Các nước chạy đua phát triển máy bay không người lái phóng từ tàu ngầm
Trang web của Bộ Quốc phòng Pháp mới đây đưa tin hồi tháng 9/2023, tàu ngầm hạt nhân tấn công Suffren của Hải quân Pháp đã phóng thành công máy bay không người lái từ tàu ngầm do UAV Diodon nghiên cứu phát triển.
Trong video về cuộc thử nghiệm, một chiếc phao được tàu ngầm đang lặn thả ra nổi lên mặt nước. Lên tới mặt biển, chiếc phao mở ra để lộ máy bay không người lái (UAV) bên trong; rất nhanh sau đó, máy bay không người lái đã cất cánh và bắt đầu làm nhiệm vụ trinh sát. Được biết sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chiếc UAV này có thể hạ cánh trên mặt biển và chờ thu hồi.
Lần phóng thử từ tàu ngầm hạt nhân tấn công Suffren này không phải là lần đầu tiên UAV được phóng từ tàu ngầm. Kể từ khi khái niệm UAV phóng từ tàu ngầm được đưa ra vào những năm 1990, nhiều quốc gia đã bắt đầu phát triển công nghệ này. Ở một số nước, phóng UAV từ tàu ngầm đã bước vào giai đoạn ứng dụng thực tế.
Tàu ngầm hạt nhân Suffren của Pháp thử nghiệm thành công phóng UAV từ dưới nước
(Ảnh: Toutiao)
Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ này rất sớm. Năm 2003, quân đội Mỹ đã sử dụng tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio để tiến hành thử nghiệm phóng UAV Cormorant. Để khắc phục áp lực do phóng dưới nước, loại UAV này đã sử dụng kim loại titan để chế tạo khung thân và công nghệ phun bọt nhựa để tạo hình hoàn chỉnh.
Năm 2021, Hải quân Mỹ thông báo mua hàng trăm UAV Black Wing -10C từ Tập đoàn Hàng không Vũ trụ AeroVironment để làm nền tảng trinh sát và chuyển tiếp liên lạc, bao gồm thông tin liên lạc của tàu ngầm. Để đáp ứng điều kiện phóng dạng ống từ tàu ngầm, UAV Black Wing -10C có cánh bật lên được ẩn trong thân, cảm biến, hệ thống định vị và dẫn đường cũng được "nén" bên trong. Khi phóng, nó được ném lên mặt biển cùng với ống phóng, quá trình điều chỉnh trạng thái được hoàn tất trên mặt nước, sau đó UAV sẽ tự thoát khỏi ống phóng. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn phát triển các hệ thống phóng từ tàu ngầm các loại UAV như Sea Sentinel và Switchblade.
Mỹ thử nghiệm phóng UAV Blackwing-10C từ tàu ngầm (Ảnh: 81.cn)
Ngoài ra, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ cũng đang nghiên cứu phát triển UAV XFC phóng từ tàu ngầm. UAV này là loại cánh gập chạy hoàn toàn bằng điện, sử dụng pin nhiên liệu, có thể mang tải trọng quang điện tử/hồng ngoại và thực hiện nhiều nhiệm vụ. Ngày 6/8/2009, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, XFC có thể tự mở cánh gấp với tốc độ 30-52 hải lý/giờ và có thể bay liên tục trong hơn 6 giờ. Ngày 5/12/2013, máy bay không người lái XFC đã được phóng thành công từ tàu ngầm hạt nhân USS Providence lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ và sau đó thực hiện nhiệm vụ bay kéo dài vài giờ.
Máy bay không người lái XFC của Mỹ (Ảnh: Ifeng)
Phóng XFC và bay tự động bao gồm năm bước: thứ nhất, đưa nó vào thiết bị phóng; thứ hai, đưa phương tiện phóng vào ống phóng tên lửa hành trình Tomahawk; thứ ba, đặt ống phóng tên lửa vào ống phóng ngư lôi của tàu ngầm, phóng lên mặt nước để sẵn sàng; thứ tư, sau khi nhận được lệnh của tàu ngầm, phương tiện phóng sẽ phóng XFC theo phương thẳng đứng lên không trung; thứ năm, trong quá trình cất cánh, UAV XFC mở rộng đôi cánh gấp, tự bay theo lập trình. Nếu phương tiện mang bị hỏng và UAV không thể phóng lên khỏi mặt nước, XFC có thể sử dụng hệ thống cất cánh phụ trợ bằng điện để tách ra khỏi phương tiện mang.
UAV Ninnux-103 của Israel trong trạng thái đang bay (Ảnh: 81.cn)
Israel cũng đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc nghiên cứu và phát triển máy bay không người lái phóng từ tàu ngầm. Trong số đó, chú ý nhất là UAV chiến thuật phóng từ tàu ngầm Ninnux-103. UAV Ninnux-103 áp dụng phương pháp phóng tương tự như UAV Black Wing -10C. Điểm khác biệt là sau khi phóng, nó có thể nằm đợi trên biển rất lâu trước khi tiếp tục cất cánh. Ngoài nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, trong trường hợp khẩn cấp nó còn có thể được sử dụng làm đạn tuần kích (bom lảng vảng) tấn công mục tiêu của đối phương.
Quân đội Đức đã áp dụng cách tiếp cận "đơn giản và trực tiếp" để nghiên cứu và phát triển UAV phóng từ tàu ngầm. Thời kỳ đầu tiên họ cải tiến các UAV phóng bằng tay hiện có, sau đó "xây tổ" cho nó trên đỉnh cột nâng của tàu ngầm - thiết lập một thiết bị chịu áp lực kín để thả nó ra khi tàu ngầm ở trạng thái nhô kính tiềm vọng. Thứ hai là tận dụng những điểm mạnh của UAV phóng từ đường băng ngắn để phát huy tác dụng của nó. Phạm vi liên lạc của UAV phóng từ tàu ngầm SM-39 của Đức bị hạn chế, nhưng bằng cách lưu trữ trước thông tin trên UAV và sau đó gửi nó đến tàu ngầm sau khi đạt đến phạm vi liên lạc, UAV phóng từ tàu ngầm SM-39 có thể tiếp tục tự hoạt động.
UAV phóng từ tàu ngầm thế hệ đầu của Đức (Ảnh: Ifeng)
UAV phóng từ tàu ngầm có triển vọng ứng dụng rộng rãi nhưng cũng có nhiều khiếm khuyết, chính là thực trạng phát triển của chúng hiện nay. Do hầu hết đều được phóng bằng ống phóng tên lửa từ tàu ngầm, bị phụ thuộc điều kiện khách quan nên các UAV phóng từ tàu ngầm thường có trọng tải nhỏ và tầm hoạt động hạn chế. Đồng thời, thời gian bay và phạm vi liên lạc hạn chế khiến nó chỉ hoạt động ở khoảng cách tương đối gần tàu ngầm, điều này có thể làm lộ vị trí của tàu mẹ.
Điều khiến các nhà phát triển nó và người sử dụng bất lực hơn là do liên lạc giữa UAV và tàu ngầm phải trải qua hai môi trường không khí và nước biển, nên hiện tại chưa thể đạt được liên lạc thông suốt và bí mật giữa UAV và tàu ngầm lặn dưới biển sâu.
Điều này có nghĩa là việc khám phá các biện pháp liên lạc từ tàu ngầm tới UAV sẽ trở thành một vấn đề cần giải quyết để phát triển các UAV phóng từ tàu ngầm trong tương lai. Chỉ khi giải quyết được vấn đề này, tàu ngầm mới có thể thực sự tận dụng được UAV phóng từ nó để có được khả năng trinh sát và tình báo rộng hơn cũng như khả năng nhận thức tình huống liên tục.
Mỹ thử nghiệm UAV "Cormorant" phóng từ tàu ngầm Ohio năm 2003 (Ảnh: Ifeng)
Với việc gia tăng số lượng UAV phóng từ tàu ngầm và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, tích hợp công nghệ và tình báo, rất có khả năng việc tạo đội hình máy bay không người lái phóng từ tàu ngầm để tấn công mục tiêu và thậm chí phản kích máy bay chống ngầm sẽ trở thành hiện thực. Trong tương lai không xa, thông qua việc “kết nối” bằng các máy bay không người lái phóng từ tàu ngầm, các lực lượng khác nhau trên không, trên mặt nước và dưới nước có thể được gắn kết chặt chẽ hơn để nâng cao hơn nữa khả năng chiến đấu của cả hệ thống vũ khí trang bị.