Cân nhắc kỹ việc quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, chiều 28/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Theo nhiều đại biểu, quy định văn phòng công chứng chỉ được hoạt động theo loại hình công ty hợp danh sẽ hạn chế chủ trương triển khai xã hội hóa hoạt động công chứng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Trao đổi về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn trước đề xuất tiếp tục kế thừa quy định văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên, qua khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, các đại biểu cho rằng quy định này đang dẫn đến tình trạng hợp danh hình thức, nhằm đối phó với quy định của luật, có tình trạng “trắng” tổ chức hành nghề công chứng ở một số huyện.

Đồng tình với quan điểm này, các đại biểu đề nghị quy định cần xem xét đến khía cạnh vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng, chia cắt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn chưa phát sinh nhiều các hợp đồng dân sự, kinh tế, dân số ít, thì việc cho phép thành lập văn phòng một công chứng viên hành nghề là phù hợp.

Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng những bất cập của mô hình doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc vào một công chứng viên duy nhất đã được giải quyết khi Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/can-nhac-ky-viec-quy-dinh-loai-hinh-to-chuc-hanh-nghe-cong-chung-234103.htm