Cán bộ, công nhân lao động thi đua làm theo lời Bác

Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch hoạt động với nhiều nội dung phong phú, thiết thực góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân lao động thời đại mới. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch hoạt động với nhiều nội dung phong phú, thiết thực góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân lao động thời đại mới.

Chị Đỗ Thị Len, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Longyu Việt Nam luôn gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Một trong những nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được nhiều công đoàn cơ sở triển khai là học Bác về phong cách làm việc. Vì thế, thời gian qua, thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã có hàng trăm giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài lao động sáng tạo được đăng ký và xét duyệt. Qua đó, khuyến khích, động viên công nhân lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm chi phí quản lý, định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả cao, làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như chị Đỗ Thị Len, Chủ tịch công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Longyu Việt Nam, xã Tân Thịnh (Nam Trực) học Bác thể hiện ở tác phong làm việc chăm chỉ, đúng giờ, chịu khó học tập, nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật trong vận hành máy móc. Với quan niệm ấy, chị Len đã có nhiều sáng kiến được lãnh đạo công ty ủng hộ. Tiêu biểu là sáng kiến “Là cắt dính dựng” (là kỹ thuật gắn lưỡi dao lam vào bàn là để cắt dây trực tiếp, kết hợp hai thao tác “là” và “cắt” thành một thao tác). Nếu cách làm cũ mất 112 giây/sản phẩm, thì cách làm mới chỉ mất 78 giây/sản phẩm, tiết kiệm được 34 giây/sản phẩm, tương đương giảm được 0,8 lao động tiết kiệm được 200 nghìn đồng/công đoạn. Thiết bị này giúp cho chất liệu vải mỏng không bị xơ, giãn. Và sáng kiến “Gá trần bông” (là kỹ thuật dùng miếng nhựa cắt theo định vị của giấy mẫu. Khi làm, công nhân chỉ cần đặt miếng gá và đặt miếng vải lên trên, cùng một lúc có thể trần được rất nhiều đường. Với cách làm cũ thì phải cần một người vẽ sau đó một người trần, mỗi lần trần thì chỉ trần được một đường và thời gian một giờ chỉ được 35 sản phẩm. Với cách làm mới đã giảm được một lao động, thời gian một giờ là được 65 sản phẩm. Mỗi tháng công ty tiết kiệm được hàng triệu đồng và nhân công. Còn đối với cô giáo Bùi Thị Hồng Nhung, giáo viên dạy môn Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Nghĩa Hưng A thì học Bác ở tính kiên nhẫn, chịu khó mày mò, nghiên cứu, vì vậy nhiều sáng kiến của cô được đồng nghiệp ứng dụng vào giảng dạy. Ngữ văn là môn học rất quan trọng nên vấn đề đầu tiên cần giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của môn học, hứng thú say mê trong việc học. Để làm được điều đó, cô tiến hành đổi mới cách thức truyền đạt như: coi trọng việc phát triển năng lực, sáng tạo hợp tác của người học; phát huy tuyệt đối vai trò người học và người dạy chỉ định hướng, gợi mở, giúp người học cách học, cách tiếp cận, phân tích, tổng hợp, giải quyết vấn đề. Học sinh tham gia chủ động vào quá trình tiếp thu kiến thức và tuyệt đối không có tình trạng đọc chép. Bên cạnh đó, hình thức dạy, học được cô Nhung tổ chức đa dạng như: học theo nhóm, theo dự án, sân khấu hóa tác phẩm… Việc kiểm tra, đánh giá được chú trọng đổi mới. Đặc biệt, để đáp ứng những đổi mới trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, cô Nhung đã tìm tòi học hỏi theo các tài liệu được tập huấn và biên soạn được hệ thống các đề kiểm tra một cách khoa học, có chất lượng, đánh giá được tương đối chính xác năng lực người học. Các đề kiểm tra được cô biên soạn theo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao... Với nỗ lực tích cực đổi mới sáng tạo trong dạy và học, kết quả môn Ngữ văn ở các lớp dạy cô Nhung thường cao nhất khối. Trung bình đạt 7,65 điểm/học sinh. Tỷ lệ học sinh đạt điểm khá, giỏi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cao. Các em học sinh có thái độ học tập tích cực, chủ động chiếm lĩnh kiến thức kỹ năng và có niềm yêu thích, say mê với môn học.

Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, hàng năm Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch với nội dung cụ thể, thiết thực, chỉ tiêu phấn đấu, kịp thời triển khai đến các cấp công đoàn, tổ chức cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nghiên cứu, học tập các tác phẩm: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; học tập tư tưởng về “thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Cùng với đó, Liên đoàn Lao động tỉnh lồng ghép tốt nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác chuyên môn, lãnh đạo quản lý, điều hành, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được đông đảo cán bộ đoàn viên và các cấp Công đoàn trong tỉnh hưởng ứng. Liên đoàn Lao động tỉnh đã tiến hành lựa chọn, hoàn thiện hồ sơ và xây dựng 3 video về 3 sản phẩm tiêu biểu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm “Tự hào trí tuệ lao động khu vực đồng bằng sông Hồng”. Kết quả trong năm 2018, có 18 công nhân lao động được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo; 1 công nhân lao động tiêu biểu thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc được tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III; 77 sáng kiến được công nhận sáng kiến cấp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh trao bằng khen cho 12 cá nhân, Sở Khoa học và Công nghệ tặng giấy khen cho 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”... Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn còn chú trọng phát huy tốt việc thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động, tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt để công nhân, viên chức, lao động tham gia góp ý kiến với cán bộ lãnh đạo, với đảng viên theo quy định, kịp thời tập hợp những kiến nghị, những tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động về các chế độ chính sách liên quan đến công nhân, viên chức, lao động...

Để đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, thời gian tới các cấp Công đoàn trong tỉnh tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền việc học và làm theo Bác tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, về hành động, về ý thức tự giác trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5084/201909/can-bo-cong-nhan-lao-dong-thi-dua-lam-theo-loi-bac-2533008/