Bước khởi nghiệp của ông chủ vườn lan An Phú

PTĐT - Chàng trai vóc dáng nhỏ bé, 47 năm trước, rời quê Hà Đông đi làm công nhân đường sắt ở Phú Thọ. Dù công việc này đưa đường dẫn lối ông đến vườn duyên cùng một cô gái Lâm Thao ...

Doanh nhân Nguyễn Bá Toan bên vườn lan.

Doanh nhân Nguyễn Bá Toan bên vườn lan.

PTĐT - Chàng trai vóc dáng nhỏ bé, 47 năm trước, rời quê Hà Đông đi làm công nhân đường sắt ở Phú Thọ. Dù công việc này đưa đường dẫn lối ông đến vườn duyên cùng một cô gái Lâm Thao đẹp mặn mà, nhưng vẫn không đủ sức để giữ chân ông ở lại với nghề sau 9 năm gác ghi, soát vé để bước vào những khúc ngoặt của đời mình trong nỗi lo âu của vợ con, dè bửu của người đời…

Tôi cùng ông Nguyễn Bá Toan ngồi trên tầng 3 quán café Gió Mới phía dưới cầu Bưởi, bên quốc lộ 32C ở khu I thị trấn Hùng Sơn. Nhìn sang bên kia đường là vườn Lan An Phú. Quen biết nhau nhưng chúng tôi chưa có dịp thư thái để chia sẻ chuyện đời như thế này. Trong tiết oi nồng báo hiệu mưa giông một chiều cuối tháng 5, bên ly café không đường, ông Toan kể về những cay đắng mà mình từng nếm trải...
Khi tôi quyết định rời ngành đường sắt, người ta cũng nói ra nói vào ghê lắm. Rằng đang trong Nhà nước, lương tháng tuy không cao nhưng ổn định, lại có chắc cái sổ gạo, bao nhiêu người thèm muốn, họa là người điên thì mới bỏ việc! Vợ con cũng hoang mang, nhưng tôi thì không. Không lo vì tôi đã nhìn thấy con đường rộng mở và đã quá ớn sự nhàm chán của công việc. Tôi bước vào nghề sản xuất ắc quy, bước đầu là lắp ráp các bộ phận, sau tiến tới sản xuất hoàn chỉnh từ A đến Z. Dù có bao trở lực, khó khăn; thậm chí phải bán cả tài sản lớn là chiếc Cup 82-89 đắt đỏ nhất lúc bấy giờ để kéo điện 3 pha về nhà, nhưng tôi đã thành công. Cơ sở của tôi gần Nhà máy Ắc quy Vĩnh Phú, cứ hết giờ làm ở nhà máy, nhiều tay thợ giỏi, có cả kỹ sư, cũng sang bên tôi làm thêm. Nguyên liệu tốt, làm đúng quy trình, ắc quy của tôi chạy bền, dù bán giá cao hơn nhưng vẫn tiêu thụ vèo vèo, thấy hào hứng vô cùng. Chỉ có điều làm ắc quy, phải tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại, nào là nấu nhựa dựng sườn, nấu chì làm tấm cực, nào là pha trộn dung dịch a xít…, toàn những thứ độc hại chết người. Tiền thì nhiều đấy nhưng người mình cứ tong teo. Ngán ngẩm thân mình, lại còn lo sức khỏe, tương lai của vợ con nữa. Vậy là tôi “bẻ ghi” bỏ nghề, vào bước ngoặt thứ hai…

Giới thiệu về lan và thực hiện các giao dịch với khách hàng.

Giới thiệu về lan và thực hiện các giao dịch với khách hàng.

Dồn số tiền tích lũy được khi sản xuất ắc quy, tôi mua ô tô, máy ủi để làm vận tải, đào đắp, san nền. Tuy không nhiều tiền bằng làm ắc quy nhưng việc này vẫn kiếm được. Có tiền, có thời cơ, tôi mạnh dạn vay thêm ngân hàng mua được trên chục nghìn m2 đất gần Đền Hùng. Nhưng khi phát hiện tôi sử dụng tiền vay sai mục đích, thế là bên ngân hàng rút vốn, khiến tôi lao đao, phải bán cả căn nhà đang ở lấy tiền trả nợ. Đận này của tôi kéo dài trên chục năm. Vẫn túc tắc làm, vẫn tích lũy, nhưng trong thời gian này, tôi nảy nở thêm thú chơi Lan, nhất là khi biết giá trị của loài lan Năm cánh trắng Phú Thọ. Ngày ấy, người chơi Lan còn rất ít. Biết ai có Lan quý tôi tìm cách mua bằng được. Nghe đồn đại rằng, bên Cổ Tiết- Tam Nông chính là quê hương của Lan đột biến, tôi tìm đến tận nơi. Hỏi các cụ già được biết, ngày trước, khi Đoàn xiếc Trung ương sơ tán về đây, họ lấy cây đa cổ thụ giữa làng làm nơi treo xà, buộc dây luyện tập tiết mục. Trèo lên cây, thấy có nhiều “tầm gửi” có hoa đẹp, người nhà xiếc tiện tay bứt xuống, ai thích thì lấy. Vậy là từng chùm hoa “tầm gửi” được một số người mang về. Đa số họ chỉ treo vật vạ quanh gốc hồng, gốc mít mà không biết mình đang có trong tay vật báu. Dần dà, biết là Lan quý nên nhiều người chịu khó nhân giống, giữ gìn. Ở Cổ Tiết, tôi tìm mua được một số giò đúng loại Năm cánh trắng và đây cũng là nguyên cớ để tôi lần nữa “bẻ ghi” đời mình vào bước ngoặt thứ ba trong sự nghi hoặc, ánh mắt phán xét của nhiều người…Đạp bằng mọi trở lực, quyết tâm thực hiện ước mơ của mình, giờ thì doanh nhân Nguyễn Bá Toan đã sở hữu một khu vườn đẹp với hàng nghìn giò Lan, trong đó có hơn 700 giò Năm cánh trắng Phú Thọ. Trong khu vườn là một tòa biệt thự ba tầng, không quá đồ sộ nhưng đẹp một cách tinh tế bởi thiết kế hiện đại, nội thất đắt tiền. Khách đến thăm vườn hoặc có giao dịch bán - mua, ông Toan đề ra 5 “nguyên tắc” là: Thời gian không quá 30 phút, xin không khen nhưng cũng đừng chê, nếu có giao dịch xin miễn mặc cả và trả tiền ngay. Vậy mà chả mấy ai phật ý, đúng như câu “phú quý sơn lâm khách hữu tầm”. Thấy cuốn sổ ghi chép giao dịch trên bàn, tôi xin phép gia chủ mở xem: Ngày 30/4 giao dịch 137 triệu; ngày 3/5 thu 94 triệu, ngày 9/5 thu 32 triệu…Ông Toan bảo, những khoản ấy do các con đầu tư, nó gửi bố chăm sóc hộ. Chúng nó mua đôi ba trăm triệu, sau vài tháng đã tăng gấp đôi, gấp ba và đều nằm trong kế hoạch xây nhà, tậu xe cả. Giá giao dịch giống Năm cánh trắng Phú Thọ hiện giờ từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/1cm thân. Một khách ở Việt Trì mua 800 triệu nhưng gửi lại, nhờ nhà vườn chăm giúp thì món ấy giờ đã có khách trả trên 2 tỷ. Ông chủ mới đang làm “nhà”, chuẩn bị rước nàng Lan của mình về dinh! Được hỏi về giá trị sinh lời của cả vườn, ông Toan thủng thẳng: Chỉ tính riêng Năm cánh trắng, với 700 giò, mỗi giò có ít nhất 2 nhành thì tôi đã có 1.400 nhành. Tính chung, một ngày, mỗi nhành chỉ cần dài thêm 0,2cm thì cả vườn đã có thêm 2,8m. Giá trị gia tăng là ở đấy… Ngoài vườn Lan này, miếng đất làm khổ tôi hơn chục năm trước, giờ đại lộ Nguyễn Tất Thành từ trung tâm thành phố Việt Trì “vắt qua” nên giá tăng vọt lên cả chục triệu một mét vuông. Đó là một bất động sản không nhỏ!Qua ba khúc ngoặt cuộc đời, giờ vợ chồng ông Nguyễn Bá Toan đã được bù đắp. Một căn nhà 3 tầng trong khu vườn Lan cũng 3 tầng đang trải màu xanh mướt mát. Sau khi làm nhà, ông Toan mua ô tô hạng sang, sắm sửa chả thiếu thứ gì cho bõ những khi vợ chồng con cái phải chen chúc trong căn nhà vừa để ở vừa làm xưởng sản xuất ắc quy, lúc bức bách nhất đã phải bán nhà để rồi thuê lại chính nhà mình với giá 3 triệu đồng/tháng. Kinh doanh và sinh sống ở Lâm Thao, ông Toan tham gia sinh hoạt Hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Trì, luôn nhiệt tình hưởng ứng các phong trào chi hội phát động. Dịch COVID-19 diễn ra, chia sẻ nỗi gian lao, nguy hiểm của các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai ông gửi tặng 20 triệu đồng và gửi vào tài khoản của Ủy ban MTTQ tỉnh 10 triệu đồng chung tay phòng, chống dịch...Nghe câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”, tôi chợt nghĩ đến điều mà Nguyễn Bá Toan tâm đắc: Khi đã có ước mơ lớn thì tất cả các trở ngại đều là nhỏ. Táo bạo chấp nhận thách thức, một khi quyết tâm xắn tay áo lên hành động thì nhất định việc khó cũng sẽ thành công. Qua ba khúc ngoặt nhưng do vững lái nên con tàu cuộc đời mang tên Nguyễn Bá Toan vẫn tiến về phía trước trên con đường khởi nghiệp và lập nghiệp…

Nguyễn Sản

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202008/buoc-khoi-nghiepcua-ong-chu-vuon-lan-an-phu-172342