Bền bỉ giữ nghề

Kết tinh của quá trình lao động sáng tạo và cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, các sản phẩm đan lát thủ công đa dạng của người Mường không chỉ phục vụ nhu cầu của đời sống mà còn chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, những sản phẩm đan lát truyền thống dần vắng bóng, những người Mường thành thạo nghề đan lát giờ cũng chỉ còn rất ít...

Ông Mai dùng kim nhợ đan phần lưới của chiếc xa xúc cá.

Ông Mai dùng kim nhợ đan phần lưới của chiếc xa xúc cá.

Từ xa xưa, khi cuộc sống của người Mường chủ yếu bám vào núi rừng, nương rẫy, tự cung tự cấp, nghề đan lát đã xuất hiện và dần trở nên phổ biến. Tận dụng nguyên liệu tự nhiên từ cây tre, nứa, vầu, mây... bằng kỹ thuật đan lát thủ công “cha truyền con nối” từ đơn giản đến phức tạp, cầu kỳ, người Mường có thể sản xuất ra nhiều vật dụng đa dạng, từ đồ dùng sinh hoạt, trang trí, đến các phương tiện sản xuất như: Mủng, hông đựng xôi, chiếu cót, giáng, rổ, nia, mẹt, ớp, xa... Những đồ đan xong thường được treo lên gác bếp để hong cho khô, bám khói và bồ hóng cho đến khi đen bóng. Tuy đơn giản, nhưng những sản phẩm đan lát của người Mường đều tiện dụng, bền chắc, chịu được ngấm nước, chống mối mọt, thân thiện với môi trường, có thể dùng nhiều năm không bị hỏng, không chỉ phục vụ công việc trong nhà mà còn có thể mang bán, trao đổi lấy các sản phẩm khác, giúp tăng thu nhập cho gia đình.

Bén duyên với nghề đan lát thủ công được cha ông truyền lại từ khi còn ít tuổi, đến nay khi đã 84 tuổi, ông Hoàng Xuân Mai ở khu Bần 1, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn vẫn bền bỉ giữ nghề truyền thống của dân tộc mình. Ông thường cặm cụi ngồi đan những chiếc xa xúc cá (vợt xúc cá) - vật dụng thường được người Mường xưa và cả ngày nay dùng để bắt tôm, cá ở ao, hồ, sông, suối nhằm kiếm thêm nguồn thực phẩm, cải thiện bữa ăn gia đình. Chiếc xa xúc cá có phần lưới mắt nhỏ hình túi, đáy tròn, miệng rộng, được cạp với phần cán dài uốn thành hình bầu dục. Phần cán này được làm từ thân cây hèo- một loại cây thuộc họ cau với phần thân dẻo dai, sau khi chặt về được đem hơ qua lửa để uốn cong tạo khung cho chiếc xa xúc cá.

Đôi bàn tay nhăn nheo, chai sần nhưng khéo léo của ông Mai cầm những sợi dây nhỏ đặt lên chân rồi lấy bàn tay se lại thành từng sợi to hơn. Se được đến đâu, ông cuốn dây lại đến đó thành bó để dành đan dần. Trước kia, phần sợi đan xa xúc cá thường được người Mường lấy từ vỏ cây mọc trong rừng. Bây giờ, phần sợi này thường được tận dụng bằng loại dây tách ra từ các bao tải đựng gạo loại tốt với ưu điểm bền, dẻo dai, ngâm nước lâu cũng không lo hỏng. Cầm chiếc kim nhợ làm bằng sừng trâu, ông Mai tỉ mỉ, thoăn thoắt đưa tay đan những sợi dây đã se thành phần lưới mắt nhỏ đều tăm tắp.

“Để làm ra một sản phẩm thủ công bền đẹp, người đan phải có kỹ thuật tốt, đặc biệt là phần mắt lưới phải đều. Đan lát dù bằng nguyên liệu gì cũng yêu cầu phải tỉ mỉ, cẩn thận và chịu khó. Ai không kiên trì, khó làm được và khó gắn bó với nghề đan lát được lâu” - Ông Mai tâm sự.

Chiếc xa xúc cá hoàn thiện được người Mường dùng để bắt tôm, cá ở ao, hồ, sông, suối...

Chiếc xa xúc cá hoàn thiện được người Mường dùng để bắt tôm, cá ở ao, hồ, sông, suối...

Là người dày dặn kinh nghiệm, nắm rõ các kỹ thuật đan, nhưng ông Mai cũng mất 2 - 3 ngày mới có thể hoàn thành một chiếc xa xúc cá. Mỗi tháng, ông làm được khoảng 15 chiếc, chiếc nào cũng bền, chắc nên được người dân quanh vùng ưa chuộng, làm xong đến đâu là được đặt mua hết đến đó. Ngày nay, cuộc sống của người Mường ngày càng phát triển, các sản phẩm công nghiệp được bày bán sẵn không ngừng “du nhập” vào từng căn bếp, từng gia đình người Mường. Hơn nữa, tuổi cao, sức yếu, thu nhập từ nghề không cao, nhưng ông Hoàng Xuân Mai vẫn vẹn nguyên tình yêu với nghề đan lát của cha ông, ngày ngày miệt mài gìn giữ, phát huy nghề truyền thống để nối tiếp nét đẹp từ xa xưa đến nay.

Cẩm Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ben-bi-giu-nghe-220292.htm