Các chính sách cần thực sự đặc thù, vượt trội, đột phá, tạo động lực cho Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn
Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội phân tích, làm rõ nhiều nội dung, đề xuất nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số điều, khoản quy định cụ thể. Qua đó, bảo đảm tính khả thi, vừa bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách, tạo động lực xây dựng và phát triển Thủ đô, xứng tầm trong giai đoạn mới với tinh thần 'Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội'.
Vừa tạo điều kiện cho thành phố, vừa có những "chốt chặn" hợp lý
Mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội xác định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội). Đây là một nội dung mới so với Luật Thủ đô 2012.
Trong đó, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan có liên quan, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường tổ chức bộ máy cho HĐND thành phố Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố nhằm bảo đảm để chính quyền các cấp của Thành phố đảm đương được các nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm.
Tán thành với các quy định về HĐND thành phố, quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Thành phố tại dự thảo Luật, ĐBQH Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) phân tích, đây là những quy định cần có tại dự thảo Luật để nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND. Mặt khác, trong thời gian tới, khối lượng công việc của HĐND thành phố sẽ tăng đáng kể, do đó, yêu cầu đặt ra là cơ cấu tổ chức bộ máy của HĐND thành phố phải đủ mạnh để không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng giám sát, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới.
“Việc tăng số lượng đại biểu HĐND sẽ giúp mở rộng tăng tính đại diện đặc biệt của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức. Tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng hoạt động, tính chuyên nghiệp của HĐND thành phố”, đại biểu Trần Chí Cường nêu rõ.
Nhấn mạnh việc không tổ chức HĐND phường đã làm giảm đáng kể số lượng đại biểu HĐND của thành phố và tới đây sẽ tiếp tục giảm khi một số huyện của thành phố phát triển thành quận, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho rằng, quy định tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách của thành phố tại dự thảo Luật là phù hợp. Đồng thời, đề nghị, phải bố trí phân công nhiệm vụ làm việc trong các Ban của HĐND để bảo đảm các đại biểu chuyên trách làm việc thường xuyên, liên tục, giúp thực hiện công việc theo dõi giám sát và chuẩn bị các nội dung công việc trình HĐND và Thường trực HĐND…
Bên cạnh đó, với vị trí, vai trò của một Thủ đô của đất nước, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển của chính quyền thành phố rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao, tại dự thảo Luật đưa ra quy định về việc giao quyền chủ động cho HĐND thành phố trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn.
Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng quy định giới hạn về số lượng khi thành lập thêm tổ chức đối với cấp thành phố không vượt quá 15%, tương đương khoảng 3 cơ quan; đối với cấp huyện thì không vượt quá 10%, tương đương với một cơ quan theo khung quy định của Chính phủ.
“Như vậy, quy định tại dự thảo Luật một mặt bảo đảm điều kiện cho thành phố chủ động sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Mặt khác, cũng giới hạn không phát sinh việc thành lập quá nhiều cơ quan, đơn vị”, đại biểu Trần Chí Cường nói.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị, cần tiếp tục rà soát để bổ sung quy định nhằm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền Thủ đô, qua đó giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền để chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa trên địa bàn quản lý. Việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp trong chính quyền Thủ đô là thuộc nội bộ điều hành của chính quyền Thủ đô sẽ thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Có nên thống nhất một mô hình chính quyền đô thị?
Các đô thị ở nước ta đều có đặc điểm giống nhau là các hoạt động về kinh tế, thương mại, dịch vụ luôn có tính chất liên thông, liên kết giữa các địa bàn quận và phường. Do vậy, khi tổ chức nhiều cấp chính quyền trong đô thị sẽ dẫn đến việc quản trị địa phương không hiệu quả và tạo sự ngắt quãng, phân khúc, không thống nhất. Trên thực tế, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng đều đã tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp chính quyền và cho thấy hiệu quả bước đầu vì phù hợp với đặc điểm của đô thị.
Tuy nhiên, mô hình chính quyền đô thị được quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang khác với mô hình chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội đã cho ý kiến của Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP. Đà Nẵng. Dù vậy, quan điểm của Chính phủ về sự phát triển, ưu, nhược của các mô hình chưa thực sự rõ ràng; cũng chưa cho thấy sự khác biệt về tổ chức dẫn đến khác biệt về cách thức quản lý, vận hành các hoạt động của chính quyền đô thị, các cơ chế, chính sách được áp dụng.
Với các lý do nêu trên, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị, cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc xây dựng Luật Chính quyền đô thị riêng để tạo cơ sở áp dụng đồng bộ, ổn định, thống nhất các nội dung về chính quyền đô thị.
Từ kinh nghiệm thực tiễn thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, cần sửa quy định UBND phường là một cấp ngân sách thay vì là một đơn vị dự toán ngân sách để bảo đảm hoạt động hiệu quả, năng động, linh hoạt, kịp thời của chính quyền đô thị ở đây.
Làm rõ vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, chúng ta hiện đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội. Trong đó, TP. Đà Nẵng và TP. Hà Nội cho đến thời điểm này vẫn là thí điểm; TP. Hồ Chí Minh thực hiện chính thức và mô hình khác nhau.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ, qua sơ kết 3 năm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đánh giá các mô hình này áp dụng trong điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương trong 3 thành phố trực thuộc trung ương rất phù hợp và phát huy hiệu quả, trong đó mô hình ở Hà Nội không tổ chức HĐND ở phường là tốt, phù hợp. Do vậy, Chính phủ tiếp tục đề nghị trong dự thảo Luật Thủ đô lần này là luật hóa quy mô hình chính quyền đô thị như vậy.
Mô hình này mới thực hiện 3 năm ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, vẫn trong quá trình tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, Quốc hội cũng chưa tổng kết, cho nên cũng chưa thể khẳng định những mô hình đó phù hợp với TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng thì có phù hợp với Hà Nội hay không? Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, trước mắt Chính phủ đề nghị Quốc hội và TP. Hà Nội cho phép luật hóa mô hình hiện đang thực hiện chính quyền đô thị tại Hà Nội. Ủy ban Pháp luật thấy như vậy là phù hợp.
Về vấn đề có nên coi phường là một cấp ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, trong mô hình chính quyền đô thị thì UBND là cơ quan hành chính, không có HĐND bên cạnh để quyết định những vấn đề về dự toán, quyết định quyết toán… theo như một cấp ngân sách bình thường. Cho nên, không thể quy định phường trong mô hình chính quyền đô thị là một cấp ngân sách. Thực tiễn áp dụng quy định này không có vướng mắc, trong khi dự thảo Luật cũng đưa quy định để có thể giúp kịp thời chi cho những hoạt động phát sinh đột xuất, như thiên tai, dịch bệnh, sự cố…