Bình Dương: Khởi nghiệp thành công với dưa lưới
Tham gia trồng trọt từ năm 2013 với việc trồng rau công nghệ cao, song thất bại vì thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật canh tác, anh Nguyễn Hồng Quyết (xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) đã quyết tâm chuyển sang khởi nghiệp với cây dưa lưới.
Sau nhiều lần thử nghiệm và đưa sản phẩm dưa lưới ra thị trường thành công, tháng 11/2016, anh Quyết vận động 8 thành viên khác thành lập HTX Kim Long với vốn điều lệ 2,4 tỷ đồng. Trong quá trình trồng trọt, anh luôn đặt niềm tin vào người nông dân. Thay vì bám đất, anh quyết tâm làm chủ kỹ thuật và chuyên tâm phát triển thị trường.
Chuỗi nông nghiệp công nghệ cao
Là đơn vị điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Phú Giáo, HTX Kim Long đã áp dụng KH-KT, có định hướng đúng trong khâu thị trường nên 8 ha dưa lưới trong nhà kín của HTX đạt chất lượng cao, được công nhận đạt chuẩn VietGAP.
Với vai trò thủ lĩnh, anh Quyết đứng ra lo quy trình kỹ thuật, vật tư và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên HTX nên họ rất yên tâm sản xuất. Cứ 1 ha dưa lưới của HTX trung bình mỗi năm thu được 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, khoảng 2,5 tỷ đồng/ ha. Vì muốn có bước đi vững vàng, tránh tình trạng được “mùa mất giá, được giá mất mùa”, anh Quyết không tổ chức sản xuất ồ ạt mà cân đối nguồn cung - cầu để bảo đảm hiệu quả sản xuất cho thành viên.
Các thành viên trong HTX đều là những người giỏi canh tác. Bằng kỹ thuật HTX đưa ra, các hộ nông dân đã áp dụng hiệu quả để mang lại năng suất, chất lượng cao. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước. Hàng năm, HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 200 tấn dưa lưới, doanh thu đạt 9 - 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động, thu nhập bình quân 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Quyết cho biết khi hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần đưa mỗi người về đúng vị trí của mình. Người nông dân có đất, có kinh nghiệm canh tác, HTX có hiểu biết về kỹ thuật, về công nghệ, quản lý về quy trình và phát triển thị trường. “Qua hơn 3 năm hoạt động, tôi thấy rằng mô hình làm việc này rất hiệu quả” - anh Quyết khẳng định.
Hiện, đối tác chính của HTX là Siêu thị Big C, Bách Hóa Xanh và chuỗi siêu thị minimart tại Hà Nội. So với cây trồng khác thì thu nhập từ trồng dưa lưới tính trên 1 ha cho lợi nhuận cao hơn hàng chục lần.
Áp dụng công nghệ cao
Để thành công với mô hình dưa lưới, anh Quyết cho biết sản phẩm của HTX phải bảo đảm tuân thủ quy trình kỹ thuật và đặc biệt phải bảo đảm chất lượng, an toàn, giữ vững niềm tin đối với khách hàng. Dưa lưới là loại cây khó tính, dễ mẫn cảm với thời tiết, côn trùng gây hại nên cần được chăm sóc tỷ mỷ, cẩn thận.
Dưa lưới của HTX được trồng bằng cách áp dụng công nghệ cao, trong nhà màng theo công nghệ Israel. Xung quanh nhà màng có lưới ngăn côn trùng gây hại từ bên ngoài vào, trong nhà gắn quạt đối lưu tạo điều kiện dung hòa nhiệt độ cho dưa phát triển, còn mái bằng nhựa chuyên dùng có khả năng che mưa, gió.
Hiện nay, cây dưa được HTX trồng trong các bầu giá thể tơi xốp, nhiều dinh dưỡng, được đặt trên những viên gạch trên vải địa, không tiếp xúc với máng thu nước thải dư, cách ly tuyệt đối giữa các bầu.
HTX sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt capinet và châm phân ventury, thiết bị hẹn giờ, nguồn nước sạch, nước được dẫn qua hệ thống ống từ máy tưới đến tận gốc dưa theo đúng mức độ nhu cầu của cây; phân bổ số lần tưới trong ngày theo tuổi cây, theo điều kiện thời tiết. HTX chú trọng dùng các chất hữu cơ và các sản phẩm sinh học để bảo đảm sức khỏe cho người lao động và khách hàng.
Từ mô hình của HTX Kim Long, ông Tô Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, nhận định thời gian qua, các HTX, tổ hợp tác đã góp phần xây dựng và hình thành nhiều mô hình kinh tế mới, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế hợp tác, HTX phát triển, huyện đã và đang chủ động nâng cao năng lực điều hành, quản lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, đồng thời dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích các HTX, tổ hợp tác.