Cần xử lý nghiêm trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng

Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 (thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ) đã tăng mức xử phạt với hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm gấp gần 2 lần. Sau 2 năm kể từ khi Nghị định số 117 có hiệu lực, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng tuy có giảm nhưng vẫn chưa triệt để. Nhiều địa điểm công cộng vẫn còn một số người hút thuốc lá. Để xây dựng môi trường không khói thuốc lá, cần hơn nữa sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

 Các biển cấm hút thuốc lá đặt trong phòng bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Ảnh: T.L

Các biển cấm hút thuốc lá đặt trong phòng bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Ảnh: T.L

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL). Cùng với việc tuyên truyền nhắc nhở, rất nhiều biển báo cấm hút thuốc được đặt ở nhiều nơi trong khuôn viên bệnh viện. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cho bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân khi đến bệnh viện.

Chị H.T.T., thị xã Quảng Trị, một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện cho biết: “Hơn 1 tuần điều trị tại đây tôi không thấy có trường hợp hút thuốc lá trong phòng bệnh. Ngay trong mỗi buồng điều trị, bệnh viện đều cho đặt bảng cấm hút thuốc lá nên bệnh nhân cũng như người nhà đều thực hiện nghiêm túc. Biết rõ những tác hại của hút thuốc lá đối với bản thân và cộng đồng xung quanh nên bệnh nhân ở đây đều có ý thức tự giác thực hiện nghiêm quy định của bệnh viện về cấm hút thuốc lá”.

Nếu trong khu vực điều trị thực hiện khá nghiêm túc việc cấm hút thuốc lá thì một số nơi khác ở ngoài khuôn viên bệnh viện, tình trạng hút thuốc lá vẫn xảy ra. Vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa hút thuốc lá, anh N.N.O., huyện Hải Lăng cho hay: “Tôi đi chăm sóc ba bị bệnh tim đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ mấy hôm nay. Bên trong phòng bệnh và khuôn viên bệnh viện, tôi đều thực hiện nghiêm quy định về cấm hút thuốc lá. Do nghiện thuốc lá nhiều năm nên tôi tranh thủ ra ngoài khuôn viên bệnh viện để hút thuốc lá. Lúc đầu tôi cũng ái ngại nhưng thấy xung quanh có vài người hút thuốc lá nên tôi cũng thực hiện theo”.

Đến các trạm xe buýt, chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp tình trạng một số người vẫn hút thuốc lá trong thời gian đợi xe. Anh N.T.B., huyện Vĩnh Linh cho biết thêm: “Vẫn biết pháp luật có quy định về cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng tôi thấy một số người trong trạm chờ xe vẫn hút thuốc lá nên tôi hút. Thiết nghĩ, để quy định thực sự đi vào thực tiễn, các ngành chức năng liên quan cần có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe, từ đó làm gương, giúp người dân nâng cao nhận thức và thực hiện tốt hơn các quy định”.

Luật PCTHTL có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Điều đó, thể hiện những bước tiến đáng ghi nhận trong công tác lập pháp của Việt Nam, thể hiện nhận thức đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tác hại của thuốc lá cũng như yêu cầu và tầm quan trọng của việc PCTHTL trong cộng đồng. Trong đó, quy định rõ việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng gồm: Cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, bến xe…

Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền với hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm tăng lên từ 200.000 - 500.000 đồng, thay vì mức 100.000 - 300.000 đồng như trước đây. Người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng. Ngoài ra, người vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá hoặc sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng…

Tuy nhiên, để Luật PCTHTL đi vào cuộc sống thì vẫn còn đó những khó khăn, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nhận thức của người dân về tác hại của khói thuốc ngày được nâng cao, nhất là lợi ích của môi trường không khói thuốc lá. Thông qua hoạt động tuyên truyền, tập huấn về PCTHTL, tỉ lệ người hút thuốc lá có xu hướng giảm so với thời gian trước nhưng tỉ lệ này không lớn. Thực tế vẫn còn một bộ phận người dân chưa nâng cao nhận thức và nói “không” với tác hại của thuốc lá.

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Do đó, cùng với việc tăng cường tuyên truyền tác hại thuốc lá, cần đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Để đạt được những kết quả khả quan hơn trong việc PCTHTL rất cần sự chung tay của cả cộng đồng với các giải pháp đồng bộ, nhất là việc tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức đối với những đối tượng ít tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường không thuốc lá từ bệnh viện, trường học, công sở và gia đình. Đẩy mạnh tuyên truyền tác về hại thuốc lá trong các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… Công tác PCTHTL cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài. Việc thực thi quy định xử phạt hành chính đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cần thực chất, đủ để răn đe. Đặc biệt, vấn đề cốt lõi là người dân phải tự nâng cao ý thức tự giác không hút thuốc lá.

Luật PCTHTL ra đời là hành lang pháp lý quan trọng góp phần hạn chế bệnh tật, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Do đó, mỗi người hãy cùng chung tay đưa nội dung luật vào cuộc sống để xây dựng một môi trường sống an toàn, không khói thuốc lá.

TL

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=171130&title=can-xu-ly-nghiem-truong-hop-hut-thuoc-la-noi-cong-cong