BỘ XÂY DỰNG TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỬ TRI TỈNH QUẢNG BÌNH VỀ VIỆC SỬ DỤNG VẬT LIỆU TÁI CHẾ TỪ CHẤT THẢI RẮN XÂY DỰNG
Vừa qua, thực hiện công tác giải đáp đơn thư của cử tri với nội dung kiến nghị nghiên cứu ban hành quy định cụ thể đối với việc sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời cử tri tỉnh Quảng Bình.
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021 với nội dung kiến nghị ban hành quy định cụ thể đối với việc sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng.
Cụ thể, cử tri tỉnh Quảng Bình cho rằng, Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng nhưng không có quy định cụ thể nào về việc sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng. Quá trình đô thị hóa tăng nhanh nhưng không có quy định về sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng sẽ gây ra quá tải của các bãi đổ chất thải rắn xây dựng và lãng phí nguồn tài nguyên, vì đó là vật liệu tái chế. Vì vậy, cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị ban hành quy định cụ thể đối với việc sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Xây dựng cho biết, Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng đã quy định, hướng dẫn cơ bản về nguyên tắc tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng theo tính chất và đặc điểm, mục đích sử dụng phù hợp nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn xây dựng phải chôn lấp hoặc đổ thải tại các bãi tập kết.
Tại Khoản 1 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, chất thải rắn công nghiệp thông thường được phân loại thành 03 (ba) nhóm khác nhau, bao gồm: Nhóm được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất; Nhóm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng; và Nhóm phải xử lý.
Tại Khoản 12 Điều 3 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP), chất thải công nghiệp là chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó bao gồm chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường. Do đó, chất thải rắn xây dựng được coi là chất thải công nghiệp và được quản lý như chất thải công nghiệp.
Tại Khoản 5 Điều 65 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Xây dựng được giao ban hành quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường (bao gồm có chất thải rắn xây dựng) làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã và đang tổ chức xây dựng, dự thảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật có liên quan đối với việc sử dụng chất thải rắn xây dựng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và các mục đích khác trong các công trình xây dựng làm cơ sở để các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng, góp phần tiết kiệm đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=62654