Bội thu nhờ nuôi heo đặc sản cho ăn củ sắn, rau lang

Dịp Tết Nguyên đán 2024, trại heo đen của gia đình ông Đinh Văn Rơm, ở khu phố 2, thị trấn An Lão, huyện An Lão, tỉnh Bình Định nhộn nhịp người mua bán.

Với nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi heo đen bản địa, ông Đinh Văn Rơm ở khu phố 2, thị trấn An Lão, huyện An Lão, tỉnh Bình Địnhphấn khởi cho biết: Việc chăm sóc heo đen bản địa khá đơn giản, chủ yếu tận dụng các loại thức ăn sẵn có tại địa phương như rau lang, cây chuối, củ sắn mì, bắp, cám gạo.

Heo đen giống bản địa ít bị dịch bệnh, nuôi trong khoảng hơn 7 - 9 tháng có thể xuất chuồng, thông thường heo trưởng thành khi đạt trọng lượng khoảng 30 kg là thịt ngon nhất.

Với đặc trưng của giống heo đen An Lão ít mỡ, thơm ngọt, ngày thường có rất nhiều thực khách tìm về đặt mua để ăn, nên trong dịp tết Nguyên đán này cháy hàng là chuyện bình thường.

Cũng theo ông Rơm, heo đen nuôi thả trong môi trường tự nhiên nên chậm phát triển, bù lại giá thịt tương đối cao khoảng 140.000 – 180.000 đồng/kg. Ông Rơm mới vừa xuất chuồng lứa heo 5 con được 20 triệu, tiền bán heo đủ cho gia đình ông trang trải chi phí sinh hoạt và mua thêm con giống.

Còn ông Đinh Văn Kem, ở thôn 1, xã An Toàn có hơn 5 năm nuôi heo đen, mỗi năm thu về hơn 40 triệu đồng từ tiền bán heo giống và heo thịt.

Ông Kem cho biết: để nuôi heo, tôi đầu tư chuồng trại tại rẫy, xung quanh rào lưới B40 tạo không gian thoáng đãng để heo có thể tự do đi lại. Nguồn thức ăn cho heo được tận dụng như cám gạo, canh cơm thừa và các loại rau, củ, quả, chuối cây có sẵn trong vườn.

Nuôi heo đen, ông Đinh Văn Rơm, ở khu phố 2, thị trấn An Lão, huyện An Lão, tỉnh Bình Định cho ăn củ sắn (mì), rau lang, cây chuối, cám bắp, cám gạo. Ảnh: D.T.D

Nuôi heo đen, ông Đinh Văn Rơm, ở khu phố 2, thị trấn An Lão, huyện An Lão, tỉnh Bình Định cho ăn củ sắn (mì), rau lang, cây chuối, cám bắp, cám gạo. Ảnh: D.T.D

Trại heo nhà ông Kem có 2 con heo nái giống, bình quân 1 con nái đẻ từ 10 - 15 heo con mỗi năm, ngoài bán heo giống ra, ông Kem để nuôi thịt.

"Loại heo này thịt rất nạc, thơm và ngọt nên trong các đợt Tết, thương lái đến tận nhà mua với giá cao gấp 2 - 3 lần so với heo thịt ngoài thị trường. Từ ngày nuôi heo đen, gia đình tôi luôn có thu nhập ổn định, cuộc sống dần đổi thay, đón tết sung túc, đầy đủ hơn", ông Kem chia sẻ thêm.

Được biết, thương hiệu heo đen An Lão đã được nhiều nơi biết đến nên giá trị của heo đen luôn cao hơn các giống heo khác.

Một năm nuôi mấy lứa heo, mỗi hộ dân ở vùng cao An Lão có thể thu được 40-50 triệu đồng. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường Tết tăng cao, ngoài nuôi heo đen, bà con còn đầu tư nuôi thêm heo rừng để có thêm thu nhập mỗi khi tết đến xuân về.

Ông Đinh Văn Lớ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Lão (tỉnh Bình Định) cho biết: Heo đen có chất lượng thịt thơm ngon, hiện đang được thị trường ưa chuộng, nhất là trong các dịp Tết Nguyên đán.

Hội đang đẩy mạnh phối hợp với các ngành chức năng thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi heo đen đặc sản, nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương, từ đó góp phần phát triển kinh tế hộ, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Hội Nông dân huyện An Lão đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, tư vấn cho bà con cách làm chuồng trại, chăm sóc, ngừa dịch bệnh trong quá trình nuôi để giúp mang lại hiệu quả cao.

Riêng năm 2023, Hội đã hỗ trợ, vận động thành 1 chi hội nghề nghiệp, 3 tổ hội nghề nghiệp nuôi heo đen tại xã An Trung, An Dũng và An Hưng; Phối hợp mở 14 lớp tập huấn, dạy nghề nuôi heo đen, heo rừng, nuôi heo thả, nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc,…với 455 nông dân tham gia.

Theo Diệp Thị Diệu/Dân Việt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/boi-thu-nho-nuoi-heo-dac-san-cho-an-cu-san-rau-lang-1959843.html