong tổng số hơn 21 nghìn học sinh tham gia khám sàng lọc thì số lượng các em mắc các tật khúc xạ về mắt chiếm tỷ lệ 40%, chủ yếu là cận thị. Kết quả khám sàng lọc cũng cho thấy tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ không còn tập trung ở nhóm học sinh THCS mà gia tăng nhanh ở nhóm học sinh tiểu học; học sinh thành thị bị tật khúc xạ cao hơn khu vực nông thôn. Nhiều em bị tật khúc xạ đã ở mức độ nặng nhưng chỉ qua các đợt khám miễn phí tại trường mới được phát hiện.

Một lớp học (khối 10) Trường THPT Tiên Lữ (Tiên Lữ) có nhiều học sinh bị tật khúc xạ

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, tình trạng tật khúc xạ học đường gia tăng nhanh sau hai năm dịch Covid-19 và học sinh phải học trực tuyến liên tục. Tại các phòng khám mắt trên địa bàn thành phố Hưng Yên, vào những ngày cuối tuần có nhiều học sinh đến kiểm tra thị lực và cắt kính. Còn theo thống kê của Bệnh viện Mắt Hưng Yên, hiện nay học sinh chiếm tỷ lệ 30 – 40% tổng số bệnh nhân đến khám, thậm chí thời điểm phần lớn là trẻ em trong độ tuổi đến trường đến bệnh viện khám các bệnh về mắt.

Tật khúc xạ là một trong những nguyên nhân chính gây giảm thị lực và dẫn tới mù lòa. Trẻ em bị tật khúc xạ không chỉ tác động lâu dài tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và sinh hoạt. Em Vũ Minh Ngọc, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Dị Chế (Tiên Lữ) cho biết: Cháu bị cận thị và phải đeo kính từ năm học lớp 2. Cháu thấy đeo kính khá khó chịu và bất tiện. Hôm nào quên kính ở nhà thì buổi học hôm đó cháu chỉ ngồi tại chỗ mà không ra ngoài vui chơi cùng các bạn vì mắt mờ khó quan sát xung quanh.

Tình trạng học sinh bị tật khúc xạ không chỉ ảnh hưởng tới bản thân mà còn gây “khó” cho nhiều giáo viên. Từ việc sắp xếp chỗ ngồi cho các em làm sao bảo đảm hợp lý, đến việc bố trí ánh sáng phòng học khi có sự cố mất điện hoặc trời mưa. Thầy giáo Vũ Đức Vệ, Hiệu trưởng Trường THCS Dị Chế (Tiên Lữ) cho biết: Để giảm tỷ lệ học sinh bị khúc xạ học đường, nhà trường đã quan tâm cải thiện điều kiện về chiếu sáng trong phòng học, bảng chống lóa, bàn ghế phù hợp với lứa tuổi, bảo đảm khoảng cách giữa bàn học với bảng lớp không quá xa... Đồng thời, chủ động phối hợp với cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe cho học sinh vào đầu năm học nhằm phát hiện sớm các tật khúc xạ về mắt, sau đó thông báo cho phụ huynh biết để sớm đưa các em đi khám.

Bác sĩ Phạm Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh – Cấp cứu – Cận lâm sàng, Bệnh viện Mắt Hưng Yên cho biết: Nguyên nhân gia tăng tật khúc xạ học đường hiện nay đa phần là do thói quen học tập, sinh hoạt của các em: Ngồi học không đúng tư thế; tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như ti vi, điện thoại, máy tính; thời gian vui chơi, tiếp xúc với môi trường bên ngoài hạn chế… Cùng với đó là điều kiện chiếu sáng phòng học không đủ; kích thước bàn ghế ngồi học không bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật…

Để hạn chế và khắc phục tình trạng học sinh trong độ tuổi đến trường bị tật khúc xạ, đòi hỏi trong quá trình học tập học sinh cần ngồi đúng tư thế, bàn ghế phù hợp với độ tuổi, bảo đảm đủ ánh sáng; có chế độ học tập và vui chơi ngoài trời hợp lý; không nên cho trẻ xem ti vi, máy tính, điện thoại quá lâu; bảo đảm ngủ đủ giấc và chế độ dinh dưỡng tốt, giàu vitamin A, E… Phụ huynh học sinh cần cho con em mình đi khám định kỳ để sớm phát hiện tật khúc xạ và các bệnh về mắt sớm để có phương pháp điều trị kịp thời.

Dương Miền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202209/bao-dong-tat-khuc-xa-hoc-duong-c9740b4/