Cách người Hà Nội đưa văn hóa vào du lịch - Kỳ 2: Những điều nhất định phải thử khi đến Hà Nội

Hà Nội đã luôn khai thác triệt để mọi cơ hội để quảng bá hình ảnh, để du khách phải 'đóng đinh' vào tâm trí một danh sách khá dài những điều nhất định phải thử khi đến Hà Nội. Để đạt kết quả đó, không thể thiếu sự đồng hành của bề dày văn hóa Tràng An được lồng ghép rất tinh tế trong du lịch.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ II vào cuối tháng 2-2019, nhằm giới thiệu văn hóa ẩm thực của Hà Nội đến bạn bè quốc tế, ngoài 40 món theo kiểu châu Âu và châu Á còn có 9 món đại diện cho ẩm thực Thủ đô được lựa chọn phục vụ miễn phí gồm: Phở Thìn, bún thang, bún chả, xôi chè Phú Thượng, giò chả Ước Lễ, chả cốm Mễ Trì, chè sen Tây Hồ, bánh khúc cô Lan, cà phê trứng Giảng. Đây là những món ăn phần nào giới thiệu những nét văn hóa của ẩm thực Thủ đô Hà Nội đến các PV trong và ngoài nước tham dự hội nghị. Bên cạnh đó, để quảng bá ẩm thực tại hội nghị, Sở VH&TT Hà Nội đã mời những nghệ nhân với tay nghề tài hoa đã làm nên nét đặc trưng của ẩm thực truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trong 3 ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh, những người thợ pha cà phê giỏi nhất ở quán cà phê Giảng đã phục vụ khoảng 3.000 ly cà phê trứng tại Trung tâm báo chí. Hiệu ứng của Hội nghị Thượng đỉnh cũng khiến quán cà phê nhỏ lâu đời này mỗi ngày tiếp thêm nhiều đoàn khách du lịch tò mò về thức uống được chọn để chiêu đãi trong sự kiện đặc biệt được cả thế giới quan tâm. Không chỉ cà phê trứng, hàng nghìn bát bún thang, phở, bún chả cùng hàng chục món ăn đặc sắc khác đã tạo nên ấn tượng tuyệt vời về ẩm thực Việt trong mắt các PV quốc tế đến Hà Nội trong dịp này.

PV quốc tế thích thú khi thưởng thức ẩm thực Hà Nội tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: T.Phương

PV quốc tế thích thú khi thưởng thức ẩm thực Hà Nội tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: T.Phương

Theo đánh giá của truyền thông quốc tế, Hà Nội đã làm rất tốt “ngoại giao ẩm thực”, ẩm thực Việt là một trong những yếu tố, sứ giả đặc biệt quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, cùng với đó vẻ đẹp và sự hiếu khách của Hà Nội, TP vì hòa bình, đã trở thành tiêu điểm của truyền thông thế giới. Dọc các tuyến phố cổ, một số PV tác nghiệp ngay tại các quán ăn, vừa trải nghiệm vừa ghi hình.

Trong năm 2018, TP Hà Nội đã đưa vào vận hành hai tuyến xe buýt hai tầng để phục vụ khách du lịch. Tuyến xe buýt Hanoi City tour 01 được Tổng Cty vận tải Hà Nội (Transerco) đưa vào vận hành từ tháng 5-2018 là tuyến xe buýt du lịch 2 tầng đầu tiên tại Thủ đô. Tuyến này sẽ đưa khách tham quan đi qua 13 điểm du lịch văn hóa, danh lam thắng cảnh của Hà Nội. Đến 30-11-2018, tuyến buýt hai tầng thoáng nóc thứ hai ở Hà Nội có tên gọi Thăng Long - Hà Nội City Tour do một Cty du lịch đầu tư đã được khai trương, tuyến này đưa du khách đi qua 11 điểm du lịch tham quan nổi tiếng của Hà Nội.

Sau một thời gian hoạt động, du khách tới Thủ đô và các chuyên gia đã đánh giá xe buýt hai tầng thể hiện là một sản phẩm du lịch đặc sắc giúp du khách có những trải nghiệm thú vị trên phương tiện tiện nghi, hiện đại để khám phá Hà Nội.

Lộ trình đi qua hàng chục tuyến phố với hơn 10 điểm dừng đã tạo điều kiện thuận lợi để hành khách tiếp cận dễ dàng 30 điểm tham quan đặc sắc của Hà Nội, cho phép du khách tự khám phá, trải nghiệm theo cách riêng của mình.

Trên các buýt 2 tầng được trang bị hệ thống công nghệ hiện đại với nhiều tiện ích, thuyết minh tự động đa ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung Quốc, Pháp, Hàn, Nhật, Nga… thuận lợi cho nhiều cá nhân hoặc nhóm khách với các quốc tịch khác nhau trên cùng chung một hành trình. Trước mỗi điểm đến, hệ thống âm thanh đều sẽ thuyết minh, giới thiệu về điểm du lịch này để hành khách có thêm thông tin. Đánh giá buýt 2 tầng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng, tuyến buýt đã mang lại cho du khách thêm một lựa chọn về sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao, mang nét đặc trưng Hà Nội.

Cách đây gần 2 năm, Hà Nội xuất hiện vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ (The Quintessence of Tonkin), chương trình biểu diễn thực cảnh độc đáo tại vùng quê thanh bình thuộc xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội), cách trung tâm thủ đô khoảng 40 phút di chuyển bằng ô tô. Và chỉ sau 1 năm, chương trình đã được nhận 2 kỷ lục Guinness Việt Nam và được CNN bình chọn là vở diễn “Đến Hà Nội nhất định phải xem”.

Trung bình mỗi năm, Tinh hoa Bắc Bộ đón khoảng hơn 50.000 khán giả. Đến với vở diễn, du khách được sống trong chuyện kể dân gian với nhiều cung bậc cảm xúc. Vở diễn kết nối các du khách quốc tế với câu chuyện văn hóa Việt Nam qua phần lời kể, những câu chuyện lịch sử, văn hóa có phụ đề tiếng Anh. Du khách Việt cũng tìm thấy những câu chuyện cổ xưa về đất nước, cùng những tập tục văn hóa mà ở cuộc sống hiện đại khó có thể tìm thấy.

Tinh hoa Bắc Bộ đã thực sự dẫn dắt khán giả tìm về những phút bình yên của tâm hồn. Mở ra với hình ảnh lão ngư đội nón câu cá thanh bình, tiêu diêu, thoáng nghe tiếng khua mái chèo làng quê, tiếng dế kêu, tiếng nước. Từ đó, khán giả được dẫn dắt vào không gian văn hóa cộng đồng vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với người dân chài lưới, những cô thôn nữ mặc yếm tát nước đầu đình, có cảnh múc nước gầu sòng, cảnh tắm áo sen, trai gái đối đáp, bài ca dân chài với tiếng gõ mạn thuyền, bài vè trong không khí lao động hăng say rộn rã… Trong không gian ấy, khán giả có thể tìm lại những năm tháng thanh xuân của làng quê Việt, những câu chuyện xưa, những tập tục văn hóa khó có thể tìm thấy ở cuộc sống ngày nay.

Cuối tháng 6-2018, vở diễn lại thêm một lần nữa làm nức lòng truyền thông thế giới khi xuất hiện trong phóng sự Destination: Hanoi (Điểm đến: Hà Nội) trên kênh truyền hình nổi tiếng CNN của Mỹ. Mặc dù CNN quay vào một ngày thứ 7 trời mưa, nhưng thời tiết bất lợi cũng không ngăn được khán giả đến với vở diễn. Bên cạnh những hình ảnh biểu diễn trên sân khấu Tinh hoa Bắc Bộ, CNN còn đưa khán giả tới khung cảnh hậu trường, nơi những diễn viên nông dân hăm hở trên nước, với ngư cụ trên tay, tập cảnh đi bắt tôm... gấp rút chuẩn bị cho màn diễn để thể hiện các phong tục văn hóa Bắc bộ Việt Nam.

Điều đặc biệt của Tinh hoa Bắc Bộ chính là việc đưa những người nông dân lên sân khấu biểu diễn. Họ không phải là diễn viên chuyên nghiệp nhưng khi luyện tập hàng ngày, đặc biệt là khi có khán giả tới xem, ánh sáng âm thanh nổi lên, họ nhập vai thật tự nhiên. Những tràng vỗ tay không ngớt, nụ cười thân thiện của những du khách trong nước và quốc tế đến xem vở diễn ngày một tăng lên đã trở thành sự cổ vũ, động lực cho những diễn viên bản địa vốn là những người nông dân ngày một tự tin, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đến với vở diễn với niềm đam mê và niềm vui lan tỏa văn hóa cộng đồng.

“Tinh hoa Bắc Bộ” từng bước chạm đến trái tim của người xem khi mang lại cảm giác bình yên trở về thuở ấu thơ cho những người sinh sống và làm việc ở đô thị qua lời ru con Bắc Bộ hay những điệu vè của trẻ em “Nu na nu nống”, “Dung dăng dung dẻ”… hay khi hòa mình vào tín ngưỡng đạo Mẫu, cuộc sống của những người nông dân, trực tiếp hòa cùng những diễn viên nông dân trong không gian lễ hội, nhảy sạp rộn ràng… Thêm vào đó là những làn điệu dân ca quan họ mượt mà của “Mười nhớ” hay “Người ơi người ở đừng về” cùng những cái vẫy tay lưu luyến…

Những giải thưởng, những danh xưng và nhiều nỗ lực nhưng hơn tất thảy là lời mong mỏi muốn đưa vở diễn thực cảnh đậm đà bản sắc Việt tại Hà Nội này ngày càng đi vào lòng người, là cầu nối để du khách thêm yêu văn hóa Việt, trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế khi đến với Thủ đô.

(Còn nữa)

Thái Phương - Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cach-nguoi-ha-noi-dua-van-hoa-vao-du-lich-ky-2-nhung-dieu-nhat-dinh-phai-thu-khi-den-ha-noi-156700.html