Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Híeng của người Dao Tiền

Lễ hội Púng Híeng của người Dao Tiền ở Mộc Châu là nghi lễ truyền thống giàu ý nghĩa nhân văn, có giá trị lớn lao về văn hóa, giáo dục, tín ngưỡng và lịch sử dân tộc. Với những giải pháp thiết thực, huyện Mộc Châu đã và đang nỗ lực bảo tồn lễ hội này nhằm phát huy giá trị của lễ hội gắn với việc phát triển du lịch tại địa phương.

Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội Púng Híeng dân tộc Dao Tiền ở Mộc Châu. Ảnh: PV

Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội Púng Híeng dân tộc Dao Tiền ở Mộc Châu. Ảnh: PV

Púng Híeng là một nghi lễ truyền thống của một số dòng họ lớn, nhưng được tổ chức dành cho cả bản nên có tính cộng đồng cao và được coi là lễ hội lớn nhất của người Dao Tiền. Lễ hội được các dòng họ luân phiên tổ chức định kỳ 3-4 năm/lần, trong thời gian 4-6 ngày vào dịp Tết Nguyên đán. Púng Híeng là dịp để tạ ơn thần linh, tổ tiên, cầu mùa màng, cầu sức khỏe, cầu lộc cho năm mới với nghi lễ mang nhiều ý nghĩa. Lễ hội hội tụ đầy đủ văn hóa của dân tộc Dao Tiền với tín ngưỡng truyền thống, quan niệm tâm linh, răn dạy đạo lý làm người, gắn kết cộng đồng bằng điệu múa chuông sôi động, phô diễn trọn vẹn vẻ đẹp của nghệ thuật trình diễn dân gian, trang phục cổ truyền mang đậm bản sắc...

Các nghệ nhân, thầy cúng, người uy tín dân tộc Dao huyện Mộc Châu tham dự hội thảo. Ảnh: PV

Các nghệ nhân, thầy cúng, người uy tín dân tộc Dao huyện Mộc Châu tham dự hội thảo. Ảnh: PV

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Phát huy những giá trị của lễ hội Púng Híeng, huyện Mộc Châu đã phối hợp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa tổ chức điều tra di sản, khảo tả lễ hội và phục dựng trình diễn để tái hiện lễ hội nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao. Đồng thời, chuẩn bị cho việc lập hồ sơ khoa học để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong thời gian tới. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để huyện tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp mang tính thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội gắn với công tác phát triển du lịch của huyện theo hướng bền vững.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: PV

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: PV

Mới đây, huyện Mộc Châu đã chủ trì tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội Púng Híeng người Dao Tiền ở Mộc Châu”. Hội thảo đã nhận được 16 tham luận với nội dung giá trị cùng nhiều ý kiến đóng góp ý nghĩa, khơi gợi nhiều giải pháp được đề xuất từ việc nghiên cứu thực tế, từ góc nhìn của những người nghiên cứu, quản lý văn hóa, những người làm du lịch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội theo hướng hiệu quả thực chất. Hội thảo cũng có sự tham gia của các già làng, trưởng bản, người uy tín, các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian dân tộc Dao của huyện Mộc Châu. Qua đó, không chỉ tôn vinh vai trò, giá trị của những người nắm giữ di sản, mà còn là cách để khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm của họ đối với công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, trong đó có lễ hội Púng Híeng.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường, Phó chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nói: Giải pháp thiết thực nhất để bảo tồn di sản văn hóa là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, khơi dậy ý thức, trách nhiệm gìn giữ văn hóa của đồng bào. Cùng với đó là có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân, những người được coi là “báu vật nhân văn sống” nắm giữ và truyền dạy di sản; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc giới thiệu, quảng bá di sản độc đáo của địa phương. Đặc biệt, là gắn bảo tồn di sản với phát triển du lịch, đưa lễ hội thành sản phẩm du lịch, làm yếu tố hấp dẫn du khách đến để trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, con người ở mảnh đất mới mà họ đến. Đây là cách tốt nhất để bảo tồn di sản, giúp di sản có khả năng tồn tại, được lưu giữ và phát triển theo thời gian.

Các đại biểu người dân tộc Dao nghiên cứu kỷ yếu lễ hội Púng Híeng.

Là người uy tín trong cộng đồng dân tộc Dao tại Mộc Châu, ông Lý Trọng Sinh, bản Suối Khem, xã Phiêng Luông luôn tích cực tham gia các hoạt động nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống. Tại hội thảo, ông Sinh đã tham luận với chủ đề “Ý thức bảo tồn, phát huy và mong muốn của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội”. Ông Sinh chia sẻ: Bản thân những người già tại các bản làng luôn trăn trở suy nghĩ làm sao để truyền lại văn hóa, tín ngưỡng, chữ viết, hệ thống tri thức dân gian của dân tộc cho thế hệ kế cận. Bởi vậy, chúng tôi luôn cố gắng để truyền dạy cho con cháu, lớp trẻ, góp một phần sức lực để gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Từ hội thảo, các tham luận, ý kiến sát thực sẽ được chắt lọc, tổng hợp làm cơ sở xây dựng kế hoạch, giải pháp bảo tồn lễ hội Púng Híeng. Cùng với kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện công tác bảo tồn các lễ hội, di sản đã được công nhận, tin tưởng rằng, Mộc Châu sẽ có đủ điều kiện về nhân lực, chuyên môn, kỹ năng, giải pháp thiết thực để giúp đồng bào Dao Tiền bảo tồn lễ hội Púng Híeng, đưa lễ hội trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt là phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội Púng Híeng cũng như văn hóa độc đáo của người Dao Tiền thành những sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Bài, ảnh: Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-le-hoi-pung-hieng-cua-nguoi-dao-tien-Wxrlb7mHR.html