Các phương pháp định giá tài sản trí tuệ
Động lực mới tạo ra sự thịnh vượng trong xã hội hiện là tài sản dựa trên tri thức. Vậy giá trị của những tài sản dựa trên tri thức hay chính là quyền sở hữu trí tuệ được định giá bằng các phương pháp nào, được định giá ra sao?
Có một số phương pháp tiến hành định giá tài sản trí tuệ. Mỗi phương pháp có những ưu điểm và nhược điểm riêng, trong số đó một số phương pháp có tính áp dụng cao hơn các phương pháp khác trong những trường hợp và vụ việc cụ thể. Dưới đây là một số phương pháp được sử dụng một cách rất rộng rãi.
Đầu tiên là phương pháp dựa vào thu nhập. Đây là phương pháp định giá tài sản trí tuệ được sử dụng phổ biến nhất. Phương pháp định giá dựa vào thu nhập có nhiều dạng khác nhau và đôi khi, các biến thể được gọi là các phương pháp riêng biệt. Về cơ bản, phương pháp này tập trung vào nguồn thu nhập ước tính mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ mong muốn nhận được từ tài sản trí tuệ trong thời gian hiệu lực của quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, phương pháp này sử dụng khấu hao nguồn tiền mặt để tạo ra giá trị hiện tại cho nguồn thu nhập tương lai. Có thể ước tính được nguồn thu nhập khi nhìn vào số tiền mà doanh nghiệp thu được từ phí li-xăng nếu doanh nghiệp li-xăng một quyền sở hữu trí tuệ cụ thể. Nhược điểm cơ bản của phương pháp này là nó quá phức tạp. Biến thể chính của phương pháp này là phương pháp giảm trừ phí li-xăng.
Với phương pháp giảm trừ phí li-xăng, mức phí sẽ được tính nhằm ước tính nguồn tiền mặt/lợi nhuận dự kiến hoặc vốn hóa lợi nhuận/nguồn tiền mặt trung bình. Tỷ lệ phí có thể được xác định bằng cách sử dụng các tỷ lệ hiện có trong các loại hợp đồng (li-xăng) tương tự hoặc các dữ liệu hiện có từ bảng phí chuẩn.
Phương pháp dựa vào chi phí. Phương pháp này được sử dụng để ước tính các lợi ích trong tương lai của tài sản trí tuệ bằng cách tính số tiền cần để thay thế tài sản trí tuệ được đề cập. Phương pháp này cũng có thể được áp dụng với những biến thể như chi phí tái sản xuất và chi phí thay thế.
Chi phí tái sản xuất. Nếu hồ sơ được giữ tốt, các chi phí tái sản xuất có thể được tính bằng cách tổng gộp, theo giá hiện hành, số tiền được sử dụng để phát triển tài sản trí tuệ được đề cập (phương pháp này còn được biết đến là xu hướng giá gốc). Nếu hồ sơ không được lưu giữ tốt, chi phí tái sản xuất có thể được ước tính bằng cách cộng gộp tiền công và chi phí cần thiết để tạo ra tài sản tương tự.
Chi phí thay thế. Số tiền cần để có được tài sản trí tuệ có cùng tính năng. Việc khấu trừ chi phí của tài sản trí tuệ có liên quan phải được thực hiện trong khi tính chi phí thay thế/tái sản xuất trước khi đưa ra giá/giá trị cuối cùng.
Khi xem xét các quyền sở hữu trí tuệ có trong các tài sản vô hình như phần mềm máy tính, bản vẽ kỹ thuật, kiểu dáng bao bì và mạng lưới phân phối, việc sử dụng phương pháp dựa vào chi phí là rất hữu ích. Phương pháp này thường được sử dụng làm phương pháp bổ sung cho phương pháp dựa vào thu nhập. Nhược điểm chính của phương pháp này là cơ hội dẫn đến kết quả nhầm lẫn cao. Sở dĩ như vậy là do trong hầu hết các trường hợp, chi phí liên quan đến việc phát triển một thứ gì đó không nhất thiết liên quan một cách trực tiếp đến giá trị của nó. Điều này là đặc biệt đúng trong hoạt động nghiên cứu và triển khai.
Phương pháp dựa vào thị trường. Phương pháp này dựa vào việc bên thứ ba sẵn sàng chi để mua hoặc thuê tài sàn trí tuệ. Phương pháp này cũng có thể được sử dụng bổ sung cho phương pháp dựa vào thu nhập. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một số doanh nghiệp coi đây là phương pháp tốt nhất vì tính đơn giản và khả năng sử dụng thông tin thị trường. Điểm yếu của phương pháp này là không cung cấp được thông tin về cách xử lý các đặc điểm riêng biệt của các giao dịch cụ thể. Giống như các phương pháp định giá khác, phương pháp dựa vào thị trường cũng có các biến thể, bao gồm:
Phương pháp so sánh doanh thu. Những người sử dụng biến thể này dựa vào việc định giá một tài sản trí tuệ tương tự trên thị trường. Nhược điểm chính của phương pháp này là do mỗi giao dịch tài sản trí tuệ là duy nhất nên hầu như không thể gặp một thỏa thuận tương tự để có thể làm căn cứ cho việc định giá mới.
Sử dụng mức phí chuẩn. Phương pháp này sử dụng mức phí chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp chuẩn được thiết lập. Một số ngành công nghiệp thiết lập và sử dụng mức phí chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp một cách tự nguyện trong vài năm.
Các phương pháp tùy chọn dựa vào giá cả. Các phương pháp này thường được sử dụng trong việc xác định giá trị thị trường của quyền lựa chọn mua cổ phiếu của doanh nghiệp. Những người định giá tài sản trí tuệ (đặc biệt là sáng chế) trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp dược phẩm sử dụng các phương pháp này ngày càng nhiều. Trong khi tồn tại các phương pháp định giá có tính “rủi ro trung bình” khác, phương pháp định giá tùy chọn được coi là có ưu điểm hơn cả.
Giống như các phương pháp khác, phương pháp này cũng có các biến thể, như phương pháp định giá tùy chọn của Black-Scholes, Technology Risk-Reward Units (TRRU) và IPscore được xây dựng bởi Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Đan Mạch có tại trang website www.ipscore.com. Vấn đề chính đối với các phương pháp tùy chọn này là sự phức tạp tương đối của chúng.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cac-phuong-phap-dinh-gia-tai-san-tri-tue-1658805099051.htm