Bảo Yên: 67 ha bồ đề bị sâu xanh ăn lá

Hiện nay, ở địa bàn huyện Bảo Yên xuất hiện sâu xanh ăn lá bồ đề trên diện rộng.

Theo thống kê, hiện có khoảng 67 ha bồ đề tại huyện Bảo Yên đang bị sâu xanh ăn lá phá hoại; trong đó, diện tích nhiễm nặng 47 ha, nhiễm trung bình 6 ha và nhiễm nhẹ 14 ha. Diện tích nhiễm chủ yếu tại các xã: Bảo Hà 44 ha, Kim Sơn 22,5 ha, Tân Dương 0,5 ha và gây hại rải rác ở các xã, trị trấn trên địa bàn huyện.

Mật độ gây hại phổ biến trung bình 50 - 80 con/cây, mức cao là từ 150 - 300 con/cây, cục bộ trên 500 con/cây. Tại những diện tích bị nhiễm nặng, bồ đề đã bị sâu ăn hết lá khiến cây mất khả năng quang hợp, ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển.

Diện tích bồ đề bị sâu ăn trụi lá.

Diện tích bồ đề bị sâu ăn trụi lá.

Ngay sau khi phát hiện sâu xanh ăn lá bồ đề, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm và chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân các biện pháp phòng, trừ. Đến nay đã phun phòng, trừ ước đạt trên 50% diện tích nhiễm, một số diện tích do địa hình phức tạp, cây bồ đề cao, sâu ăn lá bắt đầu từ ngọn nên khó khăn trong công tác phòng, trừ.

Sâu xanh phát sinh gây hại nhiều diện tích bồ đề tại Bảo Hà.

Sâu xanh phát sinh gây hại nhiều diện tích bồ đề tại Bảo Hà.

Bà Nguyễn Thị Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên cho biết: Hiện nay, với diễn biến bất thường của thời tiết, nắng mưa xen kẽ, ẩm độ cao sẽ tạo điều kiện cho sâu xanh vào nhộng, tiếp tục vòng đời và phát sinh lứa tiếp theo, gây hại nhiều diện tích bồ đề, nếu không phòng, trừ kịp thời, triệt để sẽ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây bồ đề.

Để chủ động phòng, trừ sâu xanh, nhân dân cần chủ động khoanh vùng diện tích nhiễm và sử dụng biện pháp phòng, trừ thích hợp. Với những diện tích rừng có địa hình thấp, nguồn nước thuận lợi, tuổi cây từ 1 - 2 năm, cây còn thấp thì sử dụng những loại thuốc hóa học có tác dụng tiếp xúc, xông hơi mạnh như Victory 585EC, Wavotox 585EC... pha vơi nước, dùng bình phun để phun phòng, trừ. Với những diện tích rừng trên 3 năm tuổi, địa hình cao, không có nguồn nước thì sử dụng những loại thuốc có hoạt chất Nereistoxin như: Neretox 95 WP liều lượng 1,1 kg trộn đều với 6 - 7 kg vôi bột, phun cho 1 ha. Dùng máy phun động cơ phun thuốc dạng bột theo từng băng rộng 10 - 15 m theo đường đồng mức từ trên xuống dưới.

Sử dụng máy phun áp lực mạnh để phun thuốc trừ sâu.

Sử dụng máy phun áp lực mạnh để phun thuốc trừ sâu.

Những diện tích đồi, núi cao không thể áp dụng các biện pháp trên thì sau đợt sâu hại cần kiểm tra, bón bổ sung phân bón cho cây ra lá mới, phục hồi sinh trưởng. Với những diện tích rừng sắp đến tuổi thu hoạch, nếu bị nhiễm nặng thì có thể thu hoạch sớm để giảm thiệt hại. Đồng thời, các chủ rừng cần chủ động sử dụng bẫy đèn để bắt và tiêu diệt sâu trưởng thành, thực hiện xới xáo quanh gốc cây (toàn bộ hình chiếu tán lá) để diệt nhộng nhằm hạn chế sâu trưởng thành vũ hóa, diệt các ổ trứng, giết ổ sâu non mới nở.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/bao-yen-67-ha-bo-de-bi-sau-xanh-an-la-z3n20200922073513515.htm