Bệnh uốn ván, bạch hầu và những điều cần biết về vắc xin Td

Từ ngày 10-19/3, toàn tỉnh triển khai chiến dịch Tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) đợt 1 năm 2022 cho trẻ 7 tuổi tại cộng đồng và trẻ học lớp 2. Chiến dịch nhằm tăng tỉ lệ miễn dịch phòng bệnh uốn ván, bạch hầu trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỉ lệ tử vong do bệnh uốn ván, bạch hầu tại các vùng nguy cơ cao.

Tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều Td cho trẻ em ở trường học. Ảnh: TUYẾT MAI

Tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều Td cho trẻ em ở trường học. Ảnh: TUYẾT MAI

Hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Từ năm 2005, Việt Nam loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh và liên tục duy trì thành quả này cho đến nay. Tuy nhiên, hàng năm vẫn ghi nhận khoảng 35 trường hợp mắc uốn ván sơ sinh rải rác ở nhiều địa phương. Ở Phú Yên, năm 2015 và 2016, mỗi năm tỉnh ghi nhận một ca bệnh uốn ván sơ sinh. Trong những năm trở lại đây không ghi nhận ca bệnh mới.

Về bạch hầu, sau nhiều năm liên tục không có ca tử vong do bệnh này, những năm gần đây, hàng năm nước ta đều ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh chủ yếu ở nhóm trẻ lớn (từ 10 tuổi trở lên) và người lớn, trong đó 85% trường hợp mắc bệnh có tiền sử chưa tiêm chủng, chưa tiêm đủ mũi vắc xin hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Phú Yên đã nhiều năm không ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên giáp ranh với Phú Yên thường xuyên ghi nhận ca mắc mới.

Uốn ván, bạch hầu là hai bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm. Bệnh uốn ván do trực khuẩn uốn ván và ngoại độc tố hướng thần kinh của nó gây nên. Bệnh lây qua da và niêm mạc bị tổn thương. Đặc điểm lâm sàng là trạng thái co cứng cơ liên tục và có những cơn giật cứng. Nguồn truyền bệnh uốn ván là đất và các đồ vật bị nhiễm bẩn có nha bào uốn ván xâm nhập vào vết thương kín, vết thương sâu và các vết thương dập nát có môi trường kỵ khí.

Khi nhiễm trùng uốn ván, trẻ dưới 5 tuổi và người lớn tuổi thường diễn biến nặng. Tỉ lệ tử vong cao, từ 30-50%. Biểu hiện điển hình của bệnh uốn ván là co cứng, bắt đầu là cơ nhai (cứng hàm) rồi đến cơ mặt, cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, cơ chi dưới (duỗi), cuối cùng là cơ chi trên (co quắp). Sự co cứng liên tục các cơ toàn thân làm cho bệnh nhân có cảm giác đau nhức. Ngoài ra, người bệnh còn có biểu hiện co giật, cứng toàn thân sau một kích thích (đụng chạm, ánh sáng, tiếng ồn...). Khi co thắt các cơ hầu họng, bệnh nhân khó nuốt; co thắt cơ thanh quản gây nghẹt thở, tím tái, ngừng thở. Uốn ván ở trẻ sơ sinh có tỉ lệ tử vong rất cao.

Bệnh bạch hầu do trực khuẩn bạch hầu gây nên. Đặc điểm lâm sàng của bệnh là tổn thương chủ yếu ở vùng mũi, họng, thanh quản… với những giả mạc kèm theo những biểu hiện nhiễm độc nặng (thường là nhiễm độc thần kinh và viêm cơ tim) do ngoại độc tố bạch hầu. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp (ho, hắt hơi, nói chuyện…) thông qua dịch tiết từ mũi, họng của bệnh nhân; đôi khi có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… bị ô nhiễm mầm bệnh. Đối tượng mắc đa số là trẻ dưới 15 tuổi, nhất là trẻ từ 1-9 tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh cao ở trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Bạch hầu có biểu hiện lâm sàng ở các thể như bạch hầu họng và bạch hầu thanh quản với biểu hiện có giả mạc thường màu trắng ngà hay trắng xám, dính chặt vào niêm mạc ở phía dưới, khi bóc dễ chảy máu, có xu hướng phát triển và lan rộng rất nhanh. Ngoài ra còn có hội chứng nhiễm độc, bệnh nhân lừ đừ, biếng ăn, da xanh, sổ mũi, nổi hạch cổ, hạch góc hàm làm cổ bạnh ra. Đặc biệt, bạch hầu ở thanh quản có những biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong cho trẻ, biểu hiện trẻ khàn tiếng, khó thở và ngạt, khi đó trẻ lịm dần, bất động, tím tái rồi tử vong. Ngoại độc tố vi khuẩn bạch hầu còn gây biến chứng liệt hầu họng làm trẻ khó nuốt, dễ bị sặc, liệt các chi, rối loạn nhịp tim, dễ tử vong vì trụy tim mạch.

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván có hiệu quả nhất. Để phòng bệnh, trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 liều vắc xin phòng bệnh và khi đủ 18 tháng sẽ tiêm thêm một mũi vắc xin DPT4. Riêng để phòng bệnh uốn ván sơ sinh, phụ nữ có thai cần được tiêm đủ liều vắc xin phòng uốn ván.

Củng cố miễn dịch bằng vắc xin giảm liều

Ngoài tiêm chủng vắc xin uốn ván, bạch hầu cho trẻ em, việc triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td sẽ góp phần củng cố miễn dịch của trẻ để chủ động phòng bệnh uốn ván và bạch hầu.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các quốc gia thực hiện lịch tiêm 3 mũi vắc xin uốn ván bổ sung cho trẻ đã được tiêm 3 mũi cơ bản trước 1 tuổi, khi trẻ từ 12-23 tháng, 4-7 tuổi và 9-15 tuổi. Cũng theo WHO, để chủ động phòng bệnh bạch hầu hiệu quả, các quốc gia cần tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu cho trẻ em với lịch tiêm chủng 6 mũi lần lượt là trước 1 tuổi tiêm 3 mũi, lúc 12-23 tháng tiêm mũi 4, lúc 4-7 tuổi tiêm mũi 5 và khi 9-15 tuổi tiêm mũi 6. Các nước nên triển khai vắc xin phối hợp uốn ván - bạch hầu giảm liều thay vì dùng vắc xin bạch hầu đơn giá sẽ giúp phòng hiệu quả hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tại Việt Nam, vắc xin Td chủ yếu được sử dụng để tiêm chủng chống dịch bạch hầu từ nguồn ngân sách địa phương khi xảy ra dịch. Trong năm 2019 đã có 699.560/739.352 trẻ tại 28 tỉnh, thành phố được tiêm bổ sung một liều vắc xin Td, đạt tỉ lệ 94,6%.

Tại Phú Yên, từ năm 2015-2019, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai liên tục đạt chỉ tiêu đề ra (UV2+> 90%). Tỉ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu (tiêm DPT4 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi) toàn tỉnh từ năm 2015-2019 đều đạt trên 96%. Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu năm 2019 đạt 91,6% (16.694/18.222). Có 48 trường hợp phản ứng thông thường, trong đó chủ yếu là sưng đau tại chỗ tiêm 45/48; sốt 5/48; mệt sau tiêm 2/48; không ghi nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Năm 2020, Phú Yên đã tiêm chủng cho 15.476/16.053 trẻ, đạt 96,4%. Ghi nhận 25 trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm: 10 trường hợp sốt dưới 390C, 12 trường hợp sưng đau tại chỗ tiêm, 3 trường hợp có triệu chứng khác. Không ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Vắc xin Td phòng bệnh uốn ván, bạch hầu do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất, được cấp phép lưu hành từ năm 2012. Vắc xin Td có tính an toàn cao, tuy nhiên có thể gặp một số phản ứng thông thường sau tiêm. Các phản ứng này phần lớn thường nhẹ và tự khỏi. Trong chương trình tiêm chủng, có hơn một triệu liều vắc xin Td được sử dụng cho công tác phòng chống dịch song không ghi nhận phản ứng nghiêm trọng sau tiêm.

Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td năm 2022

Chiến dịch tổ chức các điểm tiêm cố định tại trạm y tế xã/phường/thị trấn hoặc tại trường tiểu học; được chia làm hai đợt.

Đợt 1, từ ngày 10-19/3, chiến dịch triển khai tiêm chủng cho tất cả học sinh đang học lớp 2 năm học 2021-2022 (không kể lứa tuổi) và trẻ không đi học (tại cộng đồng, trẻ sinh từ ngày 1/1/2014-31/12/2014).

Đợt 2, dự kiến quý III-IV/2022 (tùy thuộc vào tình hình cung ứng vắc xin), sẽ tiêm chủng cho tất cả học sinh đang học lớp 2 (không kể lứa tuổi) và trẻ không đi học (tại cộng đồng, trẻ sinh từ ngày 1/1/2015-31/12/2015).

Những trẻ đã tiêm vắc xin có chứa thành phần uốn ván hoặc bạch hầu trong thời gian một tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung vắc xin Td và trẻ đã được tiêm vắc xin Td tại tỉnh năm 2019, 2020 sẽ không tiêm vắc xin trong đợt này.

Dự kiến, trong năm 2022 sẽ có 31.488 trẻ em được viên vắc xin Td, riêng trong tháng 3/2022 có khoảng 15.443 trẻ được tiêm.

Trước khi đưa trẻ đi tiêm, cha mẹ cần cho trẻ ăn đầy đủ và thông báo cho nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của con mình, đồng thời thực hiện tốt thông điệp 5K để phòng chống dịch bệnh.

NHẠN NGUYỄN

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/95/271954/benh-uon-van-bach-hau-va-nhung-dieu-can-biet-ve-vac-xin-td.html