Cần mở ra thị trường cho rác thải nhựa

Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa xây dựng được thị trường hoàn chỉnh cho các sản phẩm rác thải nhựa tái chế, và đây cũng là điều làm cả thế giới đau đầu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo thông tin vừa được đưa ra tại Diễn đàn Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam năm 2019, ước tính Việt Nam tạo ra 6% lượng nhựa trên đại dương và bị xếp hạng 4 toàn cầu về lượng mảnh vỡ nhựa trên biển. Việt Nam đã tạo ra hơn 2 triệu tấn chất thải nhựa trong năm 2017. Dựa trên các yếu tố về phát triển kinh tế - xã hội hiện tại, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị có thể tăng hơn 40% vào năm 2030.

Hiện nay, các ngành hàng tiêu dùng nhanh, trong đó có thực phẩm và đồ uống chính là những ngành sử dụng nhiều bao bì và tạo ra nhiều chất thải nhựa nhất. Vì vậy, các DN trong ngành này đã thống nhất rằng cần có hướng phát triển bền vững bằng việc giảm rác thải nhựa, đáp ứng chương trình hoạt động của Liên Hợp quốc và lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc giảm rác thải nhựa hồi tháng 8/2019.

Bà Mary Tarnowka - Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết: “Khi dân số Việt Nam tiếp tục tăng, cùng với sự gia tăng về thu nhập, sức mua và nhu cầu đối với những thị trường thực phẩm và đồ uống mới, các vấn đề về tính bền vững và các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng”.

Trong nhiều thập kỷ, bao bì thực phẩm và đồ uống là một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Còn hiện nay, việc quản lý hiệu quả bao bì chất thải nhựa sau tiêu dùng để không tạo gánh nặng lên môi trường là vấn đề phức tạp, đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và cam kết từ tất cả các bên liên quan trong khu vực công và tư ở các khía cạnh từ xây dựng khung chính sách, áp dụng mô hình kinh doanh bền vững, đổi mới công nghệ tiên tiến, thúc đẩy hợp tác công tư.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để phát triển bền vững, đã đến lúc các DN không chỉ nghĩ đến kinh doanh đơn thuần, mà cần tập trung để tham gia nền kinh tế tuần hoàn với hoạt động tái chế rác thải từ bao bì.

Với tư cách là các tổ chức có liên quan chính yếu và có khả năng thực hiện các thay đổi mang lại hiệu quả ở diện rộng, cộng đồng DN trong ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam cam kết mạnh mẽ sẽ trở thành người tiên phong để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam và trên thế giới. Bên cạnh đó, các DN cũng cho rằng việc tập trung cải tiến quy trình sản xuất cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế cũng sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tăng nhanh xuất khẩu thực phẩm và đồ uống.

Ông Nguyễn Định Tuyên - chuyên gia từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nhận định, không nên nhìn nhận chất thải nhựa là một loại phế phẩm đơn thuần, mà cần coi đó là nguồn lực để thu thập và tái chế, tái sử dụng một cách thông minh và có trách nhiệm. Ông chỉ ra xu hướng trên toàn cầu, các NĐT đã tiêu tốn hàng tỷ USD để tìm ra các địa điểm kinh doanh mới, mong muốn bỏ vốn đầu tư nhưng đồng thời phải cả tác động tích cực đối với môi trường, xã hội…

Ở Việt Nam đã có tòa nhà xanh, công trình xanh, xây dựng chuẩn mực… để lượng hóa tòa nhà tiết kiệm được bao nhiêu % năng lượng tiêu thụ. “Vậy thì giảm thiểu rủi ro, chi phí cho môi trường, đầu tư xanh cho các ngành… phải là những tiêu chuẩn được lượng hóa trong thu hút đầu tư để mời gọi được những NĐT muốn làm ăn lâu dài”, ông Tuyên khuyến nghị.

Đại diện Công ty TNHH Lavie Việt Nam bày tỏ tin tưởng, đến năm 2022-2023 sẽ có các công ty trong ngành thực phẩm – đồ uống có thu nhập từ việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để tái chế rác thải nhựa bên cạnh hoạt động sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa xây dựng được thị trường hoàn chỉnh cho các sản phẩm rác thải nhựa tái chế, và đây cũng là điều làm cả thế giới đau đầu.

Bên cạnh đó, tại nhiều diễn đàn thế giới về tái chế rác thải nhựa, nhiều ý kiến cho rằng việc tái chế có khi còn không tốt bằng chôn lấp, vì chôn lấp mới làm giảm thải khí cacbon ra môi trường. Chẳng hạn, đối với mô hình biến rác thải thành điện thì nhiệt độ đốt phải lên tới 400-700 độ C mới có thể sản sinh ra điện, nhưng đốt tới nhiệt độ đó lại làm thải ra chất rất độc. Vì vậy nhiều quốc gia có phát triển điện rác, còn ở Việt Nam phải rất cẩn thận trong xử lý điện rác.

Lan Hương

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/can-mo-ra-thi-truong-cho-rac-thai-nhua-95224.html