Cách phát hiện sớm bệnh sốt rét

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình vừa phát hiện một ca bệnh sốt rét ngoại lai trên địa bàn. Vậy khi mắc sốt rét sẽ có biểu hiện như thế nào?

Sốt rét là một căn bệnh do ký sinh trùng gây ra. Có nhiều loài ký sinh trùng thuộc họ Plasmodium gây bệnh sốt rét ở người: P. Vivax, P. Falciparum (nguy hiểm). P. malariae, P. Ovale (ít nguy hiểm). P. Knowlesi (chủ yếu ở Đông Nam Á, gây sốt rét nặng cho người). Ở Việt Nam có 3 loài: P. Falciparum, P. Vivax, P. Malariae.

Muỗi truyền bệnh sốt rét (muỗi Anophen) hút máu của người bệnh, hút theo cả ký sinh trùng sốt rét vào cơ thể muỗi. Ở Việt Nam có 15 loài muỗi Anophen gây bệnh, 3 loài truyền bệnh thường xuyên là: An. Dirus, An. Minimus, An. Epiroticus.

Quá trình truyền bệnh sốt rét là khi muỗi hút máu người bệnh, hút theo giao bào đực và cái của ký sinh trùng sốt rét.

Ký sinh trùng phát triển, sinh sản nhân lên gấp nhiều lần. Khi con muỗi này đốt người lành đồng thời truyền ký sinh trùng và gây bệnh. Sự lây lan này rất nhanh trong một thời gian ngắn có thể hàng trăm người cùng mắc bệnh sốt rét.

Sốt rét là một căn bệnh do ký sinh trùng gây ra.

Sốt rét là một căn bệnh do ký sinh trùng gây ra.

Biểu hiện của sốt rét

Người mắc bệnh sốt rét có thể chỉ xuất hiện các triệu chứng sốt rét thông thường, nhưng đôi khi đó cũng có thể là dấu hiệu của sốt rét ác tính. Các biểu hiện của bệnh sốt rét còn phụ thuộc vào loại ký sinh trùng gây bệnh.

- Dấu hiệu sốt rét thông thường

Người mắc bệnh sốt rét thường có các triệu chứng phổ biến như sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, thở nhanh, nhịp tim nhanh, ho, mệt mỏi, đau cơ khớp và tiêu chảy. Những triệu chứng ban đầu này thường không gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tùy vào cơ địa của mỗi người, bệnh sốt rét có thể biểu hiện khác nhau. Nếu sốt điển hình thì người bệnh sẽ trải qua 3 giai đoạn: Rét run, sốt và vã mồ hôi. Trong trường hợp sốt không điển hình, bệnh nhân có thể trải qua các biểu hiện chung như sốt không thành cơn, sốt liên tục, ớn lạnh, rét và nổi da gà. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến phình to lách, gan to, cơ thể xanh xao, suy nhược và thiếu máu.

- Dấu hiệu sốt rét ác tính

Sốt rét ác tính là một dạng sốt rét nghiêm trọng, chủ yếu do ký sinh trùng Plasmodium Falciparum gây ra. Bệnh gây tắc nghẽn các mao mạch nhỏ, dẫn đến rối loạn tuần hoàn, giảm tưới máu đến các cơ quan và gây tổn thương não. Người mắc sốt rét ác tính sẽ có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng, với những dấu hiệu như sốt cao liên tục, rối loạn ý thức (mơ sảng, nói lẩm bẩm, ngủ li bì), rối loạn tiêu hóa (ói mửa, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng), đau đầu dữ dội, thị lực lờ đờ, da tái xanh.

Ngoài ra, người bệnh có thể bị thiếu máu nặng, suy thận, phù phổi cấp, hạ đường huyết, sốc, xuất huyết, co giật toàn thân, vàng da và sốt cao. Nếu sốt rét ác tính không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong sẽ rất cao.

Khi mắc bệnh sốt rét thường có các triệu chứng phổ biến như sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, thở nhanh...

Khi mắc bệnh sốt rét thường có các triệu chứng phổ biến như sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, thở nhanh...

Tác hại của bệnh sốt rét

+ Gây thiếu máu: Do ký sinh trùng vào trong máu nên chúng phá vỡ hàng loạt hồng cầu, dẫn đến thiếu máu, da xanh, môi thâm, mệt mỏi, gầy yếu.

+ Gan to, lách to.

+ Trẻ em bị mắc bệnh sốt rét cơ thể còi cọc chậm lớn, kém thông minh.

+ Phụ nữ có thai mắc sốt rét dễ gây sảy thai, sinh non hoặc khi sinh nở dễ mắc phải những tai biến.

Để phòng chống bệnh sốt rét tốt nhất nên ngủ màn có tẩm hóa chất xua muỗi. Màn tẩm này không độc đến sức khỏe người dùng. Ngoài ra, có thể tẩm hóa chất xua muỗi vào những tấm rèm để muỗi không bay vào nhà để đốt người. Phát quang bụi rậm quanh nhà, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ.

Phun thuốc diệt muỗi. Đây là biện pháp tích cực tốt nhất cho vùng sốt rét lưu hành.

Khi có sốt nếu nghi bị sốt rét hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và lấy máu phát hiện ký sinh trùng và được điều trị.

Ngày 27/9/2024 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình cho biết vừa ghi nhận một ca bệnh sốt rét ngoại lai trên địa bàn.

Trước đó, ngày 24/9/2024 bệnh nhân N.V.C (SN 1993, trú tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được người nhà đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới với triệu chứng sốt, rét run, đổ mồ hôi, đau đầu và ho khan.

Nhận tin báo từ bệnh viện về các triệu chứng liên quan đến ca bệnh sốt rét, CDC Quảng Bình đã đến điều tra dịch tễ và làm các xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân C. bị sốt rét. Sau thời gian theo dõi, điều trị, sức khỏe bệnh nhân đang dần ổn định.

Theo người nhà bệnh nhân trước khi khởi phát bệnh, bệnh nhân có thời gian gần nửa tháng đi rừng tại Thái Lan (từ ngày 17-31/8/2024). Khi về đến nhà vào đầu tháng 9 thì các triệu chứng trên xuất hiện.

CDC Quảng Bình đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch giám sát các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân. Đặc biệt là các thành viên của hộ gia đình và khu vực xung quanh nhà ở của bệnh nhân trong vòng 30 ngày, kể từ ngày bệnh nhân khởi phát bệnh để chủ động, kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

BS Trần Dung

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-phat-hien-som-benh-sot-ret-169240930093339457.htm