Đại học Đà Nẵng sẽ tham gia vận hành phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia

Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình 'Phát triển nguồn nhân lực (NNL) ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050'. Theo đó, Đại học (ĐH) Đà Nẵng là 1 trong 18 cơ sở giáo dục ĐH công lập của cả nước được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời tham gia vận hành phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia đặt tại thành phố này.

Mục tiêu chung của Chương trình nói trên là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng; có ít nhất 50.000 nhân sự có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn. Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu cả về chất lượng và số lượng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của đất nước.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng và ĐH Đà Nẵng khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ “thông minh” tại Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng và ĐH Đà Nẵng khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ “thông minh” tại Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn.

Theo Chương trình này, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và các tổ chức có liên quan chủ động bố trí hoặc huy động nguồn lực hợp pháp để đầu tư phát triển phòng thí nghiệm bán dẫn đảm bảo phục vụ cho nhu cầu đào tạo, nghiên cứu của đơn vị. Ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phần mềm bản quyền để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo NNL ngành công nghiệp bán dẫn tại 18 cơ sở giáo dục ĐH công lập, trong đó có ĐH Đà Nẵng.

Đồng thời, ngân sách trung ương cũng hỗ trợ đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng. Các phòng thí nghiệm này có cơ chế vận hành, sử dụng tài sản công thuận lợi. Trong đó, phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia đặt tại Đà Nẵng sẽ do UBND thành phố là cơ quan chủ trì và phối hợp với ĐH Đà Nẵng vận hành, tập trung cho công đoạn thiết kế, kiểm thử vi mạch. Đây là cơ hội để ĐH Đà Nẵng với vai trò là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu trong hệ thống giáo dục nước nhà đóng trên địa bàn TP Đà Nẵng thực thi sứ mệnh đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sinh viên thực hành Thiết kế vi mạch tại Trường ĐH Bách khoa- ĐH Đà Nẵng.

Sinh viên thực hành Thiết kế vi mạch tại Trường ĐH Bách khoa- ĐH Đà Nẵng.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật- ĐH Đà Nẵng và giảng viên hướng dẫn về vi mạch bán dẫn.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật- ĐH Đà Nẵng và giảng viên hướng dẫn về vi mạch bán dẫn.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ- Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đơn vị có nhiều thế mạnh để đào tạo kỹ sư vi mạch bán dẫn. Trong đó, các trường ĐH thành viên như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn có truyền thống, kinh nghiệm đào tạo khối các ngành kỹ thuật-công nghệ. ĐH Đà Nẵng cũng là cơ sở giáo dục có uy tín, thương hiệu với đội ngũ cán bộ, giảng viên được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, vừa giỏi chuyên môn, ngoại ngữ. Những năm qua, ĐH Đà Nẵng đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế sâu rộng với nhiều đối tác có tiềm lực, thương hiệu uy tín trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

ĐH Đà Nẵng cũng là địa chỉ thu hút nhiều sinh viên giỏi đến học tập với chất lượng tuyển sinh đầu vào khá cao, đầu ra chất lượng được nhiều doanh nghiệp tín nhiệm, điển hình như Synopsys Đà Nẵng có đến 90% nhân sự tốt nghiệp từ Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng “Cùng với các trường ĐH lớn của cả nước, ĐH Đà Nẵng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn theo Chương trình của Chính phủ”- PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ khẳng định.

3 trường thành viên của ĐH Đà Nẵng : Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt- Hàn ký kết hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng.

3 trường thành viên của ĐH Đà Nẵng : Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt- Hàn ký kết hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng.

Được biết ngay từ đầu năm học 2023-2024, ĐH Đà Nẵng đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, tổ chức sự kiện thành lập Liên minh các ĐH hàng đầu, tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu về Chip bán dẫn. ĐH Đà Nẵng đã ký kết triển khai hợp tác với Bang Oregon, Hoa Kỳ, trong đó có ĐH Portland là đối tác của ĐH Đà Nẵng từng liên kết đào tạo quốc tế ngành Điện tử Viễn thông và ngành Hệ thống nhúng và IoT tại Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng. Đây cũng là 2 ngành được kiểm định đạt chuẩn chất lượng quốc tế (theo chuẩn khu vực Đông Nam Á AUN-QA) với số điểm cao thứ 2 trong số các ngành mà AUN từng đánh giá ngoài tại Việt Nam.

ĐH Đà Nẵng đã sớm chỉ đạo các trường ĐH thành viên vào cuộc tích cực, chủ động. Các trường ĐH thành viên có truyền thống, thế mạnh trong lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ của ĐH Đà Nẵng đã đồng loạt mở ngành, tuyển sinh Vi mạch bán dẫn. Kết quả tuyển sinh năm 2024, các ngành mới về Thiết kế vi mạch bán dẫn tại Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn đều có điểm xét tuyển cao, thể hiện sức thu hút và chất lượng đầu vào.

Tiên phong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Tiên phong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Mới đây, tại sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn 2024” lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng,, 3 trường ĐH thành viên nói trên của ĐH Đà Nẵng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) cùng phối hợp trong nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đây là bước khởi sắc gắn kết tam giác "ba nhà" (Nhà nước-Nhà trường-Nhà doanh nghiệp) cùng hợp lực phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn này.

Hiện nay, nhiều hạng mục, công trình phục vụ nhu cầu đào tạo và nghiên cứu vi mạch bán dẫn của ĐH Đà Nẵng cũng đã được đầu tư, triển khai đồng bộ như: Trung tâm Nghiên cứu Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (tại Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn), Phòng Thực hành Thiết kế vi mạch (tại Trường ĐH Bách khoa) và Phòng thí nghiệm, thực hành Vi mạch bán dẫn (tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật). Đây là cơ sở quan trọng để ĐH Đà Nẵng phát huy tiềm lực đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học và chuyên gia giúp sinh viên có thêm các cơ hội thực hành, thí nghiệm và trải nghiệm ứng dụng các phần mềm công nghệ bán dẫn trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Tân An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/dai-hoc-da-nang-se-tham-gia-van-hanh-phong-thi-nghiem-ban-dan-dung-chung-cap-quoc-gia-i746635/