Cần chú trọng phát triển tài sản trí tuệ hồng Bảo LâmTin khácXét tặng danh hiệu 'Công dân Lạng Sơn ưu tú': Tôn vinh những tấm gương điển hìnhNỗ lực thực hiện Nghị quyết số 116

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm là một trong hai sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao nhất. Tuy nhiên, việc phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm này còn nhiều bất cập.

Huyện Cao Lộc hiện có 453 ha hồng, trong đó, 224 ha đang cho thu hoạch với sản lượng gần 1.200 tấn/năm. Giá bán trên thị trường từ 20.000 đến 40.000 đồng/kg tùy loại to hay nhỏ. Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã cấp văn bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm hồng Bảo Lâm với khu vực bảo hộ gồm 3 xã: Bảo Lâm, Thanh Lòa, Thạch Đạn. Tuy nhiên CDĐL “Bảo Lâm” cho quả hồng không hạt chưa phát huy được hết tiềm năng. Cụ thể hiện nay, phạm vi bảo hộ lại chưa được điều chỉnh phù hợp với thực tế, mới được bảo hộ tại 3 xã: Bảo Lâm, Thanh Lòa, Thạch Đạn. Trong khi đó diện tích hồng không hạt đã được nhân rộng và trồng nhiều tại xã lân cận như: Gia Cát, Hòa Cư, Hải Yến, Lộc Yên, Cao Lâu, Tân Thành và thị trấn Đồng Đăng. Thậm chí tại 7 cơ sở này chưa được bảo hộ thì sản lượng đạt khoảng 600 tấn/năm, chiếm tới 50% tổng sản lượng hồng không hạt toàn huyện. Chất lượng quả hồng tại vùng này còn có kích thước tương đương hoặc lớn hơn vùng được bảo hộ.

Nông dân xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc chăm sóc hồng không hạt

Nông dân xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc chăm sóc hồng không hạt

Về thị trường tiêu thụ, hồng không hạt Bảo Lâm chủ yếu được tiêu thụ nội tỉnh và một số tỉnh lân cận thông qua tư thương vào tận các vườn thu mua theo từng đợt, giá cả do hai bên thỏa thuận và hầu như không có hợp đồng mua bán, do đó, lượng tiêu thụ, giá cả không ổn định. Cùng đó, những năm gần đây, nhiều cây hồng cổ thụ tại vùng được bảo hộ đang dần bị thoái hóa và chết do cây già cỗi, khả năng chống chịu sâu bệnh kém khiến năng suất, sản lượng giảm mạnh. Nếu như trước đây, năng suất hồng đạt khoảng 5 tấn/ha thì hiện nay, năng suất hồng tại các xã được bảo hộ chỉ bằng khoảng 60%.

Ông Lưu Bá Mạc, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN cho biết: Việc phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm là hết sức cần thiết nhất là từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu có hiệu lực (tháng 8/2020) thì hồng Bảo Lâm là một trong những loại nông sản Việt Nam được Châu Âu cam kết bảo hộ. Theo đó, sản phẩm này có thể xuất khẩu trực tiếp sang Châu Âu mà không phải qua trung gian. Đây là cơ hội lớn đưa nông sản tỉnh Lạng Sơn ra thị trường quốc tế và nâng cao giá trị sản phẩm.

Được biết, để duy trì và phát triển CDĐL “Bảo Lâm” cho sản phẩm hồng không hạt, thời gian tới, Sở KH&CN sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của huyện Cao Lộc tập trung giải quyết các vấn đề mở rộng khu vực bảo hộ thêm 6 xã, thị trấn đã dự kiến của huyện; xây dựng mô hình quản lý CDĐL theo hướng đơn giản, vận hành hiệu quả; chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, công cụ quản lý, kiểm soát CDĐL; hoàn thiện bộ máy quản lý theo nhu cầu, điều kiện sản xuất, kinh doanh của địa phương; kết nối các kênh tiêu thụ và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm…

Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cao Lộc cho biết: Về phía cơ quan chức năng của huyện, phòng sẽ thực hiện một số giải pháp để phát triển tài sản trí tuệ đối với hồng không hạt Bảo Lâm. Cụ thể là tìm đầu ra cho hồng không hạt Bảo Lâm, kết nối doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm tại 3 xã được bảo hộ CDĐL (Bảo Lâm, Thanh Lòa, Thạch Đạn). Cùng với đó, huyện đã có kế hoạch từ nay đến năm 2025, mở rộng vùng trồng thêm 100 ha gắn với sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong quá trình chăm sóc để giảm sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng quả;

Được biết, đối với những vườn hồng cổ thụ, Phòng NN&PTNT huyện sẽ phối hợp bảo tồn, phát huy nguồn gen quý hồng Bảo Lâm; tăng cường xây dựng các công cụ, phương tiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm như: thiết kế và in ấn bộ nhận diện sản phẩm; in tem truy xuất nguồn gốc điện tử; tham gia các hoạt động triển lãm, xác tiến tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hội thảo kết nối tiêu thụ, tuần lễ giới thiệu sản phẩm…

HOÀNG VƯƠNG

HOÀNG HIẾU - TUYẾT MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/456444-can-chu-trong-phat-trien-tai-san-tri-tue-hong-bao-lam.html