Cần nâng cao dịch vụ y tế cơ sở - 'phòng tuyến đầu' chăm sóc sức khỏe bà con dân tộc thiểu số

Còn không ít bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế cơ bản. Đặc biệt là cần các giải pháp để nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh với phụ nữ, trẻ em.

 Y sĩ Lương Thị Thập, dân tộc Thái, khám chữa bệnh cho người dân tại Trạm y tế xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa)

Y sĩ Lương Thị Thập, dân tộc Thái, khám chữa bệnh cho người dân tại Trạm y tế xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa)

Gần đây có Đoàn thanh niên y bác sĩ của tỉnh Nghệ An về thôn bản khám chữa bệnh miễn phí, bà con bản Vều 3, xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn) hận hoan đi khám từ rất sớm để được khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí. Bản như đang có "ngày hội chăm sóc sức khỏe". Dắt theo cả cháu gái đi khám bệnh, bà Tô Thị Cường, cho biết: Bản Vều 3 có hơn 200 bà con, chủ yếu là người dân tộc Thái. Vốn là địa bàn miền núi, vùng sâu xa, điều kiện kinh tế khó khăn, đường xá giao thông không thuận lợi, nên bà con nơi đây rất ít khi đi thăm khám bệnh. Thậm chí đến khi ốm nằm liệt giường rồi mới được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện, tỉnh để thăm khám, chạy chữa. Ngay như cháu của bà nhìn tưởng khỏe mạnh bình thường, nhưng lại được chẩn đoán suy dinh dưỡng, chậm nói, và đã được bác sĩ tư vấn điều trị tại buổi khám.

Bà con dân tộc thiểu số thường sinh sống ở vùng miền núi, vùng sâu xa, điều kiện kinh tế khó khăn của nước ta. Theo các bác sĩ, vùng miền núi các khu vực này dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế, thiếu nhân lực, trang thiết bị y tế để phát hiện, điều trị sớm các bệnh lý cấp tính phổ phiến của trẻ em ở khu vực này, như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm phế quản, nhiễm giun sán, sốt virus, rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, còi xương… Với phụ nữ phần lớn có các bệnh liên quan tới sản phụ khoa, xương khớp, tim mạch…

Việc chăm sóc sức khỏe người dân tộc thiểu số, vùng sâu xa hiện nay dựa phần lớn vào vai trò tiên phong của đội ngũ y yế cơ sở. Tại xã Thanh Kỳ - một trong những xã vùng khó khăn nhất của huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa), có 9 thôn bản với 4.670 nhân khẩu, đây là nơi sinh sống của trên 90% đồng bào người dân tộc thiểu số.

Y sĩ Lương Thị Thập, người dân tộc Thái, chia sẻ, chị đã có 13 năm gắn bó với nghề ở vùng đất quê hương tại trạm y tế xã Thanh Kỳ. Trước đây, chị từng chứng kiến cảnh người thân, bà con trong bản phải vất vả "trèo đèo lội suối" đi khám chữa bệnh, do trạm y tế xã khi đó còn thiếu nhân lực, cơ sở vật chất xuống cấp, xã ở cách xa trung tâm đường xá đi lại vất vả...

Chị Thập cho biết: Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và nhà nước về y tế, đến nay, bà con người dân tộc Thái ngày càng được tiếp cận với nhiều dịch vụ y tế cơ bản. Trong xã, 100% người dân khi mắc bệnh đều được đưa tới trạm y tế để khám, chữa bệnh.

Đến nay, cơ bản tỷ lệ tiêm chủng của xã đạt 100%; trên 90% phụ nữ mang thai được tiêm uốn ván; tỷ lệ trẻ em suy dĩnh dưỡng giảm nhiều so với trước kia. Do vậy, sức khỏe người dân tộc Thái nơi đây ngày được cải thiện và yên tâm lao động sản xuất.

Bà con người dân tộc số tại bản Vều 3, xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) nhận thuốc chữa bệnh miễn phí

Bà con người dân tộc số tại bản Vều 3, xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) nhận thuốc chữa bệnh miễn phí

Theo nghiên cứu của Đỗ Hoàng Phương và Phạm Mai Trà Giang (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), về dịch vụ y tế cơ bản, chính sách bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh miễn phí bao gồm 100% người nghèo vùng dân tộc thiểu số, đầu tư hệ thống dịch vụ y tế những năm qua được ưu tiên quan tâm. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, cán bộ y tế ở vùng sâu và vùng xã còn yếu kém, công tác chăm sóc sức khỏe như tiêm chủng, phòng dịch, dinh dưỡng trẻ em... đã được quan tâm nhưng còn nhiều khoảng cách, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều phong tục lạc hậu liên quan đến sức khỏe, chữa bệnh, khi họ tin rằng nếu bị bệnh chỉ cần hái lá thuốc trên rừng mang về uống là khỏi, thậm chí việc sinh đẻ cũng không cần đến bệnh viện mà chỉ cần đỡ đẻ ở nhà. Chính những suy nghĩ chủ quan này đã khiến tính mạng của con em gặp nguy hiểm.

Qua đó, theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra không chỉ nâng cao vai trò, năng lực của y tế cơ sở, mà cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ dân tộc Thái nói riêng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh…

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/can-nang-cao-dich-vu-y-te-co-so-phong-tuyen-dau-cham-soc-suc-khoe-ba-con-dan-toc-thieu-so-20231027081754428.htm