Bão số 6 di chuyển nhanh, miền Trung khẩn trương ứng phó
Sau khi bão đổ bộ sẽ gây mưa to, dự kiến khoảng 32 huyện và khu đô thị từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, Kon Tum có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Chiều 23-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác triển khai ứng phó với bão số 6.
Cơn bão bất thường, di chuyển nhanh
Dự báo đêm 23 rạng sáng 24-9, bão số 6 đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, trọng tâm là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá đây là cơn bão có diễn biến bất thường, trong thời gian rất ngắn từ áp thấp mạnh lên thành bão và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (DBKTTV) quốc gia đã kịp thời dự báo sớm để các bộ, ngành, địa phương kịp triển khai các giải pháp ứng phó.
Trước diễn biến bất thường, di chuyển nhanh của bão số 6, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, bộ, ngành liên quan phải luôn bám sát tình hình, tổ chức trực ứng phó 24/24 giờ và kêu gọi được toàn bộ số tàu vào bờ hoặc di chuyển vào nơi trú tránh an toàn.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý ở các địa phương đang có dịch COVID-19, phải có phương án ứng phó để đảm bảo thiệt hại thấp nhất, không vì lý do bão vào mà không kiểm soát được dịch.
Các thuyền viên trên các tàu trên biển khi vào trú tránh đều được thực hiện test nhanh để sàng lọc, sắp xếp chỗ ở cho phù hợp. Tránh tình trạng lại phát sinh thành nhiều ổ dịch lớn. Đồng thời, hết sức chú ý đảm bảo an toàn cho người dân tại những khu vực có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, cũng như sẵn sàng triển khai phương án di dời người dân nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản, đồng thời an toàn trong dịch COVID-19.
“Việc phòng chống bão trong tình hình dịch bệnh phức tạp đòi hỏi không được chủ quan, vì chỉ sơ sẩy thì có thể thiệt hại gấp nhiều lần so với tình hình bình thường” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đến trưa 23-9 các địa phương mới ứng phó
Vì diễn biến cơn bão quá nhanh nên tới trưa 23-9, TP Đà Nẵng mới có cuộc họp khẩn các ngành, địa phương để ứng phó với bão số 6.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn yêu cầu các địa phương triển khai phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho người dân trong thiên tai và công tác phòng chống dịch COVID-19, nhất là các khu vực nhà không kiên cố, vùng trũng thấp, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét…
Đà Nẵng cũng cấm người dân, phương tiện và tàu thuyền không có nhiệm vụ phòng chống lụt bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn…
Đến chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng có công điện về ứng phó với bão số 6, yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng quân đội, công an hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, đặc biệt là các hộ dân khó khăn, hộ dân đang phải điều trị và cách ly tập trung.
UBND TP giao Sở Y tế chủ trì trong việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả thuyền viên tàu cá vào trú tránh bão trên địa bàn, đảm bảo phòng chống dịch tại các điểm sơ tán và xử lý những trường hợp nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2.
Tại Thừa Thiên-Huế, lực lượng chức năng trước đó đã triển khai năm điểm bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão.
Đến 15 giờ cùng ngày, 2.060 tàu thuyền đã vào cảng neo đậu an toàn. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh này cũng duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.
Các lao động trên biển vào trú tránh được lực lượng y tế test nhanh COVID-19, khai báo y tế và bố trí chỗ ăn ở…
Còn tại Quảng Nam, ngày 23-9 đã có mưa lớn kéo dài, gió giật mạnh, một số ngư dân đã chủ động đưa tàu thuyền lên cao. Tỉnh cũng có công điện ứng phó với bão số 6 khi bão đổ bộ.
Tại Quảng Ngãi, chiều tối 23-9, tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn có cơn lốc xoáy tàn phá nhiều nhà cửa, tài sản của người dân.
Theo thống kê nhanh, cơn lốc khiến 15 ngôi nhà cùng nhiều vật dụng bị hư hỏng. Cụ thể, có bảy nhà bị tốc mái hoàn toàn, hai nhà bị tốc mái 50%-70% và sáu nhà tốc mái dưới 50%.
Rất may cơn lốc xoáy không gây thiệt hại về người, chính quyền địa phương đã tổ chức đưa người dân trong các ngôi nhà bị thiệt hại đến nơi an toàn.
Tại trạm đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Các huyện phía bắc tỉnh Quảng Ngãi có mưa lớn 100-246,2 mm.
Huyện đảo Lý Sơn đã tổ chức di dời 51 lồng bè trên biển vào neo buộc.
Bão số 6 gây mưa lớn, lũ ở Trung Trung bộ
Theo Trung tâm DBKTTV quốc gia, lúc 16 giờ ngày 23-9, vị trí tâm bão số 6 ở cách bờ biển Bình Định khoảng 130 km, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 140 km, cách bờ biển Quảng Nam khoảng 160 km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 220 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm DBKTTV quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, từ đêm 23 đến hết 24-9, mưa vẫn tiếp tục ở khu vực Hà Tĩnh - Bình Định với tổng lượng mưa 150-250 mm, một số nơi trên 300 mm.
Khu vực Kon Tum, Gia Lai có lượng mưa 100-150 mm, có nơi trên 150 mm. Từ ngày 24 đến 25-9, các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An có lượng mưa 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.
Dự báo sẽ có khoảng 32 huyện và khu đô thị từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và Kon Tum có nguy cơ ngập lụt, 29 huyện có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.
Theo Đại tá Trần Hải Bình, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng, đến 17 giờ ngày 23-9, các tàu thuyền trên biển đã nhận được thông báo về bão số 6 và di chuyển trú tránh.
Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo các lực lượng tuyến biển và biên giới chủ động xây dựng phương án phòng chống lũ ống và lũ quét, sạt lở đất ở các tuyến biên giới. Đặc biệt là những nơi đã chịu ảnh hưởng của các cơn bão vừa qua có dấu hiệu mất an toàn để chủ động ứng phó. AN HIỀN