Các xu hướng của thị trường việc làm thế giới trong năm 2023
Tuyển mới và nhảy việc; Cơ hội việc làm 'cổ xanh' cao hơn 'cổ trắng', Quay lại các công việc cơ bản …là các xu hướng chính của thị trường việc làm thế giới trong năm 2023.
Khó có thể đưa ra dự đoán chính xác về thị trường việc làm vào đầu năm, khi nền kinh tế toàn cầu vẫn còn rung chuyển do lãi suất tăng, lạm phát và mối đe dọa dai dẳng của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên tạp chí Forbes đã điểm một số xu hướng trên thị trường việc làm năm nay.
Tuyển mới và nhảy việc
Hai xu hướng chính của thị trường việc làm năm 2023 ở Mỹ cũng như các nơi, theo Forbes là tuyển mới và nhảy việc. Bên cạnh làn sóng sa thải hàng loạt và đóng băng tuyển dụng của một số tập đoàn lớn, các công ty có tư duy tiến bộ khác sẽ háo hức thu hút những tài năng hàng đầu mới có sẵn.
Với một thị trường lao động năm nay được đánh giá khá lành mạnh dù vẫn khó đoán, nhiều nhà kinh tế dự đoán sẽ có một số lượng người lao động có các bước đi trước khi nguy cơ suy thoái rõ ràng hơn. Những người không hài lòng với công việc hiện tại có thể sẽ chọn chuyển việc sớm để tránh bị mắc kẹt với công việc không vừa ý vô thời hạn.
Vì những lý do này, trong năm 2023, các nhà tuyển dụng sẽ không chỉ quan tâm đến việc tuyển những tài năng mới mà còn lưu ý giữ chân tài năng cũ.
Người sử dụng lao động hay người lao động sẽ kiểm soát thị trường việc làm năm nay?
Năm 2023, các công ty sẽ phải đối mặt áp lực cạnh tranh để thu hút nhân tài. Các xu hướng như nghỉ việc trong im lặng và đại khủng hoảng lao động (The Great Resignation - xu hướng nghỉ việc hàng loạt, bắt đầu từ năm 2021 sau đại dịch COVID-19) phần nào thúc đẩy người lao động đưa ra nhiều yêu cầu hơn.
Tuy nhiên, ở phía ngược lại, các thông tin về việc ngừng tuyển dụng và sa thải tràn lan đang khiến nhiều người lao động lo lắng về việc giữ vị trí của họ. Nhiều người băn khoăn liệu năm 2023 có phải là thời điểm thích hợp để chuyển việc hay không.
Cơ hội việc làm “cổ xanh” cao hơn “cổ trắng”
Theo nhà kinh tế trưởng Julia Pollak của công ty tuyển dụng ZipRecruiter (Mỹ), tính đến tháng 11-2022, tỷ lệ sa thải trong lĩnh vực chỗ ở và thực phẩm, xây dựng và bán lẻ thấp hơn nhiều so với định mức trước đại dịch. Trong khi đó tỷ lệ này tăng cao hơn ở các lĩnh vực thông tin và tài chính so với các chỉ tiêu trước đại dịch.
Điểm bùng phát bắt đầu từ tháng 7-2022, vào khoảng thời gian Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất và nỗi lo suy thoái thực sự hiện hữu. Hậu quả là, các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất tăng (như tài chính và bất động sản) và những lĩnh vực hy vọng vào việc vay nợ để phát triển bằng mọi giá (như công nghệ) đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo bà Pollak, công nhân cổ cồn xanh có sự đảm bảo công việc cao hơn nhiều, điều không xảy ra trong lĩnh vực thông tin và tài chính và công nhân cổ cồn trắng có mức độ an toàn thấp hơn.
Quay lại các công việc cơ bản
Theo CNBC, việc sa thải hàng loạt gần đây liên quan đến công nghệ và tài chính là hệ quả của việc các công ty tuyển dụng quá nhiều trong thời gian đại dịch bùng phát do các sáng kiến sáng tạo như tiền điện tử và metaverse (vũ trụ kỹ thuật số kết hợp các khía cạnh của truyền thông xã hội, trò chơi trực tuyến, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), Internet và tiền điện tử để cho phép người dùng sử dụng công nghệ thực tế ảo để tương tác).
Năm 2023, người tìm việc “quay trở lại vấn đề cơ bản” và đặt cược vào những công việc đã được chứng minh tính an toàn, theo nhà kinh tế trưởng Julia Pollak của công ty tuyển dụng ZipRecruiter (Mỹ), đặc biệt là về chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin kế thừa và “những công việc ổn định vững chắc khác mà thị trường cần lúc này và cả trong tương lai gần”.
Tại Mỹ kể từ tháng 11-2022, cơ hội việc làm tăng lên đối với các dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh, cũng như sản xuất, và việc tuyển dụng tăng vọt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội.
Theo bà Pollak, so với các doanh nghiệp nhỏ thì các doanh nghiệp lớn với hơn 5.000 nhân viên (những công ty cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, từ chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm) “có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc kinh tế và thu về lợi nhuận thoải mái đang tận dụng mức tăng trưởng ổn định đó để tuyển dụng mạnh mẽ”.
Đến tháng 12-2022, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ được báo cáo mức thấp chưa từng thấy trước đại dịch, dù Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, khiến nền kinh tế bị chậm lại. Các nhà kinh tế dự đoán thị trường lao động Mỹ năm nay sẽ nhộn nhịp hơn năm ngoái, thời điểm nhiều tập đoàn lớn tuyên bố sa thải và đóng băng tuyển dụng.