Bên trong công quốc nhỏ nhì thế giới, giàu nhì hành tinh
Dù chỉ có diện tích nhỏ thứ 2 thế giới, Monaco là nơi cư trú của nhiều tỷ phú và triệu phú với những chiếc Ferrari cùng Lamborghini chạy khắp mọi nơi.
Monaco là một trong những quốc gia nhỏ nhất và giàu có nhất trên thế giới. Nằm gần Nice (Pháp) và cách biên giới Italy vài dặm, công quốc này có dân số khoảng 38.000 người.
Với ít nhất 199 người nắm giữ khối tài sản trị giá 30 triệu USD, cứ 10 người tại Monaco thì có gần 7 người là triệu phú, theo báo cáo của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank.
Không dừng lại ở đó, số lượng triệu phú và tỷ phú cư trú tại Monaco ngày càng gia tăng. Trong số này bao gồm người thừa kế kiêm nhà thiết kế thời trang Tatiana Santo Domingo - được xướng tên là cư dân giàu nhất năm 2019 - với khối tài sản ròng khoảng 2 tỷ USD, theo CNN.
Vậy cuộc sống thực sự tại “sân chơi” của những người giàu này sẽ như thế nào?
Lối sống xa hoa
Nữ doanh nhân công nghệ người Italy - Manila Di Giovanni - sống tại quốc gia nhỏ bé này từ năm 2018, chia sẻ ban đầu cô có những “định kiến thường thấy” về Monaco khi mới đến. Hồi còn là sinh viên, cô cảm thấy khó khăn trong việc "tìm cách làm quen và hòa nhập".
“Đó là môi trường khá chọn lọc”, Di Giovanni nói. “Nếu bạn chưa là một phần của nó, bạn cần thời gian để thích nghi với xã hội thực tế ở đây. Những năm đầu tiên của tôi rất khó khăn”.
Tuy nhiên, Di Giovanni, người sáng lập và giám đốc điều hành của nền tảng thực tế ảo DWorld, cho biết cô nhận thấy mọi việc dễ dàng hơn khi rời trường đại học và bắt đầu xây dựng sự nghiệp. Hiện tại, cô cảm thấy Monaco như ngôi nhà thứ hai.
“Tôi nghĩ rằng Monaco thực sự là trung tâm của nhiều cơ hội”, Di Giovanni cho biết. “Bởi mặc dù đây là quốc gia tương đối nhỏ, những người có ảnh hưởng nhất định từ khắp nơi trên thế giới đều đến Monaco ít nhất một lần/năm”.
“Vì vậy, nếu bạn tìm được con đường của mình trong hệ thống này, bạn có thể phát triển mạnh mẽ”, cô nói.
Marcela de Kern Royer, cư dân Monaco gốc Guatemala, bày tỏ sự yêu thích với lối sống ở đây. Cô nhấn mạnh việc sống giữa những người rất giàu và thành công giúp cô không ngừng nỗ lực.
Dù vậy, cô thừa nhận bản chất “lộng lẫy" của Monaco khiến cô đôi khi cảm thấy không thoải mái khi ra ngoài mà ăn mặc giản dị, xuề xòa.
“Đôi khi bạn không muốn rời khỏi nhà nếu như không trang điểm”, De Kern Royer, chuyên gia tư vấn du thuyền tại công ty tư vấn Onboard Monaco, chia sẻ.
Tấc đất tấc vàng
Việc sở hữu một địa chỉ ở Monaco được cho là rất tốn kém. Trong báo cáo năm 2022 do công ty bất động sản toàn cầu Savills công bố, giá trung bình mỗi mét vuông ở công quốc này lần đầu tiên đạt mức 50.000 euro (khoảng 70.500 USD) vào năm 2021.
Trong khi đó, giá cho thuê bình quân mỗi tháng là 91,08 euro (khoảng 98,85 USD) mỗi mét vuông.
"Trong một khoảng thời gian dài, đây là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới", Edward de Mallet Morgan, trưởng bộ phận kinh doanh nhà ở quốc tế siêu cao cấp tại Knight Frank, nói.
"Xét đến việc chỉ có diện tích 2,2 km2 nhưng có tới 38.000 người - đây là nơi mật độ dân số rất đông trong khi cư dân rất giàu có, vì vậy giá bất động sản tiếp tục tăng", ông cho hay.
Không gian khá hạn chế nên những ngôi nhà ở đây có thể nhỏ hơn so với mong đợi của nhiều người.
De Kern Royer, người chuyển đến Monaco khoảng 17 năm trước, coi không gian nhỏ hẹp là "sự đánh đổi" để sống trong một quốc gia độc đáo và hấp dẫn như vậy.
"Ở đây, bạn chỉ có thể có căn hộ nhỏ với giá của một biệt thự ở Beverly Hills”, cô nói. “Sống ở đây đắt đỏ, nhưng đó là cái giá cho sự riêng tư và an toàn".
Tỷ lệ tội phạm thấp
Vấn đề an toàn dường như là yếu tố quan trọng tô điểm cho sự hấp dẫn của quốc gia nhỏ bé này. Monaco có tỷ lệ tội phạm rất thấp, trong khi số lượng cảnh sát đông đảo so với dân số.
“Tôi nghĩ Monaco là một trong số ít nơi mà mọi người cảm thấy an toàn”, de Kern Royer nói thêm. “Bạn không cần lo lắng về việc bị cướp”.
Nhiếp ảnh gia Valentina Selvaggia de Gaspari, người đã sống ở đây 14 năm, nói rằng an ninh đóng vai trò lớn trong quyết định nuôi dạy con cái của cô ở Monaco.
“Mọi người biết đến Monaco thông qua sự kiện thể thao lớn, qua những tỷ phú sống (ở đó) và cuộc sống về đêm tuyệt vời”, cô cho hay.
“(Nhưng) tôi muốn nói rằng an ninh là một trong những điều tuyệt vời (nhất)”, cô lưu ý một số cư dân thậm chí còn không khóa cửa xe.
Khí hậu ôn hòa ở Monaca cũng là điểm thu hút lớn. Nơi đây được cho là có trung bình khoảng 300 ngày nắng mỗi năm và tuổi thọ thuộc hàng cao nhất thế giới.
Mặc dù coi Monaco là “nhà” và không hề hối hận khi nuôi dạy các con mình ở đây, de Gaspari thừa nhận đôi khi cô tự hỏi liệu việc lớn lên ở nước này có thể dẫn đến cái nhìn có phần sai lệch về thế giới hay không.
“Thế giới không hoàn toàn giàu có như Monaco”, cô nói. “Có lúc tôi hơi sợ rằng chúng (các con cô) sẽ nghĩ cuộc sống ở đâu cũng như thế này”.
Để trở thành cư dân Monaco, người nộp đơn phải thuê hoặc mua bất động sản, đồng thời gửi và duy trì ít nhất 500,000 euro (hơn 542.000 USD) trong ngân hàng đăng ký ở nước này.
Những người như Di Giovanni, de Kern Royer và de Gaspari đều đã trải qua quá trình để trở thành cư dân Monaco, nhưng chưa được cấp quốc tịch Monaco.
Theo quy định của chính phủ, cư dân có thể nộp đơn xin quốc tịch khi đã sống ở công quốc này ít nhất một thập kỷ.
Tuy nhiên, đơn đăng ký phải được Thân vương Monaco Albert II chấp thuận và chỉ một số ít người được cấp quyền công dân mỗi năm.
“Gần như không thể có được một cái. Họ chỉ phát hành khoảng 5 cái một năm”, de Kern Royer nói.