Bình Dương: Tập trung 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 27-3 Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội nghị lần thứ 33 - khóa XI (mở rộng). Hội nghị đã tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị quý I-2024; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II-2024.

 Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Thúc đẩy tiến độ Quy hoạch tỉnh, giải ngân đầu tư công

Theo đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, tác động tiêu cực trực tiếp đến tăng trưởng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, phá sản ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, việc làm, thu nhập của người lao động, nhưng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, cùng sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã thực hiện đạt mức cao nhất các nhiệm vụ đề ra trong quý. Trong đó đã tập trung chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với tinh thần "không để ai không có Tết".

Dưới sự điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh, các đại biểu đã thảo luận về kết quả cụ thể tại từng sở, ban ngành, địa phương và phương hướng, giải pháp triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Thông tin về tiến độ Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng chí Lai Xuân Đạt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Quy hoạch tỉnh đã đi tới gần cuối chặng đường. Ngày 11-3-2024, Hội đồng thẩm định Trung ương đã đánh giá cao bản Quy hoạch tỉnh, nhất trí thông qua hồ sơ Quy hoạch tỉnh có chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện. Nhìn chung, Hội đồng đánh giá Quy hoạch tỉnh Bình Dương cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về bảo vệ môi trường.

 Đồng chí Lai Xuân Đạt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Lai Xuân Đạt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tiếp tục triển khai các công việc cần thực hiện trong thời gian tới để Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch. Dự kiến hoàn thành các công việc trong tháng 6-2024 và tổ chức công bố Quy hoạch.

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng điểm trong năm 2024, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn. Nổi bật trong quý I-2024, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị lớn về đầu tư công nhằm thúc đẩy triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.

Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là 22.000 tỷ đồng, trong đó vốn tỉnh huy động bổ sung tăng so với số vốn Trung ương giao là 8.071 tỷ đồng. Giải ngân quý I-2024 là 1.542 tỷ đồng, đạt 7% kế hoạch vốn tỉnh giao (cùng kỳ đạt 5%) và đạt 11,1% kế hoạch vốn Trung ương giao.

Về việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch UBND TP. Thuận An cho biết, thành phố đang tập trung ráo riết công tác giải phóng mặt bằng để thi công các công trình: Đường Vành đai 3, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13. Dự kiến trung tuần tháng 5-2024 sẽ tiến hành di dời lưới điện trên Quốc lộ 13; cuối tháng 5 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đoạn từ cầu Ông Bố đến Vĩnh Phú. Hiện còn một số vướng mắc trong đền bù đối với một số doanh nghiệp và triển khai Khu tái định cư An Thạnh, Chủ tịch UBND TP. Thuận An đề nghị các sở ngành hỗ trợ tháo gỡ, đảm bảo tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư triển khai các dự án.

 Đồng chí Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch UBND TP. Thuận An báo cáo công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch UBND TP. Thuận An báo cáo công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thành kế hoạch vốn được giao, đồng chí Lai Xuân Đạt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư trong năm 2024 và năm 2025. Kịp thời bổ sung nguồn vốn từ Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn năm 2024-2025 và định hướng đến năm 2030 để cân đối, bố trí cho các công trình trọng điểm. Thực hiện cắt giảm dự toán chi thường xuyên để dành cho đầu tư, trước mắt là cắt giảm 5% dự toán chi năm 2024 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm, giãn hoãn tiến độ các dự án chưa cấp thiết để điều chuyển vốn cho các công trình trọng điểm. Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất về thủ tục, mặt bằng, vật liệu, nhân công,… nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi triển khai thực hiện dự án trong thời gian sớm nhất, không để dồn vào cuối năm.

Đảm bảo công khai, chặt chẽ và minh bạch trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực, uy tín, phù hợp với đặc thù của từng dự án.

Tạo đột phá về thể chế chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực

Theo đánh giá, năm 2024, tình hình thế giới, khu vực dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tập trung chỉ đạo, đôn đốc tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Bí thư yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất về thể chế, chính sách, nhất là các nhóm chính sách tác động vào kinh tế như chính sách di dời các cơ sở sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp từ phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc; xây dựng tiêu chí phát triển công nghiệp sinh thái, công nghệ cao.

Thứ hai về hạ tầng, đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông liên vùng, nội vùng và hạ tầng giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ.

Thứ ba về nguồn nhân lực: Có chính sách thu hút nguồn nhân lực; xã hội hóa; tăng cường hợp tác ba nhà trong liên kết đào tạo nguồn nhân lực. Bí thư yêu cầu, ba khâu đột phá này phải được triển khai quyết liệt, có sự chuyển biến thực sự trong quý II và những tháng tiếp theo của năm 2024.

UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Trung ương, nhanh chóng hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị.

Bên cạnh đó, tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn về thẩm định giá đất để phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và giao đất cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Thực hiện Đề án “Cây xanh đô thị”.

Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024. Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm: Vành đai 3; Vành đai 4; cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, quyết tâm hoàn thành trong năm 2024; đường kết nối ven sông Sài Gòn; Trường Chính trị chuẩn; Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch; Khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc…

Song song đó, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tập trung cho hộ nghèo, người yếu thế và công nhân lao động. Xây dựng các chính sách thu hút giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo; Thể dục thể thao; triển khai Kế hoạch sắp xếp, di dời cụm cơ sở Y tế trên đường Yersin, TP. Thủ Dầu Một và Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào nơi làm việc mới.

Tiếp tục chú trọng công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và thành phố thông minh. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo tiến độ Đề án camera giám sát an ninh giao thông; tiến tới xây dựng Trung tâm chỉ huy, xử lý tình huống tại Công an tỉnh.

Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chuẩn bị công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, nhất là công tác lựa chọn nhân sự, cán bộ cho nhiệm kỳ mới.

Bí thư Tỉnh ủy mong muốn HĐND, UBND tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tăng cường phối hợp, xử lý công việc rõ người, rõ việc, rõ thời gian, tăng cường thanh tra công vụ. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động, phong trào, hướng mạnh về cơ sở. Từng cấp, từng ngành phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nắm chắc tình hình, không buông lỏng lãnh đạo, quản lý.

Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng, với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, Bình Dương sẽ tiếp tục tăng tốc, bứt phá, vững vàng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Cũng tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua Tờ trình về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khu đô thị Bắc An Tây (Bến Cát) và Tờ trình về việc thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.

Kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng quý I-2024

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,87% so với cùng kỳ 2023 (quý I-2023 tăng 3,27%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 81.177 tỷ đồng, tăng 12,52% so với cùng kỳ 2023 (quý I-2023 tăng 11,5%).

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa có tín hiệu khả quan, đơn hàng mới tăng ở các ngành chế biến gỗ, máy móc thiết bị, giày dép, dệt may. Kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ 994 triệu đô-la Mỹ, tăng 16,2% so với cùng kỳ (quý I-2023 giảm 23,0%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 5 tỷ 404 triệu đô-la Mỹ, tăng 6,3% so với cùng kỳ (quý I-2023 giảm 14,3%).

Ước thu ngân sách 18.825 tỷ đồng, đạt 29% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và 26% dự toán HĐND tỉnh, bằng 99% cùng kỳ.

Thu hút 158,3 triệu đô-la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng, bằng 36% so với cùng kỳ và 14.063 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước (tăng 30,4% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 67.299 doanh nghiệp có vốn trong nước với tổng vốn 741.000 tỷ đồng và 4.255 dự án với tổng vốn là 40 tỷ 541 triệu đô-la Mỹ.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 31.426 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ (quý I-2023 tăng 7,1%).

An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Hoàn thành công tác giao quân năm 2024 đảm bảo số lượng, chất lượng được giao.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo kiện toàn đội ngũ cán bộ; rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ tới. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng được quan tâm thực hiện. Đã kết nạp mới 300 đảng viên, đạt 14% so với Nghị quyết năm 2024.

Nguồn: Phương Chi/binhduong.gov.vn

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/binh-duong/binh-duong-tap-trung-3-dot-pha-chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-20701