Cách chọn mỹ phẩm cho ngày hè

Những ngày nắng nóng sắp đến, việc sử dụng mỹ phẩm đúng cách sẽ giúp chị em có làn da đẹp mà không bóng nhẫy hay đen sạm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nóng rát mặt, da dễ nám

Theo chị Đỗ Anh Thư, Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo sản xuất mỹ phẩm Grandpa's Garden, không chỉ ánh nắng, hơi nóng cũng nằm trong top nguy hiểm khiến da dễ bị nám sạm. Đặc biệt với chị em đi xe máy ngoài đường, hơi nóng từ mặt đường bốc lên làm bỏng rát gò má, có nghĩa da bạn đang phải chịu một nhiệt độ quá ngưỡng chịu đựng.

Ngoài ra, nhiều người ngồi làm việc với máy tính trong những ngày hè nóng nực, do máy tính cũng phả ra nhiệt độ cao nên cảm giác rát mặt dễ gặp phải. Làm mát da mặt trong những ngày hè chính là để tránh bị nám.

Có người lựa chọn mua mỹ phẩm chống nám, chữa nám, nhưng cũng nhiều người lựa chọn phương pháp hạ nhiệt tự nhiên để bảo vệ da.

Cách tốt nhất để phòng bị nám là không ra ngoài đường khi trời quá nắng gắt. Khi ngồi văn phòng bật máy lạnh cả ngày, hoặc khi hơi nóng làm bạn cảm thấy ngột ngạt, ngứa rát da, hãy dấp nước mát vào mặt. Ngoài làm dịu da, nước mát còn có khả năng ngừa nám hiệu quả.

Nên có một chai xịt khoáng trong túi bởi đây là thứ làm mát và làm dịu cấp tốc, cứu nguy cho làn da đang bỏng rát. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại khác nhau, tốt nhất nên mua loại xịt khoáng chỉ có 1 thành phần là nước suối khoáng. Chị em cũng có thể tự làm bằng cách cho nước khoáng vào chai xịt phun sương.

Bản chất xịt khoáng là nước khoáng cho vào bình xịt. Với loại xịt khoáng tự làm cần thay rửa bình mỗi ngày một lần, không để lâu được như bình xịt chân không, nhưng vẫn tạo cảm giác mát sảng khoái cho da. Ngoài ra nên dùng nước hoa hồng, nước sen, nước hoa bưởi chưng cất… bảo quản trong tủ lạnh. Khi nắng nóng, đem ra xịt thì rất mát da.

Khi dùng sữa rửa mặt, sữa tắm nên chọn sản phẩm có chứa thành phần được chiết xuất từ các loại thảo mộc có khả năng tự điều chỉnh sự thoát hơi nước và tự cân bằng độ ẩm như: lô hội, xương rồng, dưa chuột...

Để hạ nhiệt cho da, nên dùng các loại mặt nạ làm mát da như mặt nạ dưa chuột và mặt nạ nha đam, sữa chua, cà chua, trà xanh, trứng gà… là những loại nguyên liệu giúp da giảm nhiệt hiệu quả. Lưu ý khi đắp mặt nạ là chỉ đắp vào buổi tối vì sau khi đắp mặt nạ, da có xu hướng bắt nắng hơn, lỗ chân lông nở rộng hơn, dễ bắt dính bụi bẩn. Các loại mặt nạ thiên nhiên này có thể đắp thường xuyên mà không lo da bị kích ứng.

Đừng dùng giấy thấm dầu

Có lẽ, nỗi ám ánh lớn nhất trong những ngày nắng nóng với nhiều chị em là chuyện trang điểm. Vừa kì công trang điểm cả tiếng đồng hồ, đi ra ngoài một lúc là mồ hôi nhễ nhại, quệt quệt, lau lau một lúc là lem nhem.

Rồi tình trạng khi nắng nóng, da tiết nhiều dầu hơn, trang điểm xong 1-2 tiếng là da tiết dầu, trông mũi, cằm, trán luôn bóng nhẫy, rất khó chịu. Nhiều chị em khắc phục bằng cách dùng giấy thấm dầu chấm liên tục lên phần da nhiều dầu này để khắc phục.

Để khắc phục, theo chị Đỗ Anh Thư, đừng tìm đến các sản phẩm mỹ phẩm dành cho da dầu. Hãy bỏ các sản phẩm “cho da dầu” nếu nhãn hàng phân biệt “da dầu” với “da khô” là hai loại da đối lập nhau. Sử dụng sản phẩm “triệt dầu” sẽ làm tình trạng của bạn nặng thêm.

Không dùng giấy thấm dầu, không dùng mặt nạ hút dầu. Ít ai nghĩ rằng da nhiều dầu lại cần dưỡng ẩm, nhưng thực tế đúng như vậy. Tuy nhiên, đừng đột ngột dưỡng ẩm quá nhiều, da của bạn sẽ bị “sốc” và có thể lên mụn. Với da tiết nhiều dầu, bạn có thể sử dụng mặt nạ sữa chua không đường, hoặc mật ong để đắp. Ngoài ra, dưỡng ẩm cho da mỗi khi da được nghỉ ngơi như ban đêm, hay buổi trưa.

Trong cách sử dụng các loại mỹ phẩm thì nhất định không lạm dụng giấy thấm dầu. Bạn càng thấm dầu, da bạn sẽ càng tiết dầu. Không lạm dụng mặt nạ đất sét để hút dầu (cũng tương tự giấy thấm dầu).

Không dùng các sản phẩm có độ pH quá cao hoặc quá thấp (ví dụ sữa rửa mặt tạo bọt có pH cao, sản phẩm tẩy da chết AHA, BHA, sản phẩm làm trắng/trị mụn chứa vitamin C ở dạng ascorbic acid...).

Cấp ẩm và khóa ẩm cho da

Theo chị Đỗ Anh Thư, dưỡng ẩm cho da không phải là đắp nước lên mặt. Nước không được coi là một thành phần dưỡng ẩm, vì dư nước khiến da của chúng ta “bở” ra, các yếu tố có hại từ môi trường sẽ thâm nhập dễ dàng, da của chúng ta dễ kích ứng. Da “bở” ra và màng dầu bị thiệt hại còn khiến hơi nước dễ thoát qua da.

Cần hiểu cấp ẩm cho da là những thành phần có khả năng hút ẩm để đọng trên bề mặt của da. Thông thường chúng hút ẩm từ môi trường, nhưng ở nơi khí hậu khô hanh (trong phòng điều hòa), thì chúng có thể hút ngược từ trong da. Vì thế, “khóa ẩm” là một nhóm thành phần dưỡng ẩm thường đi kèm “cấp ẩm”.

Những thành phần khóa ẩm được gọi là occlusive(s). Chúng có kích thước đủ lớn để không thẩm thấu vào da được mà tạo cho da một “vỏ bọc”, từ đó hơi nước không dễ dàng bốc qua da.

Tất cả những thành phần nào cứ đọng ở trên da như vậy đều có khả năng khóa ẩm. Dầu thực vật, bơ thực vật, dầu khoáng, petrolatum, các loại silicone có kích thước phân tử lớn... đều là thành phần khóa ẩm.

Các dưỡng chất để làm mềm da gồm có cholesterol, lanolin (mỡ cừu), niacinamide (vitamin B3), squalene, alpha tocopherol, Tocopherol, Tocopheryl acetate,Tocopheryl linoleate, Tocotrienols, Tocopheryl succinate (Các thành phần trong nhóm vitamin E), các loại dầu thực vật và bơ thực vật.

Khi mua mỹ phẩm, chị em có thể để ý các thành phần này để chọn lựa. Càng nhiều những thành phần này thì da của bạn càng được dưỡng ẩm, mềm mại.

Rửa mặt và tắm quá nhiều trong khi thời tiết nắng nóng sẽ làm mất lớp dưỡng ẩm tự nhiên của da. Khi rửa mặt, nên kết hợp với massage mặt theo hướng từ dưới lên, từ ngoài vào trong. Khi ta tắm nhiều bằng những sản phẩm có chứa cồn nồng độ cao có thể gây mất 20 - 25% nước của da.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/cach-chon-my-pham-cho-ngay-he-4071490-b.html