Bình Định nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, hướng tới tăng giá trị xuất khẩu

Tỉnh Bình Định hiện có gần 6.000 tàu cá, trong đó gần 1.500 tàu chuyên câu cá ngừ đại dương. Mỗi năm, đội tàu cá đánh bắt được khoảng 1.200 tấn cá ngừ đại dương, nhưng chỉ có 240 tấn cá ngừ đạt chất lượng loại A để xuất khẩu.

Trước đây, Hội hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai (Nhật Bản) đã hỗ trợ ngư dân tỉnh Bình Định chuyển đổi cách đánh bắt cá ngừ từ câu vàng truyền thống sang câu tay, góp phần nâng cao chất lượng cá ngừ. Tiếp tục quy trình này, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định triển khai bước 2, đó là sử dụng hầm bảo quản cá ngừ đại dương ứng dụng công nghệ nano gắn với chuỗi tiêu thụ nông sản.

Cách làm này, thịt cá ngừ đại dương tươi ngon, chất lượng hơn so với hầm bảo quản bằng đá truyền thống, góp phần nâng cao giá trị cá ngừ đại dương Bình Định.

Hầm bảo quản cá ngừ đại dương ứng dụng công nghệ Nano của ngư dân thị xã Hoài Nhơn.

Hầm bảo quản cá ngừ đại dương ứng dụng công nghệ Nano của ngư dân thị xã Hoài Nhơn.

Hầm bảo quản ứng dụng công nghệ nano bảo quản cá ngừ tươi hơn và đưa lên dễ dàng hơn.

Hầm bảo quản ứng dụng công nghệ nano bảo quản cá ngừ tươi hơn và đưa lên dễ dàng hơn.

Vừa trở về bờ sau chuyến biển dài ngày, ngư dân Nguyễn Minh Danh, chủ tàu cá BĐ 97399 ở phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định vui mừng vì 14 con cá ngừ đại dương được thu mua với giá cao hơn so với các tàu cá khác. Sở dĩ cá ngừ mà tàu của ông đánh bắt có giá cao vì chất lượng tốt hơn, do áp dụng cách câu tay theo công nghệ Nhật Bản và bảo quản cá ngừ bằng công nghệ Nano.

Ngư dân Nguyễn Minh Danh cho biết, tàu của ông là một trong số tàu cá được lựa chọn thí điểm sử dụng hầm bảo quản bằng công nghệ nano, liên kết với doanh nghiệp chuyên thu mua cá ngừ. “Theo tôi nó đạt hơn. Con cá mình câu muối bình thường được 8 thì cá đây được 9 hoặc 10, nó phải tốt hơn, đỡ cháy hơn và màu cá được hơn. Giá cả nó phải đạt hơn làm thông thường, 1 tấn hơn khoảng 7 triệu đồng”.

Hiện nay, tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có 14 tàu cá tham gia mô hình thí điểm ứng dụng hầm bảo quản cá ngừ bằng công nghệ Nano. Mỗi hầm bảo quản cá như vậy đầu tư ban đầu khoảng 140 triệu đồng, toàn bộ chi phí được nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ. Mỗi tàu bố trí 3 hầm bảo quản, 1 hầm có dung tích khoảng 4 mét khối, có sức chứa từ 15- 20 con cá ngừ đại dương.

Cá ngừ được đưa lên từ hầm bảo quản dùng công nghệ Nano.

Cá ngừ được đưa lên từ hầm bảo quản dùng công nghệ Nano.

Trước đây, hầm bảo quản cá ngừ truyền thống của ngư dân chỉ cần trữ đá xay. Cá đánh bắt xong bỏ vào hầm, sau đó phủ lên trên 1 lớp đá xay. Cách bảo quản này khiến thời gian cá tươi không lâu. Đối với hầm ứng dụng công nghệ Nano gồm 3 thiết bị là máy tạo khí nitơ, máy tạo bong bóng và máy tạo bọt khí Nano nitơ lắp đặt trên hầm bảo quản cá.

Quá trình vận hành tách khí nitơ thành các phân tử kích thước nhỏ hơn rồi dẫn vào hầm chứa cá, trung hòa với nước biển và đá lạnh. Bọt khí Nano nitơ sinh ra sẽ khử toàn bộ oxy hòa tan trong nước, ngăn quá trình oxy hóa chất béo trong cá, giúp giữ được độ tươi.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, cách bảo quản bằng công công nghệ nano làm cá tươi lâu nên được thu mua với giá cao hơn.

“Khi áp dụng bước đầu cũng hết sức khó khăn nhưng chúng tôi xác định công tác bảo quản cá ngừ đại dương để nâng cao chất lượng để xuất khẩu là vấn đề rất quan trọng. Chúng tôi đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Chi cục Thủy sản tìm hiểu các mô hình để rồi ứng dụng bảo quản cá ngừ đại dương đảm bảo chất lượng sau 15 ngày ở trên biển đạt chất lượng loại 1 hoặc thấp nhất chất lượng loại 2 để đảm bảo giá thành tốt cho bà con" - ông Nguyễn Chí Công chia sẻ.

Chất lượng cá ngừ sau khi doanh nghiệp xẻ thịt và phân loại.

Chất lượng cá ngừ sau khi doanh nghiệp xẻ thịt và phân loại.

Đánh giá kỹ chất lượng từng con cá ngừ để phân loại.

Đánh giá kỹ chất lượng từng con cá ngừ để phân loại.

Tỉnh Bình Định hiện có gần 6.000 tàu cá, trong đó gần 1.500 tàu chuyên câu cá ngừ đại dương. Mỗi năm, đội tàu cá đánh bắt được khoảng 1.200 tấn cá ngừ đại dương, nhưng chỉ có 240 tấn cá ngừ đạt chất lượng loại A để xuất khẩu. Hiện nay, phần lớn tàu câu cá ngừ đại dương ở tỉnh này vẫn đánh bắt cá theo lối truyền thống, công nghệ khai thác, thiết bị bảo quản sau thu hoạch thô sơ khiến phẩm cấp cá ngừ đại dương đạt thấp, chưa tương xứng với giá trị thực. Hầu hết sản phẩm vẫn chỉ dừng lại ở bán đại trà, chưa hướng đến xuất khẩu cá tươi.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương gắn với chuỗi tiêu thụ nông sản là hướng đi lâu dài cho thương hiệu cá ngừ Bình Định.

Theo ông Phúc: “Trong thời gian sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình chuỗi. Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao, trong đó sử dụng công nghệ Nano đối với tàu khai thác cá ngừ đại dương, nâng được chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân cũng như mang lại giá trị con cá ngừ của tỉnh Bình Định”./.

Thành Long/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/binh-dinh-nang-cao-chat-luong-ca-ngu-dai-duong-huong-toi-tang-gia-tri-xuat-khau-post945967.vov