Bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, năm nay nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu nhằm góp phần bình ổn thị trường tại địa phương.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, có thời gian triển khai từ cuối tháng 12/2023 đến tháng 3/2024. Dự kiến mức dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá theo kế hoạch của các đơn vị tham gia trị giá khoảng 391,2 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là Chi nhánh Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận với 253,9 tỷ đồng. Đối với Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận có mức dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường khoảng 30 tỷ đồng. Kế đến là Siêu thị Co.opMart Phan Thiết (51,4 tỷ đồng), Siêu thị Co.opMart La Gi (31,5 tỷ đồng), Siêu thị Co.opMart Phan Rí Cửa (13 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tùng Loan (10 tỷ đồng), Chi nhánh Công ty CP Lương thực Nam Trung Bộ (1 tỷ đồng)… Riêng Trung tâm Dịch vụ miền núi năm nay sẽ chi tạm ứng cho hệ thống 11 cửa hàng, 5 đại lý trực thuộc đóng chân tại 11 xã thuần và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép trên địa bàn Bình Thuận. Qua đó chủ động mua hàng hóa bán phục vụ Tết Đầu lúa và Tết Nguyên đán với số tiền dự kiến từ 30 - 50 triệu đồng/đại lý, cửa hàng.
Hàng Tết được bày bán tại Siêu thị Co.opMart Phan Thiết (Ảnh minh họa).
Mặt hàng dự trữ bán bình ổn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chủ yếu gồm: Gạo tẻ, gạo nếp (trị giá khoảng 7,8 tỷ đồng), sản phẩm ăn liền như mì gói, phở gói, cháo gói (khoảng 31,2 tỷ đồng), dầu ăn (8,8 tỷ đồng), đường ăn (4,7 tỷ đồng), sữa hộp các loại (16,8 tỷ đồng), thịt gia súc - gia cầm (hơn 24 tỷ đồng). Hay như thực phẩm chế biến (63,3 tỷ đồng), rau củ quả (6,6 tỷ đồng), bánh kẹo, mứt gói quà chưng tết (gần 140 tỷ đồng), bia, nước ngọt, nước giải khát, nước uống đóng chai (66,4 tỷ đồng). Ngoài ra còn có nước mắm, nước tương (7,8 tỷ đồng), bột ngọt, hạt nêm (9,9 tỷ đồng) và một số mặt hàng khác như trứng gia cầm, gia vị, muối ăn (khoảng 5 tỷ đồng)...
Theo yêu cầu, hàng hóa tham gia bình ổn thị trường dịp tết phải bảo đảm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm và đáp ứng đầy đủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Còn với giá bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ thấp hơn từ 5 - 10% so giá thị trường tại cùng thời điểm của sản phẩm có cùng quy cách, chất lượng… Được biết khi tham gia, các đơn vị cũng có một số quyền lợi như được hỗ trợ vay vốn lưu động thông qua ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi thấp hơn mức lãi suất cho vay kinh doanh tại thời điểm thực hiện chương trình để dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn hàng theo kế hoạch…
Ngoài việc bán hàng hóa trực tiếp tại những điểm bán cố định thì đơn vị tham gia chương trình sẽ tổ chức bán hàng lưu động tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đồng thời bố trí các mặt hàng bình ổn ở vị trí thuận tiện, riêng biệt nếu bán cùng với hàng hóa khác và thực hiện niêm yết giá bán cho từng sản phẩm…
Ngoài các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình bình ổn thị trường, kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của UBND tỉnh còn khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tự nguyện tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn (nhưng không nhận hỗ trợ tín dụng ưu đãi) với cam kết phải thực hiện theo đúng quy định đề ra.