Bẫy ảnh lần đầu chụp được loài khỉ đột hiếm nhất thế giới

Khỉ đột sông Cross từng được cho là đã tuyệt chủng và số lượng của chúng trong tự nhiên là rất ít ỏi, với khoảng 250 cá thể sống tại vùng núi giữa biên giới Cameroon - Nigeria.

Theo Guardian, những hình ảnh hiếm hoi thuộc về một trong những phân loài khỉ đột có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất đã được ghi lại bởi bẫy ảnh tại dãy núi Mbe phía đông nam Nigeria.

Nhân vật chính trong những bức hình là một đàn khỉ đột sông Cross (Gorilla gorilla diehli) với 6 thành viên, bao gồm một con còn non. Chúng được ghi lại bởi bẫy ảnh của tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS).

Khỉ đột sông Cross rất hiếm ghi được nhìn thấy, chúng được cho là cực kỳ dè chừng trước con người sau hàng thập kỷ bị săn bắt và giết hại. Chúng thường lẩn trốn vào những khu vực rừng rậm sâu nhất, nơi con người cực kỳ khó tiếp cận.

Từng được cho là đã tuyệt chủng, khỉ đột sông Cross bất ngờ được phát hiện trở lại vào thập niên 1980. Các nhà bảo tồn tin rằng đang còn khoảng 100 cá thể ở Nigeria, và một quần thể khác với số lượng có thể lên tới 300 con ở khu vực biên giới nước này với Cameroon, nơi có núi non và rừng rậm kết hợp.

 Bẫy ảnh phát hiện 6 con khỉ đột sông Cross, trong đó có những con non - tín hiệu tích cực cho thấy loài này có thể đang phục hồi. Ảnh: AP.

Bẫy ảnh phát hiện 6 con khỉ đột sông Cross, trong đó có những con non - tín hiệu tích cực cho thấy loài này có thể đang phục hồi. Ảnh: AP.

Những hình ảnh này là dấu hiệu rõ ràng nhất gợi ý rằng khỉ đột sông Cross đang hồi sinh, theo ông Inaoyom Imong, giám đốc dự án phục hồi sinh cảnh của loài này của WCS ở Nigeria.

"Cực kỳ thích thú khi nhìn thấy nhiều con khỉ đột sông Cross trẻ tuổi - dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy những con khỉ đột này giờ đã được bảo vệ tốt và sinh sản thành công sau nhiều thập kỷ bị săn bắt trước đó", ông Imong nhận định.

Mặc dù những hình ảnh này khiến các nhà bảo tồn cảm thấy rất vui, ông Imong cho rằng vẫn cần tăng cường các biện pháp bảo vệ cho khỉ đột sông Cross.

"Mặc dù các thợ săn trong khu vực không còn nhắm vào khỉ đột, mối đe dọa từ việc săn bắt vẫn còn, và chúng ta vẫn cần tiếp tục tăng cường sự hiệu quả trong các nỗ lực bảo tồn khỉ đột sông Cross", ông Imong nói thêm.

Một nhóm gồm 16 nhân viên bảo vệ, xuất thân từ các cộng đồng địa phương ở khu vực xung quanh, được WCS hỗ trợ để tuần tra hàng ngày ở khu bảo tồn nhằm bảo vệ khỉ đột và các loài động vật hoang dã khác.

Ông Otu Bernard Eban, tộc trưởng của bộ lạc Abo tại địa phương, cho biết nghèo đói và thiếu nhận thức là thách thức đối với việc bảo tồn các loài động vật bị đe dọa ở khu vực vốn rất đa dạng sinh học này.

"Nhìn thấy những con khỉ đột đã làm sống lại niềm hy vọng của tôi", ông Eban chia sẻ.

Tộc trưởng kêu gọi giới chức siết chặt hơn nữa luật pháp địa phương dể bảo vệ khỉ đột sông Cross ở vùng núi Mbe.

Bẫy ảnh chụp được báo tuyết siêu hiếm Các nhà động vật học đã sử dụng camera có cảm biến chuyển động để quay những con báo tuyết đang rình mò quanh một khu vực đi bộ đường dài nổi tiếng ở Kazakhstan.

Quốc Thăng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bay-anh-lan-dau-chup-duoc-loai-khi-dot-hiem-nhat-the-gioi-post1104956.html