Bộ Y tế sẽ huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang dập dịch Covid-19

Chiều ngày 25/5, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã họp trực tuyến với Tổ thường trực phòng, chống dịch tại Bắc Giang với sự tham gia của các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế và các thành viên của Tổ.

Tập trung lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nặng

Thông tin nhanh diễn biến dịch, đồng chí Lê Ánh Dương cho biết, tính đến trưa ngày 25/5, toàn tỉnh ghi nhận 1.159 ca mắc. Trong đó, ổ dịch tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu đã có 705 ca nhiễm, nhận định số F0 vẫn tiếp tục tăng, chủ yếu trong số F1 đã được cách ly tập trung.

Tỉnh đã tập trung lấy mẫu xét nghiệm ở những nơi có nguy cơ cao và rất cao, riêng hai huyện Việt Yên, Yên Dũng đã được lấy mẫu toàn bộ người dân và công nhân sinh sống trên địa bàn nhằm sàng lọc, kiểm soát nguồn lây.

Đồng chí Lê Ánh Dương thông tin về tình hình dịch trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lê Ánh Dương thông tin về tình hình dịch trên địa bàn tỉnh.

Về công tác điều trị, hiện tỉnh đã bố trí 12 khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân dương tính, công suất hơn 3 nghìn giường; đã hoàn thành triển khai đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng với một số trang thiết bị y tế hiện đại tại Bệnh viện Phổi và sẽ triển khai thêm tại Bệnh viện dã chiến số 1.

Tuy nhiên, hiện đã có một số trường hợp diễn biến nặng nên tỉnh đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ thêm máy thở, máy lọc máu, máy xét nghiệm đông máu và vật tư, thuốc để điều trị tích cực cho bệnh nhân.

PGS Trần Như Dương trao đổi tại hội nghị trực tuyến.

PGS Trần Như Dương trao đổi tại hội nghị trực tuyến.

PGS Trần Như Dương, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho rằng, việc lây nhiễm cao trong công nhân ở các KCN đã được nhận định từ đầu. Vì vậy, tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng khoanh vùng, áp dụng biện pháp như cách ly tập trung tại chính các địa bàn có mật độ công nhân ở trọ cao để tổ chức sàng lọc, kiểm soát chặt nguồn lây.

Ngoài các khu vực có nguy cơ rất cao ở huyện Việt Yên như: Núi Hiểu (Quang Châu), My Điền (thị trấn Nếnh), Trung Đồng (Vân Trung) cần tập trung xét nghiệm 3 ngày 1 lần, ông Dương nhấn mạnh việc truy vết, phong tỏa ngay khu vực nếu phát hiện ca F0 trong cộng đồng. Đồng thời giám sát toàn diện những trường hợp ho, sốt, cảm cúm ở cộng đồng, lấy mẫu test nhanh để kịp thời sàng lọc, khoanh vùng, kiểm soát.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Đồng chí Nguyễn Trường Sơn thông tin, năng lực xét nghiệm hiện nay tại tỉnh đạt 17 nghìn mẫu/ngày. Với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng y tế các tỉnh, để bảo đảm tổ chức lấy mẫu định kỳ tại những nơi có nguy cơ cao, Bộ sẽ giao Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xây dựng clip hướng dẫn các bệnh viện tuyến huyện tự lấy mẫu, sau đó chuyển lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh xét nghiệm nhằm bảo đảm tiến độ sàng lọc.

Với công tác điều trị, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ sẽ điều động nhóm chuyên gia hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) để hỗ trợ Bắc Giang trong thu dung, điều trị, nhất là với những bệnh nhân nặng.

Kiểm soát nghiêm ngặt các yếu tố nguy cơ để chặt đứt nguồn lây

Kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, tình hình dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh rất nóng, diễn biến phức tạp, chủng virus lần này lây nhanh, mạnh, có khả năng nhân lên và phát tán mầm bệnh trên diện rộng.

Đặc biệt, hình thái lây nhiễm trong KCN, mật độ đông, môi trường khép kín, nhà vệ sinh chung, khu nhà ăn tập trung hàng chục nghìn người nên nguy cơ lây lan rất lớn. Tại Công ty TNHH Hosiden, số ca chuyển từ F1 tới F0 lên đến 55% gồm các ca lây nhiễm từ trước và cả trong khu lưu trú.

Vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã dồn tổng lực, xét nghiệm lượng mẫu rất lớn và phát hiện thêm hơn 300 ca nhiễm. Tất cả trường hợp mắc mới đã nằm trong khu phong tỏa, nằm trong số công nhân làm việc trong các nhà máy đã được cách ly, vì vậy cần tập trung chủ yếu vào việc chặn nguồn lây trong toàn bộ các KCN.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang.

Đánh giá về biện pháp phòng, chống dịch tại Bắc Giang, Bộ trưởng cho biết, Tổ thường trực của Bộ Y tế đã dày dặn kinh nghiệm chống dịch ở TP Đà Nẵng, tỉnh Hải Dương... đang đi đúng hướng qua việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, Bắc Giang phải đối mặt thách thức là số ca tăng và chưa có dấu hiệu giảm trong những ngày tới. Do vậy, Bộ Y tế xác định ưu tiên lớn nhất là dập bằng được ổ dịch tại Bắc Giang.

Về một số biện pháp cụ thể, Bộ trưởng đề nghị bộ phận thường trực của Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh đánh giá thường xuyên nguy cơ dịch bệnh toàn tỉnh, mạnh dạn áp dụng Chỉ thị 16 hoặc cách ly y tế theo thẩm quyền của tỉnh. Với những trường hợp khi phát sinh ổ dịch tại cộng đồng cần thực hiện đúng nguyên tắc truy vết, cách ly, dập dịch nhưng phải truy vết triệt để, không để sót lọt bất cứ F1 nào, tránh hậu quả khôn lường.

Đối với khu vực tập trung số lượng lớn công nhân như: My Điền, Núi Hiểu, Trung Đồng ở huyện Việt Yên cần phải coi đây là vùng cách ly tập trung, áp dụng thiết chế chuẩn về cách ly y tế với khu vực này, tiến hành mở rộng cho khu vực lân cận nếu thấy cần thiết. Tất cả vi phạm về phòng dịch trong khu vực này phải xử lý nghiêm, có như vậy mới khống chế, kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục tổ chức sàng lọc thường xuyên, xét nghiệm 3 ngày/lần; các địa phương tăng cường vai trò của tổ Covid cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để rà soát, sàng lọc nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguồn lây mới.

"Những đợt dịch trước lây theo chuỗi nhưng lần này ngoài lây qua chuỗi, virus còn lây qua không khí trong không gian hẹp, môi trường kín nên nguy cơ lây không chỉ ở trong khoảng cách 2 m. Tinh thần chung là làm “sạch” nguồn bệnh từng bước bằng xét nghiệm, nếu không sẽ rất khó dừng chuỗi lây truyền", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hợp với UBND tỉnh tiến hành xét nghiệm nhanh đối với toàn bộ (khoảng 50 nghìn) người có yếu tố nguy cơ rất cao với tần suất 3 ngày/lần. Sau khi làm hết xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính, 7 ngày sau làm PCR một lần, để đánh giá với mẫu âm tính, từ đó điều chỉnh lại việc áp dụng hình thức xét nghiệm cho phù hợp.

Bộ Y tế sẽ huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang; điều động các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ về công tác hồi sức, điều trị. Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục khảo sát thành lập thêm bệnh viện dã chiến để chuẩn bị cho phương án phát sinh nhiều ca bệnh. Trong hôm nay (25/5), tỉnh phải bắt tay ngay xây dựng kịch bản đề phòng tình huống khó khăn hơn.

Tin, ảnh: Kim Hiếu - Đỗ Quyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/dich-viem-duong-ho-hap-cap-do-ncov/359806/bo-y-te-se-huy-dong-moi-nguon-luc-ho-tro-toi-da-cho-bac-giang-dap-dich-covid-19.html