Cái gì nó cũng biết

Minh họa: Phan Nhân

Minh họa: Phan Nhân

Nói đến “Nguyễn Văn” ai lại không biết. Chẳng cần gọi “giáo sư Nguyễn Văn” hay “tiến sĩ Nguyễn Văn” mặc dù ông là giáo sư II và những hai bằng tiến sĩ. Một là tiến sĩ luật, hai là tiến sĩ tâm lý. Năm nay ông đã ngoài 90, bảo vệ tiến sĩ ở Đông Đức 50 năm trước, sau đó mới bảo vệ tiến sĩ tâm lý ở Liên Xô. Ngày đó thì nghèo nhưng học thật chứ không phải “học giả” nên tiến sĩ cũng là tiến sĩ thật, không phải “tiến sĩ giấy” của thời buổi kinh tế thị trường, lạm phát bằng cấp.

Nửa thế kỷ trước, tên tuổi ông thường xuất hiện trên sách báo, tạp chí chuyên ngành và cả trong sách giáo khoa học sinh phổ thông. Một người lập thân bằng cách nhịn đói để học. Nhịn đói theo nghĩa đen hẳn hoi. Đã ai uống nước lã cho đầy bụng để chiến thắng cơn đói cồn cào? Vậy mà lão làm được. Đến bữa hàng xóm thấy lão đặt nồi đun nước sôi thì nói chệch ra là cháo. Nghị lực quả là có 1 không 2.

Đề tài tiến sĩ tâm lý học của lão là “Thói quen và sự hình thành tính cách” lão nghiệm ra từ đời mình và những học trò đã để lại ấn tượng, rằng ý chí vượt qua tất cả. Về hưu lão vẫn thể hiện những phẩm chất tốt đẹp đó, sáng sáng dậy sớm tập thể dục, không rượu không chè...

Chỉ có một thói quen xấu mà giáo sư Nguyễn Văn chưa bỏ được, đó là thuốc lá. Lão thừa hiểu thuốc lá có hại, song trong thâm tâm không cho là hại đến mức như người ta cảnh cáo. Khói thuốc tỏa ra đương nhiên là làm phiền những người xung quanh, và nếu không đáng sợ như người ta nói thì cũng chẳng có ích lợi gì. Đã có thông báo những người mang gen đột biến gây ung thư do thuốc lá. Số người không có gen này thì yên tâm. Lão hi vọng mình trong top may mắn ấy. Hơn nữa, kết luận của một công trình mà giáo sư đã có dịp báo cáo trong một hội nghị quốc tế là: “Nếu phải quá căng thẳng cân não để dập tắt một thói quen thì đôi khi từ bỏ thói quen lại nguy hiểm hơn”. Đó cũng thêm một lý do nữa để giáo sư chưa quyết định dứt bỏ thuốc, chứ nghị lực như lão thì đó là chuyện “nhỏ như con thỏ”, dễ ợt, ba mươi giây.

Hàng xóm sát nách Nguyễn Văn có một bà giáo làng về hưu ngoài 70 tuổi, thường ẵm đứa cháu lên 3 sang chơi. Một hôm hai người đang chuyện trò thì thằng nhỏ chỉ mặt lão: “Muốn chết à?”. “Láo”, lão trừng mắt, mặt đỏ gay quát ngầm. Cháu bà giáo mà hỗn. Thằng bé quá nhỏ để giáo sư có thể nổi nóng. Lão đổi sắc mặt, cười cười, vẫn chưa hiểu vì sao nó buột miệng ra câu đó.

- Xin lỗi ông... - Bà giáo nhỏ nhẹ. - Cháu nó thấy ông ngậm điếu thuốc.

- “Mỗi năm 4 triệu người chết vì thuốc lá”. - Thằng bé nhắc lại lời trên TV.

Giáo sư Nguyễn Văn cười gượng gạo mặc dù trong lòng vẫn không muốn tha thứ.

- Trẻ con bây giờ khôn thật ông ạ. - Bà giáo nói lảng sang chuyện khác. - Cái gì nó cũng biết. - Bà nhìn cháu. - Nhưng lần sau cấm nói thế nữa nhé. Ông đánh đấy!

Thằng bé sợ hãi nép vào vai bà. Lần đầu nó được bài học, không phải cái gì nghe được trên TV cũng có quyền nhắc lại. Chắc chắn thằng bé sẽ bật khóc nếu lão kéo dài cái nhìn thêm 30 giây nữa.

Giáo sư dịu lại, nhìn nó bằng ánh mắt thân thiện.

Bà giáo nói:

- Ông xem, lên 3 mà cái gì nó cũng biết.

- Bà nói sao chứ... - Giáo sư nghiêm nét mặt.

- Tôi nói thật đấy! Ông không biết thì có. Chỉ tội nó hơi thiếu nghị lực.

- Ba tuổi ranh, nghị với chả lực.

Khi đã làm thân, thỉnh thoảng ông sai thằng nhỏ ra quán đầu nhà mua thuốc lá, còn thừa tiền lẻ cho nó cái kẹo.

Bà lão bảo hai ông cháu:

- Thôi, hai ông cháu thi đua. Ông bỏ thuốc, cháu bỏ kẹo. Ăn kẹo sâu răng.

Hai ông cháu đồng ý. Cuộc thi bắt đầu. Được khoảng hơn tháng, một hôm đang nói chuyện với bà lão, ông thấy buồn miệng, chân tay bứt rứt bèn rút túi 5 ngàn đưa thằng nhỏ:

- Ra quán mua cho ông 3 điếu thuốc, người ta trả lại cái kẹo là phần cháu.

- Không, cháu không ăn kẹo! - Nó trả lời dứt khoát.

Bà giáo bật cười:

- Ông thấy chưa, tôi đã bảo mà, cái gì nó cũng biết!

- Vâng! - Tự dưng ông nổi nóng. - Cháu bà lên ba mà cái gì nó cũng biết, còn tôi thì không biết cái gì cả. “Bảy mươi phải gọi bảy mốt bằng anh”, tôi đây mới có chín mươi thôi.

- Ồ, tôi thấy ông chẳng tâm lý tý nào cả.

- Tôi mà không tâm lý thì cháu bà ăn cái tát từ hôm nọ.

- Tôi đã bảo nó nói theo TV.

Thằng bé mở ipad ấn vào tìm clip có đối thoại “Muốn chết hả?”. Bà đưa ông xem. Ông cầm lên.

- Ô... mất hình rồi. Làm thế nào bây giờ bà?

Bà đưa ipad lại cho cháu:

- Cháu giúp ông tìm đi! Thằng này nó biết hết đấy.

- Vâng! Cái gì nó cũng biết. Chỉ tôi là ngu thôi!

Thằng bé bịt hai lỗ tai, ôm lấy đầu:

- Ồn quá! Ồn quá! Mất trật tự! Phạt! Phạt!

CHU BÁ NAM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202106/cai-gi-no-cung-biet-3061093/