Bình yên từ những mái nhà ở Mường Nhé
Thực hiện Kế hoạch số 87-KH/TU ngày 4-10-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên về hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo huyện Mường Nhé, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên là một trong những lực lượng nòng cốt đi trước về sau giúp dân. Với những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia nhiệm vụ, đó là niềm vinh dự, trách nhiệm để nỗ lực vượt nắng, thắng mưa, mang lại niềm vui cho dân bản.
Ngồi trong căn nhà mới 3 gian, kết cấu bằng khung thép, lợp mái tôn chắc chắn, ông Giàng Trùng Vàng, 78 tuổi, ở bản Huổi Chạ 1, xã Nậm Vì vẫn nghĩ mình “đang nằm mơ”. Chỉ tay sang mái nhà tre dột nát, nằm dưới chân núi trơ trọi, ông Vàng cho biết: “Cả đời tôi vất vả, ăn còn chưa đủ nói gì đến chuyện làm nhà! Nay được Nhà nước làm cho cái nhà kiên cố, thật là mừng, thật là vui…”.
Bản Huổi Chạ 2, xã Nậm Vì ai cũng thương xót cho hoàn cảnh "gà trống nuôi con" của anh Ly A Dia, 29 tuổi. Vợ anh Dia đột ngột ra đi khi mới sinh hạ đứa con gái được 3 ngày tuổi. Vợ mất, anh một mình nuôi dạy 3 đứa con thơ. Vừa qua, được hỗ trợ xây dựng căn nhà mới, anh Dia rưng rưng: “Từ ngày lấy nhau, vợ chồng tôi sống trong căn nhà dựng bằng cọc tre. Nắng thì nóng mà mưa thì trong nhà như ngoài sân. Nay có nhà mới rồi, tôi sẽ chăm các con thật tốt”.
Ông Vàng và anh Dia chỉ là hai trong nhiều gia cảnh khó khăn được chương trình dựng nhà mới hỗ trợ trong dịp này. Đây là chủ trương được Bộ Công an phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi phát động xã hội hóa hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo tại huyện Mường Nhé và được Tỉnh ủy Điện Biên triển khai thực hiện. Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ-nhân dân làm nhà”, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên là một trong những lực lượng xung kích, quan trọng, giúp dân làm nhà. Ngay sau khi có quyết định của cấp trên, Bộ CHQS tỉnh xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo và 3 tổ triển khai thực hiện nhiệm vụ làm 82 căn nhà mới tại huyện Mường Nhé. Đại tá Mùa A Lồng, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, cho biết: “Chúng tôi xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và lựa chọn lực lượng là những cá nhân có kỹ năng về xây dựng, trách nhiệm, biết khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.
Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có mặt tại huyện Mường Nhé khi các anh đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để bàn giao các ngôi nhà còn lại. Tại bản Huổi Chạ 1, 12 giờ trưa, nắng nóng như thiêu như đốt, tốp 5-7 người thuộc tổ hàn xì vẫn không nghỉ tay để kịp tiến độ. Thiếu tá Vũ Tiến Thành, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, chia sẻ: “Mùa này thời tiết bất thường, đang nắng như đổ lửa nhưng có thể dông lốc, lại hay mất điện nên đội tranh thủ làm mọi lúc, mọi nơi. Chuyện ăn cơm muộn, thậm chí buổi tối 19 hay 20 giờ mới nghỉ là thường xuyên". Nghe tiếng xe máy gầm rú từ dưới con dốc, anh Thành cho biết đó là chiếc xe tiếp cơm hộp do Trung úy Lò Anh Dũng, Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh đảm nhiệm. Gần 5 tháng trời, trên chiếc xe cà tàng, lủng lẳng treo các hộp xốp đựng cơm, canh… anh Dũng đến tất cả điểm bản, nơi có bộ đội đang làm việc để phát cơm trưa. Anh Dũng cho biết, khổ nhất là hôm mưa to, nước mưa chảy vào thức ăn nhưng không còn cách nào khác. Vì thế, chuyện bộ đội ăn cơm chan nước mưa là không hiếm.
Trực tiếp tham gia từ ngày đầu tiên, Đại tá Mùa A Lồng có thói quen dậy sớm vào mỗi buổi sáng, nhìn bầu trời nhận định thời tiết để triển khai công việc. Theo anh Lồng, mừng nhất là ngày trời khô ráo, nhưng nếu mưa, đoàn cũng không nghỉ mà sẽ tập trung triển khai công việc trong nhà, như: Cắt thép, kẻ vẽ… thậm chí có hôm khoác áo mưa lắp mái tôn. Những khó khăn này không thấm vào đâu so với những ngày đầu các anh đặt chân đến mảnh đất biên giới. Trụ sở chính, nơi ăn ở của gần 50 cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ là những gian phòng gỗ đã xuống cấp của UBND xã Nậm Vì. Không giường, bộ đội dùng các tấm ván mang từ đơn vị vào kê trên 4 viên gạch làm chỗ nghỉ. Khó khăn nhất là nước sinh hoạt nên mỗi ngày, các anh được dùng một can nước mưa để nấu ăn, còn mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào con suối Nậm Vì. Địa bàn xa trung tâm nên để bảo đảm thực phẩm phục vụ bộ đội, bộ phận nấu ăn phải dậy từ sáng sớm đi chợ cách đó 15km. Với tinh thần “đâu cũng là nhà”, các anh đã chủ động tổ chức tăng gia, chăn nuôi để bảo đảm một phần thực phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày.
Không chỉ gặp khó khăn trong đời sống sinh hoạt, việc vận chuyển nguyên vật liệu vào từng bản để thi công cũng chẳng đơn giản, thuận lợi chút nào. Thiếu tá QNCN Tao Văn Kiên, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, nhớ lại: "Đường vào bản đèo dốc, vực sâu hun hút. Vì thế, chỉ sau một trận mưa nhỏ, con đường đất hóa thành bùn lầy nên việc đi lại hết sức khó khăn. Nhiều điểm bản không có điện, tổ công tác phải mang theo máy nổ… Khó khăn chồng chất, lại phải kịp tiến độ nên đòi hỏi ở các anh không chỉ sự nỗ lực cao mà cần có cách làm việc khoa học, hiệu quả. Tuy nhiên, điều rất quan trọng là các anh có được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất tích cực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Bà Pờ Diệu Ninh, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cho biết: "Chương trình xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo ở huyện Mường Nhé là chương trình an sinh xã hội có ý nghĩa và tính bền vững cao. Không chỉ giúp bà con ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế-xã hội mà còn góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn vùng phên giậu nơi cực tây của Tổ quốc. Để đạt được tiến độ như vậy, một phần rất lớn có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đặc biệt là những đóng góp của LLVT trên địa bàn toàn tỉnh".