Bé trai đến ''tuổi nổi loạn'', luôn nghĩ tới cái chết và hận bố, nhờ 2 câu nói này mà thay đổi cuộc đời
Khi cảm thấy thất bại trong việc giáo dục con, bố mẹ hãy nghĩ tới việc thay đổi bản thân mình trước.
Mỗi đứa trẻ từ nhỏ đến khi trưởng thành đều trải qua rất nhiều giai đoạn, từ khủng hoảng tuổi, thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì... Dù người lớn đã từng là trẻ con, từng trải qua hết những giai đoạn ấy, thế nhưng cùng với sự thay đổi của xã hội và cuộc sống, khoảng cách phân biệt giữa các thế hệ ngày càng xa. Vì điều này mà giữa phụ huynh với con cái xảy ra những sự khác biệt trong suy nghĩ, dẫn tới mối quan hệ trong gia đình ngày một đi xuống.
Mới đây, chị Phạm Hải Linh (40 tuổi, sống tại Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện của con trai lớn (15 tuổi) khiến nhiều ông bố, bà mẹ cảm thấy đồng cảm. Do sai lầm trong cách giáo dục con ngay từ đầu mà chị Linh và chồng đã không thể kiểm soát cậu bé. Thế nhưng, cuối cùng bà mẹ trẻ đã tìm ra một cách giúp con và cũng giúp chính bản thân mình.
Đối đầu, sẵn sàng đánh trả khi bị bố đánh
Mình đã dạy con sai suốt 13 năm. Mãi đến khi em có em bé thứ 3, mình mới biết kiến thức nuôi dạy con khoa học. Con trai đầu của mình năm nay 15 tuổi và mình nuôi bé hoàn toàn dựa vào bản năng. Riêng bé út, mình áp dụng giáo dục sớm từ khi bé còn trong bụng.
Nhờ việc tìm hiểu về giáo dục sớm mà mình đã biết đến những kiến thức nuôi dạy con khoa học. Càng biết nhiều mình càng thấy có lỗi với 2 con đầu, bản thân luôn nỗ lực tìm giải pháp để bù đắp cho con. Tuy nhiên vì đã sai trong suốt 13 năm dạy con nên đến khi mình nhận ra điều này thì con đã lớn và tới tuổi nổi loạn. Con không còn nghe lời bố mẹ nữa mà chống đối.
Đỉnh điểm là năm con học lớp 9 vừa rồi, con chống đối không học suốt hơn 1 học kỳ. Con đối đầu với bố, sẵn sàng đánh trả khi bị bố đánh.
Con hận bố vì trong 1 lần bố ở cùng phòng với con lúc con học, nghe câu được câu chăng bố đã hiểu lầm và đánh con trước camera cả lớp chứng kiến. Con hận bố đến mức ở đâu có mặt bố ở đó không có mặt con.
Luôn nghĩ tiêu cực và muốn kết thúc cuộc đời
Con nóng tính, không kiểm soát được cảm xúc tới nỗi có lần khi cãi nhau với em con đã định rút dao dọa em con. Trong đầu con hoàn toàn là những suy nghĩ tiêu cực, bất mãn.
Có lần khi mình nhắc nhở con dọn bàn học, con không làm ngay, mình gia hạn thời gian: "Sau 21h con không dọn thì mẹ sẽ cho tất cả đống hổ lốn trên bàn vào túi...". Sau đó con vùng dậy, chạy sang phòng kế bên lục lọi gì đó, tay cầm 1 cái dây đeo cặp máy tính rồi nhảy lên cửa sổ, vắt dây đó lên cửa ngang bằng inox.
Mình nhìn thấy hỏi giật giọng "con làm gì đó?" thì con nói "Con muốn chết quách đi cho xong, ở nhà này con chỉ là đồ bỏ đi, là trung tâm rắc rối. Vậy con sống để làm gì? Vì con mà bố với bà cãi nhau, vì con mà bố mẹ cãi nhau. Con không muốn sống nữa!".
Tất cả những hình ảnh đó ám ảnh mình, lúc nào cũng chỉ lo con nông cạn mà làm liều.
Bố mẹ nhận ra lỗi lầm sau 13 năm
Quá hoang mang trước sự nổi loạn này, mình đã cố gắng tìm mọi giải pháp để giúp bé. Cho đến khi mình nhận ra bản thân vợ chồng mình sai trước, sai từ đầu tới cuối trong cách dạy con. Thay vì cứ chờ đợi con thay đổi thì mình nhận ra bản thân bố mẹ phải là người thay đổi trước. Mình trình bày quan điểm với chồng và anh đồng ý buông xuống những nỗi lo lắng của mình với con để giữ trạng thái tinh thần vui vẻ.
Sau đó, chúng mình ngồi nói chuyện với con như những người trưởng thành về quan điểm sống mới:
"Từ hôm nay bố mẹ sẽ tôn trọng mọi lựa chọn của con, chỉ cần con vui là bố mẹ vui. Mục tiêu của bố mẹ bây giờ là làm thế nào để các con vui, làm thế nào để gia đình được vui. Còn mọi thứ khác không quan trọng.
Con không học cũng được, vì con đường thành công không phải chỉ có duy nhất 1 con đường. Dù con có học giỏi cỡ nào mà con không thấy vui, thấy hạnh phúc thì sự thành công ấy cũng không trọn vẹn và trở thành vô nghĩa...".
Thế và sau buổi nói chuyện đó con đã ngồi vào bàn học và liên tục được cô giáo khen tiến bộ nhanh. Và sau gần 1 tháng thay đổi con đã thi đỗ vào cấp 3 nguyện vọng 1 - điều mà không ai dám tin con sẽ làm được.
Khi con thi xong rồi, mình có hỏi "Tại sao ngày trước bố mẹ nói chuyện với con, con không học mà sau cuộc nói chuyện kia con lại học?". Con nói: "Thì con nghĩ giờ mà mình không học, không đỗ cấp 3 thì không có cơ hội học tập nữa nên con học. Còn trước đó con cũng biết vậy nhưng trong đầu con lúc nào cũng văng vẳng những câu mắng chửi của bố nên con chán, không học được".
''Vậy đó, đôi khi giải pháp tưởng không đơn giản mà lại đơn giản không tưởng. Chúc các bố mẹ luôn bình an trên hành trình dạy con!'', chị Linh nhắn gửi.