Cách chính phủ Pháp tính giá điện với người dân?

Ở Pháp, chính phủ dựa trên những điều kiện nào để tính giá điện bán ra cho doanh nghiệp và người dân? Liệu có khác với Việt Nam?

Biểu đồ giá điện tại các nước châu Âu

Biểu đồ giá điện tại các nước châu Âu

“Biểu giá” là tài liệu thiết lập mức giá cho một loại hàng hóa/dịch vụ (trong một giới hạn đề ra); trong cùng một nhóm điều kiện, người tiêu dùng sẽ trả một mức giá như nhau để mua loại hàng hóa này. Đối với sản phẩm “điện năng”, khi phát triển cái gọi là biểu giá “truyền thống”, Pháp cần phải lưu ý đến những nguyên tắc chung này. Theo đó:

1. Cung phải thích ứng tức thì với cầu (bằng cách liên hệ thêm những nguồn sản xuất điện khác theo nguyên tắc “merit order”, tức ưu tiên lấy điện từ những nhà sản xuất với chi phí biên rẻ nhất).

2. Nhu cầu điện là ngẫu nhiên và sẽ có “hiệu ứng cao điểm” (mức tiêu thụ đặc biệt cao vào buổi sáng và buổi tối).

3. Nhu cầu tiêu thụ thay đổi theo mùa, do đó giá cho 1 MWh cũng phải thay đổi theo mùa. Vào mùa hè, nhu cầu thấp hơn và giá cho 1 MWh không đắt (được sản xuất chủ yếu bằng năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo). Còn vào mùa đông, nhu cầu cao và liên tục thay đổi trong ngày, do đó mỗi 1 MWh có giá bán cao (nhà sản xuất nằm ở cuối danh sách “merit order”, sẽ có khả năng đáp ứng nhu cầu nhanh chóng và với chi phí rất cao; những nhà máy này thường sử dụng nhiên liệu hóa thạch).

Ngoài ra, giá điện thay đổi tùy theo hợp đồng và nhà cung cấp (EDF, Engie, Eni...).

Phân loại biểu giá ở Pháp

Người tiêu dùng Pháp có thể lựa chọn giữa hai loại biểu giá. Thứ nhất là giá TRV (Tarifs Réglementés de Vente - “giá bán sau điều chỉnh”) chủ yếu do những nhà sản xuất "truyền thống" áp dụng (EDF và nhiều công ty phân phối ở địa phương). Thứ hai là giá bán theo thị trường, do tất cả những nhà cung cấp áp dụng (cả doanh nghiệp "truyền thống" lẫn thay thế).

Biểu giá TRV

Trước khi mở cửa thị trường, ngành điện lực Pháp từng chỉ có một loại biểu giá: Giá bán sau điều chỉnh (TRV), do những nhà cung cấp điện lực “truyền thống” áp dụng. Các loại giá cước được đặt tên theo màu sắc, dựa trên định mức công suất đã đăng ký: Biểu giá Lam (định mức sử dụng 3 - 36 kVA), biểu giá Vàng (36 - 250 kVA) và biểu giá Lục (định mức sử dụng lớn hơn 250 kVA). Tuy nhiên, theo Luật Nome ban hành ngày 7/12/2010, biểu thuế Vàng và Xanh đã bị xóa bỏ. Quyết định bãi bỏ đi vào hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Những bộ phụ trách về kinh tế và năng lượng sẽ quyết định giá TRV dựa theo đề xuất của Cơ quan Quản lý Năng lượng Pháp (CRE). Giá sẽ được sửa đổi 2 lần/năm (vào tháng 8 và tháng 2). Tuy nhiên, kể từ khi Luật Nome đi vào hiệu lực, nhằm tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh công bằng, tiến trình định giá TRV cũng phải xét đến chi phí biên của những nhà cung cấp thay thế. Cụ thể, theo Cơ quan Cạnh tranh Pháp, giá TRV phải mang tính "cạnh tranh" công bằng, tạo điều kiện cho giá thị trường cùng tham gia cạnh tranh.

Biểu giá điện theo trị trường

Những nhà sản xuất điện chính, cũng như nhà cung cấp thay thế, có quyền chào giá theo giá thị trường. Họ được tự do định giá. Để cạnh tranh lại giá TRV, một số nhà cung cấp theo giá thị trường sẽ cam kết giữ biểu giá ổn định trong suốt thời hạn của hợp đồng (họ cũng có thể bán chiết khấu).

Tính đến cuối tháng 6/2021, trong số gần 33,6 triệu hộ gia đình tiêu thụ điện ở Pháp, có 66% hộ gia đình chỉ có thể mua điện theo giá TRV.

Các yếu tố cấu thành giá điện tại Pháp

Các yếu tố cấu thành giá điện tại Pháp

Yếu tố định giá điện

Pháp xét đến 3 yếu tố sau khi thực hiện định giá điện:

1. Nguồn cung cấp điện, bao gồm chi phí sản xuất (chi phí đầu tư và vận hành: nhiên liệu, nhân viên...), chi phí tiếp thị của nhà cung cấp điện (quảng cáo, tiếp thị, quản lý khách hàng) và chi phí cung cấp (mua điện trên thị trường bán buôn điện).

2. Chi phí vận chuyển điện bằng mạng lưới truyền tải và phân phối điện công cộng của Pháp, thường được gộp chung vào giá TURPE (Biểu giá sử dụng mạng lưới điện công cộng). Giá bao gồm chi phí vận hành, bảo trì và phát triển. CRE chịu trách nhiệm tính toán biểu giá này. Đối với người tiêu dùng cá nhân, đây là yếu tố quan trọng nhất. Công ty lớn thường không quan trọng hóa yếu tổ này vì họ chỉ cần đến mạng lưới truyền tải.

3. Thuế và đóng góp, gồm có: Thuế tiêu thụ điện cuối cùng (TCFE) - được quyết định tùy thuộc vào nơi cư trú vì lợi ích của chính quyền địa phương (thành phố và sở); Đóng góp vào chi phí truyền tải (CTA) - nguồn tài trợ cho lương hưu của nhân viên trong ngành điện và khí đốt; Đóng góp cho dịch vụ năng lượng công cộng (CSPE) - gồm những khoản chi phí liên quan đến dịch vụ điện lực công cộng (22,5 euro/MWh) và thuế VAT (5,5% khi đăng ký và 20% khi tiêu thụ).

Mở cửa thị trường

Từ cuối tháng 3/2016 cho đến cuối tháng 3/2017, chỉ có 13% sản lượng điện tiêu dùng cá nhân ở Pháp được mua theo hợp đồng giá thị trường (so với 6,7% của giai đoạn tháng 6/2013 - tháng 6/2014). Do đó, tốc độ mở cửa thị trường tương đối còn chậm.

Giá điện

Trong nửa cuối năm 2016, giá điện sinh hoạt bình quân của Pháp sau thuế là 171 euro/MWh, thấp hơn gần 20% so với giá bình quân trên toàn Liên minh châu Âu (205 euro/MWh).

Hệ thống định giá truyền thống: Cơ sở lý thuyết

Hệ thống định giá điện truyền thống - do nhà nước Pháp thiết lập vào giữa thế kỷ 20, được xây dựng cùng với EDF - một công ty điện lực đại chúng tích hợp (về sản xuất, truyền tải và phân phối). Khi xây dựng hệ thống, Pháp xét đến hai yếu tố:

1. Biểu giá phải tính đến chi phí sản xuất, truyền tải và phân phối điện trên thực tế.

2. Biểu giá phải gửi một “tín hiệu giá” đến người tiêu dùng cuối cùng nhằm phản ánh thật chính xác chi phí mà nhà điều hành phải trả tại một thời điểm cụ thể để đáp ứng nhu cầu.

Do đó, giá điện phải bao gồm những chi phí cố định và ngẫu nhiên do nhu cầu tạo ra. Vì vậy, EDF đang triển khai mô hình định giá “nhị thức”.

Biểu đồ giá điện ở Pháp năm 2021

Biểu đồ giá điện ở Pháp năm 2021

Định giá nhị thức (phi tuyến tính)

Đây là mô hình định giá chi phí biên tương ứng với chi phí sản xuất ra 1 kWh cuối cùng. Về nguyên tắc, do được tính toán trong dài hạn, mô hình định giá này có thể đảm bảo mức tối ưu về kinh tế, nghĩa là đảm bảo mức giá tối thiểu nhằm mang lại lợi nhuận tương đối cho nhà sản xuất và giúp họ tiếp tục có nguồn đầu tư. Những loại chi phí biên này sẽ được gộp với chi phí truyền tải và phân phối, nhằm quyết định giá cước điện cho người tiêu dùng cuối cùng.

Đối với đối tượng tiêu dùng công nghiệp cần sử dụng điện áp cao áp, chi phí biên được đề cập ở trên sẽ tạo thành tổng chi phí. Đối với loại đối tượng này, họ sẽ chỉ phải trả chi phí biên và chi phí truyền tải điện áp cao áp (thường đã được thống nhất). Hai loại phí này tạo nên giá “bán buôn” điện trên thị trường Pháp.

Trong thời gian gần như độc quyền trong mảng cung cấp điện lực công cộng từ năm 1946, Công ty Điện lực Nhà nước Pháp EDF đã tiến hành định giá theo chi phí biên. Lợi thế của việc này là đưa ra được một cơ sở tham chiếu khách quan để ấn định giá cho người tiêu dùng. Sau khi ký kết hợp đồng với EDF, những người này không thể đổi sang những nhà cung cấp khác.

Do chi phí biên thay đổi theo thời gian trong năm và trong ngày, nên EDF sử dụng phương pháp định giá nhị thức. Điều này có nghĩa là, họ định giá cho người dùng dựa trên hai yếu tố:

1. Chi phí cố định khi đăng ký sử dụng dịch vụ, nhằm trang trải chi phí đầu tư và duy trì những nhà máy điện đang hoạt động.

2. Chi phí dao động tỷ lệ thuận với lượng kWh tiêu thụ (khá giống với phương thức định giá chi phí biên).

Quá trình định giá trở nên phức tạp hơn khi xét đến những tình huống khác nhau giữa ngày và đêm, hay giữa giai đoạn nhu cầu tiêu thụ thấp (mùa hè) so với tiêu thụ cao (mùa đông).

Quá khứ và hiện tại

Sau năm 2007, do giá thị trường biến động mạnh và có mặt bằng giá cao hơn giá TRV, Pháp quyết định mở cửa thị trường điện với mức hạn chế.

Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu (EC), tình trạng này sẽ gây cản trở đến tiến trình tự do hóa thị trường điện ở Pháp. Do đó, EC đe dọa trừng phạt nước này. Vào năm 2008, trước khi Luật Nome được thông qua, một thể chế gọi là “Ủy ban Champsaur” đã được thành lập nhằm đưa ra những đề xuất về việc mở cửa thị trường. Ủy ban này, bao gồm 4 nghị sĩ và 4 chuyên gia, đưa ra những luận điểm sau: Các đối thủ của EDF không thể cạnh tranh vì họ không thể sản xuất điện với chi phí gần bằng giá điện hạt nhân truyền thống. Họ không thể sử dụng giá TRV, còn giá thị trường thì quá biến động, không phù hợp với nhu cầu cạnh tranh.

Một số đề xuất từ Ủy ban Champsaur:

1. Duy trì giá TRV cho hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ.

2. Đảm bảo tính thuận nghịch giữa TRV và giá thị trường.

3. Bãi bỏ giá TRV cho lĩnh vực công nghiệp (bao gồm cả TaRTAM) nhưng áp dụng giá sau điều chỉnh cho những đối tượng đăng ký sử dụng điện hạt nhân của EDF.

4. Giá TRV đối với điện hạt nhân truyền thống phải thuận theo chi phí sản xuất điện, đồng thời với chi phí kéo dài tuổi thọ của nhà máy điện hạt nhân. Những loại chi phí này phải đi kèm với chi phí phát triển hạt nhân ở Pháp (EPR).

Vấn đề chính của việc tự do hóa thị trường điện ở Pháp khi đó, nằm ở chỗ nhà cung cấp truyền thống (EDF) có thể đề xuất giá TRV dựa trên nguồn điện rẻ tiền của họ (phụ thuộc 90% vào chi phí sản xuất điện hạt nhân và thủy điện) thay vì dựa trên nguồn điện của những nhà cung cấp thay thế. Để thu hẹp khoảng cách khác biệt này, giải pháp được áp dụng ở đây, là cho phép những nhà sản xuất thay thế mua lại một phần sản lượng điện hạt nhân của mình từ EDF. Sản lượng này được trả bằng giá ARENH - một biểu giá được quyết định theo cơ chế “Quyền tiếp cận điện hạt nhân truyền thống”. Vào tháng 4/2011, chính phủ Pháp ấn định loại biểu giá này ở mức 40 euro/MWh, có hiệu lực trong giai đoạn từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2011. Sau ngày 1/1/2012, giá ARENH được ấn định ở mức 42 euro/MWh.

Hiện nay, do có giá điện bán buôn thấp, giá thị trường có lợi thế cạnh tranh hơn so với giá TRV. Tuy nhiên, đại đa số người tiêu dùng cá nhân vẫn trung thành với TRV. Vấn đề bãi bỏ TRV thường xuyên là một chủ đề được tranh luận.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cach-chinh-phu-phap-tinh-gia-dien-voi-nguoi-dan-688354.html