Bỏ quy định 'buộc thôi học' đối với học sinh, áp dụng các biện pháp giáo dục tích cực
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó bác bỏ quy định 'buộc thôi học'.
Cụ thể theo dự thảo, các nhà trường không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh.
Có ba mức khiển trách, cảnh cáo và "tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm". Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của hội đồng kỷ luật, hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa hai tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.
Việc áp dụng các hình thức kỷ luật trên chỉ áp dụng với học sinh vi phạm kỷ luật nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng và chỉ áp dụng các hình thức này với học sinh trung học. Đặc biệt lưu ý không áp dụng các hình thức phê bình, kỷ luật xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến tinh thần, thể chất học sinh.
Dự thảo nêu thời gian thành lập hội đồng kỷ luật và xem xét, quyết định hình thức kỷ luật học sinh chậm nhất là 10 ngày kể từ khi học sinh vi phạm.
Dự thảo cũng đưa ra các biện pháp kỷ luật tích cực để giáo viên linh hoạt sử dụng trong các tình huống như: Khuyên bảo, động viên, phê bình riêng học sinh có khuyết điểm; Phối hợp với cha mẹ, người giám hộ giúp học sinh thực hiện kế hoạch giáo dục để khắc phục khuyết điểm; Yêu cầu học sinh thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để sửa chữa lỗi đã vi phạm ví dụ làm bù bài tập, chép phạt, thu thập tài liệu liên quan tới chủ đề cần giáo dục học sinh từ các câu chuyện thực tế. Các trường cũng có thể thực hiện giao nhiệm vụ lao động phù hợp cho học sinh mắc lỗi.
Riêng với học sinh vi phạm pháp luật theo quy định của Bộ luật hình sự do cơ quan tiến hành tố tụng xử lý thì tùy từng mức độ cụ thể, dự thảo thông tư cũng có hướng dẫn các trường thực hiện. Mục tiêu chung cũng là tạo mọi điều kiện để học sinh có thể quay trở lại tham gia học tập tại trường. Dự thảo trên cũng quy định việc khen thưởng học sinh với mục đích tạo động lực để học sinh rèn luyện bản thân, chú trọng việc khích lệ quá trình tiến bộ của học sinh so với bản thân.