Bộ trưởng Bộ Công Thương nói về điều hành giá các mặt hàng xăng dầu
Kinhtedothi – Trong năm 2022 và đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công Thương đã thực hiện giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước và thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý trên 600 vụ với số tiền xử phạt khoảng 20 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin tại phiên giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu sáng 28/2.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên giải trình.
Tập trung 7 giải pháp trọng tâm quản lý Nhà nước về xăng dầu
Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 499 của UBTV Quốc hội được ban hành ngày 28/3/2022 đã giao Bộ Công Thương tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Ngay sau đó, Bộ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết, phân giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc; hàng tháng đều có báo cáo rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhằm bảo đảm hoàn thành đúng hạn và có chất lượng các nhiệm vụ được giao.
Về công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trên phạm vi toàn cầu bởi tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường, đặc biệt, cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài cùng với các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã gây đứt gãy, khan hiếm về nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới; giá xăng dầu tăng cao và trồi, sụt thất thường với biên độ lớn, trong thời gian dài, gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sản xuất xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (ở thời điểm đầu năm và cuối năm 2022)... gây khó khăn về nguồn cung trong nước ở một số thời điểm nhất định.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã chú trọng bám sát diễn biến thị trường; chủ động đánh giá, dự báo tình hình và kịp thời có Văn bản số 37 ngày 28/01/2022 báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số giải pháp trọng tâm để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước như: Cho phép Bộ Công Thương linh hoạt lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp nhằm bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới; Đề xuất tăng lượng dự trữ xăng dầu quốc gia và cho phép Bộ Công Thương sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ quốc gia để bù đắp và bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong trường hợp nguồn cung trong nước gặp khó khăn; Đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương đàm phán, thống nhất giải pháp tái cấu trúc tổng thể Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn để bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả; Chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với chi phí phát sinh thực tế…).
Năm 2023, phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các DN ở mức 27,34 triệu m3/tấn
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết: Trong năm 2022 Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ đã ban hành 07 Nghị quyết và gần 200 văn bản gồm: 6 công điện, chỉ thị; 18 quyết định và trên 170 thông báo kết luận, công văn) để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về xăng dầu theo thẩm quyền.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chỉ đạo, điều hành đồng bộ, sát sao của Bộ Công Thương; sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và nhất là sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nên về cơ bản việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước luôn được bảo đảm. Tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).
Năm 2023, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, Bộ Công Thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Kiềm chế tốc độ tăng giá xăng dầu trong nước
Về công tác điều hành giá các mặt hàng xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thời gian qua, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định tại Nghị định 83, Nghị định 95 của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới. Đồng thời, Bộ đã chủ động kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá xăng dầu trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Về thực hiện xử lý vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực lọc hóa dầu, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực chỉ đạo xử lý các vấn đề của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao. Khó khăn chủ yếu hiện nay của Nhà máy là vấn đề tài chính. Để xử lý các khó khăn này, các bên tham gia góp vốn tại Dự án, Nhà máy và các Ngân hàng tài trợ vốn đang tích cực đàm phán để thống nhất phương án tái cấu trúc tài chính phù hợp. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ trì chỉ đạo PVN) trong quá trình triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn của Nhà máy, góp phần duy trì ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia
Về dự trữ quốc gia về xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Bộ đã tích cực triển khai xây dựng Phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và đã 4 lần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan bổ sung, hoàn thiện phương án và trình Thủ tướng Chính phủ lần thứ tư vào ngày 27/12/2022; trong đó đề xuất: Từ năm 2023 - 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.
“Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ; tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối NSNN (hiện nay NSNN mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia)”- Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Để giải quyết khó khăn trên, ngày 17/2/2023, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã tổ chức họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp. Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm NSNN sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa theo quy định tại Quyết định số 1030 ngày 13/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh xăng dầu
Về công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Ngay từ đầu năm 2022, trước hiện tượng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu ở một số địa phương có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm để trục lợi, Bộ đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra để thực hiện thanh tra đồng loạt và toàn diện hoạt động kinh doanh xăng dầu của 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng, dầu trong cả nước nhằm bảo đảm hệ thống cung ứng, kinh doanh xăng dầu trong nước hoạt động ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ đã ban hành 15 công điện, chỉ thị, thông báo kết luận và nhiều công văn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng, kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các tổng đại lý, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Cùng với đó, tăng cường toàn bộ lực lượng thực hiện giám sát 24/24 ở tất cả các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện các cửa hàng ngừng hoạt động và làm việc trực tiếp với chủ doanh nghiệp để xác minh, làm rõ nguyên nhân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng ngừng bán trái quy định. Kết quả, trong năm 2022 và đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường của Bộ đã thực hiện giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước và thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý trên 600 vụ với số tiền xử phạt khoảng 20 tỷ đồng.
Về rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Nhiệm vụ này được Bộ chú trọng chỉ đạo thực hiện ngay từ đầu năm 2022. Sau khi có chỉ đạo chính thức của Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 4/11/2022, Bộ Công Thương đã nỗ lực, khẩn trương triển khai xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 83 và Nghị định 95 của Chính phủ về quản lý kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, đã tổ chức xin ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng chịu tác động nhằm tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các bên có liên quan đối với nội dung dự thảo Nghị định.
“Đến nay, Bộ đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án sửa đổi, bổ sung các Nghị định trên, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: thời gian điều hành giá xăng dầu; quyền nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu (quy định về nguồn hàng, tỷ lệ chiết khấu tối thiểu…); công thức giá xăng dầu; phương thức điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu… bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này” - Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin.